Làm thế nào để nâng cao “Trí tuệ cảm xúc” và lời giải đáp đến từ các chuyên gia
(Sóng trẻ)- Trí tuệ cảm xúc là một điều quan trọng. Bạn hoàn toàn có thể nhận ra những người có trí tuệ cảm xúc cao ngay cả khi bạn không biết nó là gì. Những người như vậy thường giải quyết sự căng thẳng và các chướng ngại vật tốt hơn hầu hết mọi người và phục hồi nhanh sau những thất bại lớn. Về cơ bản, họ kiên cường hơn người bình thường và họ có xu hướng xử lí tốt cảm xúc của mình.
Nói một cách đơn giản, trí tuệ cảm xúc, hay EQ, là “khả năng nhận biết, hiểu và điều chỉnh cảm xúc của bản thân, là cách chúng ta tương tác với người khác trong cuộc sống và tại nơi làm việc”, chuyên gia đời sống, chiến lược gia kinh doanh Maureen Gharrity cho biết. Cũng nhờ vậy họ có khả năng làm việc tốt với người khác, giữ bình tĩnh dưới áp lực, giải quyết hoặc tránh xung đột, có sự đồng cảm và đáng tin cậy.
Ảnh minh họa: Người có EQ cao xử lí stress và khó khăn tốt hơn hầu hết mọi người
Tại sao trí tuệ cảm xúc lại quan trọng như vậy ?
IQ và EQ, cái nào quan trọng hơn?
EQ là một trong 10 kĩ năng hàng đầu mà bạn sẽ cần để thành công trong công việc. Theo 71% nhà tuyển dụng được Career Builder khảo sát, EQ thậm chí còn quan trọng hơn IQ. Mặc dù khả năng kĩ thuật sẽ giúp bạn có được một công việc, nhưng EQ sẽ giúp bạn có được sự thăng tiến. Theo một nghiên cứu từ Harvard Business Review, trên thực tế, 90% những người có công việc cao đều có EQ cao.
Một cuộc phỏng vấn diễn ra với 5 chuyên gia về việc tăng trí thông minh cảm xúc và họ đã đưa ra bảy lời khuyên hàng đầu cho việc này.
Trị liệu
“Tìm một nhà trị liệu có thể thông cảm, có khả năng kết nối và hiểu bạn cao”- David, một bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Y học Hành vi của trường Đại học Loma Linda cho biết. Đôi khi bạn cần trải nghiệm sự đồng cảm, ấm áp và tiếp xúc với người có EQ cao để tự mình phát triển bản thân mình. Việc tiếp nhận những kĩ năng này trực diện sẽ dễ dàng hơn so với việc đọc chúng trong một cuốn sách.
Lắng nghe
Một trong những điều lớn nhất mà mọi người muốn là được lắng nghe, để có thể bày tỏ quan điểm, cảm xúc và thậm chí là sự thất vọng của mình. Việc đó không có nghĩa là bạn phải đồng ý với lời họ nói hay làm theo họ. Điều mà hầu hết mọi người đang tìm kiếm là một cơ hội để được lắng nghe. Vì vậy hãy lắng nghe. Trong một vài trường hợp, chỉ cần như vậy là đủ. Điều này không cần dùng đến trí thông minh, nhưng sự thật là nhiều người vẫn không học được cách lắng nghe tốt.
Antese Jensen- một chuyên gia đời sống chuyên dẫn dắt các hội thảo về vấn đề trí tuệ cảm xúc cho biết: “Để trở thành một người lắng nghe tốt, hãy đối diện với từng từ được nói ra với bạn. Trước khi trả lời, lặp lại những gì bạn đã nghe bằng cách nói và xác nhận đó chính là ý mà người nói muốn truyền đạt. Sau đó mới đưa ra phản ứng của mình”. Điều này sẽ giúp ta cảm nhận được sự tinh tế trong giao tiếp, đây cũng chính là điều mà người có EQ cao thường làm.
Có được sự tin tưởng
Một trong những cách tốt nhất để có được niềm tin là giữ lời. Nếu bạn nói bạn sẽ làm một cái gì đó, hãy làm nó. Và nếu vì lý do nào khiến bạn không thể thực hiện, hãy nói ra. Mọi người sẽ đánh giá cao một câu trả lời trung thực hơn là một cái cớ.
Một cách dễ dàng khác để cải thiện lòng tin là dành một chút thời gian, nỗ lực để tìm hiểu những người sống và làm việc xung quanh bạn. Tìm hiểu tên, gia đình và những gì họ mang đến khi làm việc mỗi ngày.
Thực hành tốt
“Trí tuệ cảm xúc cao bắt nguồn từ những ranh giới lành mạnh”, theo Jensen. Cách để thực hành điều này là chỉ tương tác với người khác khi bạn thực sự sẵn sàng làm điều đó. Hơn hết, chúng ta cần biết cách nói “Không” và quan trọng hơn nữa là dành cho người khác sự chú ý hoàn toàn, nó cho thấy sự tôn trọng mà ta dành cho người khác.
Chú ý hơn với những cảm xúc của riêng bạn
Những người có trí tuệ cảm xúc cao có nhận thức sắc thái chính xác, đầy đủ về cảm xúc. Điều này chỉ có thể xảy ra khi ai đó cảm nhận sâu sắc về cảm xúc của chính mình. Để thực hành trở nên thông minh hơn về mặt cảm xúc, hãy cố gắng thể hiện cảm xúc như một cảm giác vật lý hay một điều gì đó tự nhiên. Ví dụ, bạn có thể nói “Tôi cảm thấy khó chịu, tôi thở nhanh hơn bình thường” hoặc “Tôi cảm thấy vui vẻ và tràn đầy niềm vui”. Đôi khi nói ra cảm nhận của mình chính là một cách khiến bản thân cảm thấy thoải mái hơn.
Hiểu bản thân
Audrey Hope- một nhà trị liệu tại Seasons ở Malibu, một trung tâm điều trị lạm dụng dược liệu và sức khỏe tâm thần đặt ra những câu hỏi: Điều gì khiến bạn nóng lên và tức giận? Ai tác động lên bạn và tại sao? Điều gì khiến bạn mất bình tĩnh chỉ trong vài giây?
Hope cho rằng một khi ta nhận thức được những gì tự mình sắp đặt, ta có thể bắt đầu điều hướng mọi tình huống và mọi mối quan hệ. Đây được gọi là kiểm soát và làm chủ được chính mình. Có vài cách giúp ta khi mất bình tĩnh, đó là đi vào phòng tắm để lấy lại bình tĩnh; đi bộ nhanh ra nài; tìm một nơi để hít thở sâu và thu mình lại. Hiểu rõ cảm xúc của bản thân sẽ giúp ta kiểm soát mọi thứ tốt hơn.
Cảm nhận và bày tỏ sự biết ơn
Những người có trí tuệ cảm xúc cao trải nghiệm cảm giác biết ơn sâu sắc về những việc họ làm. Họ biết ơn tất cả những gì cuộc sống mang lại, từ lớn và nhỏ, tốt hay xấu. Khi trái tim tràn đầy sự biết ơn sẽ không còn chỗ cho những cảm xúc tiêu cực, và những cảm xúc tươi đẹp, tích cực bắt đầu trỗi dậy.
Ảnh minh họa: Người có EQ cao thường lạc quan hơn
Một cách để nuôi dưỡng tư duy biết ơn là viết nhật ký về ba người hoặc ba điều bạn biết ơn mỗi ngày. Học cách dành một chút thời gian để suy nghĩ về người khác và những gì đang diễn ra trong cuộc sống là một trong những cách tốt nhất để cải thiện trí tuệ cảm xúc của bạn.
Ngọc Huyền
Cùng chuyên mục
Bình luận