Livestream TikTok: Biến tướng tính năng gây ảnh hưởng đến trẻ nhỏ
(Sóng trẻ) - Từ tính năng chia sẻ, tương tác trực tiếp giữa người dùng cùng nền tảng, TikTok Live dần trở thành “con dao hai lưỡi” khi tiềm ẩn nhiều nội dung không được kiểm soát gây rủi ro đối với trẻ em
Ra mắt vào năm 2019, tính năng TikTok Live cho phép những người dùng TikTok tương tác với nhau. Hiện TikTok Live đang trở thành một công cụ có thể kiếm tiền trực tuyến, thu hút đông đảo người tham gia vì tính chất nhanh chóng, dễ dàng và có phần “nhàn” hơn các công việc bình thường khác.
Với lượng người dùng khổng lồ tạo ra hàng triệu sản phẩm mỗi ngày, nếu không có những biện pháp sàng lọc thông tin từ môi trường Internet thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiếp nhận.
Nghề “hái ra tiền” qua màn hình điện thoại
Thời gian gần đây, TikTok Live ngày càng phổ biến với nhiều trào lưu như thách đấu trực tuyến (PK), livestream hóa thân thành các nhân vật hoạt hình điều khiển bởi máy tính (NPC), livestream thực hiện thử thách theo yêu cầu… Những trào lưu này nở rộ ở Trung Quốc, khi về đến Việt Nam lại bị biến tướng thành những chiêu trò vô nghĩa, tác động xấu đến người xem.
Đây được xem như một nghề “hái ra tiền” khi chỉ cần làm các hành động theo yêu cầu của người xem thì có thể sẽ được tặng quà. Với mỗi món quà, người xem phải nạp vào một khoản tiền tương ứng theo quy định. Chính vì tính chất càng nhiều người xem, càng nhiều người tặng quà thì càng được nhiều tiền nên đã xuất hiện những đối tượng livestream bất chấp, thậm chí chấp nhận thực hiện những thử thách nguy hiểm cho chính mình.
Mối nguy hại khôn lường
Chia sẻ với phóng viên, chị Quỳnh Mai (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước đây vì để con gái 6 tuổi tập trung ăn chị thường cho con mượn điện thoại xem TikTok. “Đến giờ ăn mình đều phải mở TikTok cho con xem nếu không thì con lại bỏ cơm, không chịu ăn. Mình cũng thử vài lần không cho con xem nhưng nhìn con nhịn đói lại không kìm được nên đành chiều theo ý con”, chị Mai bày tỏ.
Chị Thu Thủy (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có con trai 9 tuổi chia sẻ: “Mình cũng không quá khắt khe trong việc cho con sử dụng thiết bị công nghệ vì bây giờ thời đại 4.0 mà. Nhưng gần đây mình nhận thấy con có những hành động bất thường, đôi khi còn nói chuyện với bố mẹ bằng ngôn ngữ nào đó mình không hiểu nổi khiến mình bắt đầu lo lắng”.
Trái ngược với phản ứng lo lắng của phụ huynh, bé Gia Minh - con trai chị Thủy - lại rất hào hứng: “Con thấy các bạn ở lớp làm nhiều hành động buồn cười nên con cũng về xem theo các bạn”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Sóng Trẻ, nhiều phụ huynh cũng hạn chế cho con sử dụng điện thoại, thậm chí xóa TikTok nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp tốt nhất vì không thể lúc nào cũng theo sát con.
Với cách tạo tài khoản đơn giản, không yêu cầu xác minh độ tuổi, TikTok đang ngày càng rút ngắn độ tuổi người dùng.
Dù TikTok giới hạn độ tuổi người dùng là 13 tuổi nhưng lại không có bất cứ biện pháp ngăn chặn trẻ dưới 13 tuổi xem video trên nền tảng này. Mặc dù có đội ngũ nhân viên kết hợp với phần mềm kiểm duyệt nhưng những nội dung phản cảm, độc hại vẫn tràn lan, gây rủi ro đối với người xem, đặc biệt là trẻ em. Đó không chỉ là những rủi ro về sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ, tư duy, tâm sinh lý trẻ khi chứng kiến một số cách “kiếm tiền độc hại” của người lớn.
Theo TS Mạch Lê Thu, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những thông tin xấu độc trên TikTok đang hấp dẫn giới trẻ, tuy nhiên không khuyến khích người trẻ đào sâu suy nghĩ dẫn đến ảnh hưởng đến năng lực sáng tạo, tư duy. Tính thiếu chính xác, phi khoa học của các video đăng tải cũng là một vấn đề nhức nhối. Nhiều video "gắn nhãn" hướng dẫn, khuyên bảo, định hướng nhưng thực chất không phải là lời của chuyên gia hay nhà khoa học; nếu không biết chọn lọc, cứ nhắm mắt làm theo, người dùng sẽ có nguy cơ rước họa vào thân.
Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ
Mới đây TikTok đã cập nhật vào tiêu chuẩn cộng đồng mục “An toàn và sức khỏe cho trẻ vị thành niên” để cam kết bảo vệ trẻ em trước nội dung độc hại, không phù hợp với lứa tuổi.
Tuy nhiên, việc các livestream kiếm tiền vô nghĩa bất chấp vẫn xuất hiện tràn lan và không có dấu hiệu bị giới hạn cho trẻ vị thành niên đang dấy lên những hoài nghi về cam kết của TikTok.
Tại Việt Nam, từ ngày 22/5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok. Đồng thời, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; khai thác, vận hành hiệu quả mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; giám sát việc chấp hành Luật Trẻ em, các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội của TikTok tại Việt Nam.