Không gian đình làng cổ giữa Thủ đô hoa lệ
(Sóng Trẻ) - Triển lãm “Đối thoại với đình làng” khai mạc ngày 20/9 là một cơ hội quý báu để mỗi chúng ta cùng suy ngẫm về giá trị của đình làng và vai trò của di sản trong xã hội đương đại.
Trong không gian của nhà triển lãm tại trường Đại học Mỹ thuật, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, 10 tác phẩm mang thông điệp khác nhau đã tái hiện một cách chân thực và sinh động nét cổ xưa của những mái đình làng.
Với sự đa dạng của các thể loại: tranh, ảnh, sắp đặt, trình diễn âm thanh, video..., mỗi tác phẩm lại chứa đựng những góc nhìn, suy nghĩ, sự phản biện riêng của mỗi tác giả về những vấn đề: sự xuống cấp của di sản, sự cần thiết trong việc bảo vệ di sản hay tôn vinh nét đẹp di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
Với tác phẩm “Kí tự”, tác giả Đặng Thị Khuê đã tiếp cận di sản qua cái nhìn bên trong, chọn sự ngưỡng mộ, thành kính làm điểm tựa khám phá. Tác giả cho rằng “trong không gian tâm linh và thế tục ấy, những giá trị của truyền thống minh triết lâu đời được bộc lộ, mọi tinh túy của lý tưởng thẩm mĩ nhiều thế kỷ được quy tụ, đã khiến ngôi đình trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết của thẩm mĩ Việt và ý chí sinh tồn Việt Nam”.

Mặt cắt chính diện đình Tây Đằng (kết cấu kiến trúc gỗ, thế kỉ 16) - Đặng Thị Khuê.

Toàn cảnh nại thất đình Tây Đằng - Đặng Thị Khuê.
Tác phẩm “ Mái đình xa lạ” của tác giả Phạm Duy là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với hàng trăm bức ảnh đen trắng, mỗi bức ảnh như tái hiện lại kí ức thẳm sâu còn lưu giữ trong ngôi đình. Với tác phẩm này, tác giả bày tỏ cái nhìn đầy quan ngại về giá trị thật sự của một ngôi đình khi mà “mỗi lần bước chân vào một ngôi đình, tôi như nhìn thấy những lớp trầm tích quý giá mà thời gian đã cho đọng lại thật gần gũi, quen thuộc, nhưng bên cạnh đó có nhiều điều xa lạ”. Sự xa lạ đằng sau những trầm tích đó đã được thể hiện một cách đầy tâm đắc.

Tác phẩm “Mái đình xa lạ.
Cũng nằm trong chuỗi công trình nghiên cứu về đô thị và biến đổi cảnh quan, “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” của tác giả Nguyễn Thế Sơn lại mang cái nhìn khác. Đó là đi tìm sự biến dạng và hiện trạng của các ngôi đình làng cổ. Trong xã hội hiện đại, đình làng - “ngôi nhà chung” không những bị lãng quên mà còn bị triệt để tận dụng, bị lấn chiếm, xâm cư, đập phá, cải tạo, hủy hoại làm biến dạng các kiến trúc đặc sắc. Hàng trăm bức ảnh đã lột tã rõ nét thực trạng đáng buồn này đối với di sản tinh thần của dân tộc.

Đình Nhân Nội, 33 Bát Đàn.

Đình - Miếu Đồng Lạc, 38 Hàng Đào.

Đình Vũ Thạch, 13 Bà Triệu.
Một tác phẩm cũng để lại ấn tượng rất sâu sắc với người xem chính là tác phẩm “Chen lấn” của Nguyễn Ngọc Lâm. Với những hình khối được sắp xếp theo ý tưởng độc đáo chồng chéo và đan khít với nhau, đình làng nằm ở giữa, dường như đang ngày càng trở nên cô độc và lạc lõng giữa bao nhiêu tòa nhà cao tầng ùn ùn mọc lên. “Sự ra đời và phát triển của mô hình nhà ống với việc quy hoạch vội vàng đã và đang làm tổn thất đi những không gian sống mang tính văn hóa truyền thống của người Việt chúng ta, trong đó có ngôi đình” - đó là những gì mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm.

Tác phẩm “Chen lấn”.
Đến với triển lãm “Đối thoại với đình làng”, mỗi người sẽ có những suy nghĩ thấm thía hơn về giá trị của đình làng, lắng nghe được những câu chuyện của đình như cổ tích ẩn sâu trong từng lớp văn hóa. Những ngôi đình đã vượt qua bao thăng trầm còn lại đến hôm nay, cần phải được bảo tồn và trân trọng. Triển lãm gửi gắm đến công chúng thông điệp ý nghĩa, như hi vọng của tác giả Vũ Đình Tuấn : “Rồi biết đâu, trong mỗi người sẽ nảy sinh một sự giác ngộ đẹp đẽ nào đó bằng ý tưởng và hành động để hướng tới việc lựa chọn giải pháp cho vấn đề di sản và văn hóa truyền thống trong thời đại mới”.
Triển lãm kéo dài từ 20/9 đến 4/10 tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, 42 Yết Kiêu.
Phạm Việt Hồng
Lớp Truyền hình K31 A1
Cùng chuyên mục
Bình luận