Rác… trên cao
(Sóng Trẻ) - Cầu đi bộ trên cao đã góp một phần không nhỏ trong việc tạo không gian tham gia giao thông an toàn, nhanh chóng cho người dân, tuy nhiên, vấn đề giữ gìn vệ sinh cho cầu đi bộ lại chưa được quan tâm.
Để tránh gây ra các nguy hiểm cho người đi bộ, tại các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, những chiếc cầu đi bộ đã được xây dựng và lắp đặt. Không chỉ giúp tránh các tai nạn rủi ro gây đến cho người đi bộ, những chiếc cầu đi bộ này còn góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Mặc dù cầu đi bộ đã phát huy những lợi ích không nhỏ, tuy nhiện hiện trạng của một số cầu đi bộ hiện nay lại trông khá… nhếch nhác với sự xuất hiện “không mời mà đến” của đủ thứ rác thải, từ đồ ăn, đồ uống, đến tờ rơi,… Không chỉ ảnh hưởng đến góc độ mỹ quan, rác thải trên cầu đi bộ còn có khả năng rơi xuống lòng đường gây cản trở cho viêc điều khiển phương tiện giao thông của người đi đường.
Đủ loại rác thải trên cầu đi bộ khu vực ngã tư Hồ Tùng Mậu – Phạm Văn Đồng phản ánh một hình ảnh không đẹp về ý thức của người dân sử dụng cầu đi bộ
Rác thải trên cầu đi bộ khá nhiều, lại ùn ứ lâu ngày không được dọn dẹp nên gây ra cảnh quan xấu. Không chỉ ở các bậc thang, rác còn “chui” ra phía nài lan can, nơi rất khó để rác có thể tự “yên vị” nếu không phải là người dùng cố tình để chúng ở đó.
Rác nằm ở một vị trí hiểm cho thấy người dùng đã cố tình vứt chúng ở đây. Vấn đề ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường lại một lần nữa đặt ra câu hỏi đã thực sự tốt hay chưa.
Người đi bộ vẫn thản nhiên đi qua, coi như vấn để rác thải hay ô nhiễm không phải là vấn đề của mình. Đặc biệt, chỉ có phía trên cầu mới có sự xuất hiện của các loại rác, còn phía dưới và xung quanh chân cầu đều sạch sẽ, các hoạt động sinh hoạt buôn bán diễn ra bình thường.
Phía dưới chân cầu, các hàng quán, của hiệu và người dân sinh hoạt bình thường mà có thể biết nhưng không quan tâm, hoặc không hay biết có một khối rác thải đang nằm lửng lơ phía trên đầu của mình.
Trước vấn đề này, bạn Diệu Hương (Đại học QGHN) – một bạn trẻ sử dụng cầu đi bộ hằng ngày cho biết: “Biết nó bẩn nhưng hằng ngày đi qua tớ đều rất vội, không có thời gian để ý. Tớ nghĩ do mọi người tiện tay thì vứt luôn thôi. Chắc không có rác thế này thì cầu sẽ đẹp hơn và mọi người đi lại cũng thoải mái hơn.”
Thực trạng rác bẩn ngập tràn cầu đi bộ này xuất phát từ một bộ phận người dân, cụ thể là người đi bộ kém ý thức. Ăn uống xong họ tiện thể vứt luôn ra đường, kể cả là trên cầu đi bộ. Trong khi rác vứt dưới đường sẽ có nhân viên vệ sinh thu dọn hằng ngày, còn rác vứt trên cầu thì không, từ đó dẫn đến việc càng ngày cầu đi bộ càng nhiều rác. Người tham gia giao thông dưới lòng đường cũng không thể biết được thực trạng này trừ khi rác trên cao rơi xuống trúng người họ.
Việc rác thải tồn đọng trên cầu đi bộ cũng cho thấy vấn đề vệ sinh trên cầu chưa được quan tâm chú ý. So với hầm đi bộ, có thể do lượng kinh phí đầu tư ít hơn nên dẫn đến sự khác biệt khá lớn.
Hình ảnh đối lập giữa cầu đi bộ ngập rác và hầm đi bộ sạch sẽ, có nhân viên trông coi và dọn dẹp hằng ngày.
Có thể các nhà quản lý cần đưa ra thêm nội quy dành riêng cho những người sử dụng cầu đi bộ và giao trách nhiệm quản lý cầu đi bộ cho một đơn vị nào đó để kết thúc tình trạng rác trên cao như hiện nay.
Hoài Thu
ĐPT K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận