Mạng xã hội: Chiếc gương “ảo” làm méo mó cuộc sống “thực”

(Sóng trẻ) - Mỗi ngày, chúng ta dành hàng giờ để lướt news feed, like, comment, và chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ. Tuy nhiên, đằng sau những bức ảnh lung linh, những câu nói đầy triết lý, liệu chúng ta có đang thực sự sống một cuộc sống thật?

1-anh-minh-hoa.png
(Ảnh minh hoạ)

Mạng xã hội giống như một chiếc gương cong, phản chiếu một hình ảnh méo mó về bản thân. Chúng ta chỉ chọn lọc những khoảnh khắc đẹp nhất, những thành công lớn nhất để chia sẻ, trong khi những khó khăn, thất bại thường bị giấu kín. Điều này tạo ra một áp lực vô hình, khiến chúng ta luôn cảm thấy mình phải hoàn hảo, phải sống cuộc sống như trong một bộ phim. Sự so sánh với những người khác trên mạng xã hội càng khiến chúng ta cảm thấy tự ti và bất an. 

Khi sự hoàn hảo trở thành ác mộng

Mạng xã hội, với lớp áo hào nhoáng của những bức ảnh được chỉnh sửa đẹp không tì vết và những câu chuyện được tô điểm, đã trở thành một chiếc gương méo mó, phản chiếu một hình ảnh không thực về cuộc sống. Ở đó, chúng ta chứng kiến cuộc đua không ngừng nghỉ để đạt được những tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế, những cuộc sống giàu sang được dàn dựng công phu và những thành công được phóng đại. 

Nói đùa với nhau, mọi người hay truyền tai rằng “Gia đình chuẩn mực" trên mạng xã hội là một gia đình sẽ có một hoa hậu, một rapper. Như một trích đoạn trên Chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2023 cũng đã nhắc đến “Mục tiêu 2030 tầm nhìn 2050, mỗi gia đình có từ 1 đến 2 hoa hậu…”. Sự so sánh và áp lực tạo ra một hình mẫu gia đình hoàn hảo trên mạng xã hội đã trở nên quá lớn. Mọi người cố gắng phô trương những khoảnh khắc hạnh phúc nhất, những thành công rực rỡ nhất, khiến cho cuộc sống thực của họ trở nên mờ nhạt. Điều này không chỉ gây áp lực cho chính bản thân họ mà còn tạo ra một tiêu chuẩn không thực tế cho những người xung quanh, khiến nhiều người cảm thấy tự ti và cô đơn.

Đa số những người dùng không ngừng tìm kiếm sự công nhận và yêu thích trên mạng xã hội. Số lượng like, share, comment trở thành thước đo giá trị bản thân, khiến họ cảm thấy hạnh phúc khi được nhiều người chú ý. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấy là một áp lực vô hình, thúc đẩy họ phải luôn tỏ ra hoàn hảo, phải luôn thể hiện một hình ảnh tốt đẹp nhất của mình; thậm chí có nhiều người còn muốn che giấu đi cuộc sống đời thực của mình.

“Thực ra, việc duy trì một hình ảnh đẹp trên mạng đôi khi cũng mang lại nhiều áp lực. Mình cảm thấy phải cố gắng hết sức để giữ cho ảnh của mình thật hoàn hảo, đôi khi còn chỉnh sửa một chút để mọi thứ trông lung linh. Nhưng thực tế thì, mình không phải lúc nào cũng vui vẻ hay tự tin như những bức ảnh ấy.” - bạn Vũ Thiên Kim chia sẻ 

2-hinh-anh-co-nang-vu-thien-kim-tren-mang-xa-hoi-luon-duoc-chau-chuot-anh_-nvcc.png
Hình ảnh cô nàng Vũ Thiên Kim trên mạng xã hội luôn được chau chuốt. (Ảnh: NVCC)

Mạng xã hội như một chiếc mặt nạ, đằng sau đó là những nỗi lo, những áp lực mà không phải ai cũng dám chia sẻ. Đúng vậy, đằng sau những bức ảnh cười tươi rạng rỡ là những câu chuyện về sự cô đơn, những nỗi buồn không được chia sẻ. Cuộc sống thực, với những khó khăn và thách thức, dần bị lu mờ bởi thế giới ảo đầy màu sắc.

Từ những bức ảnh selfie được chỉnh sửa kỹ lưỡng đến những cuộc sống hào nhoáng được dàn dựng, mạng xã hội đã trở thành một chiếc gương méo mó, phản chiếu một hình ảnh không thực về cuộc sống. Việc chạy theo những xu hướng, những trào lưu trên mạng xã hội khiến chúng ta đánh mất đi bản sắc riêng và trở nên đồng hóa. Như một nhà xã hội học đã nhận định: “Mạng xã hội đang tạo ra một thế hệ trẻ với những chuẩn mực về vẻ đẹp, thành công hoàn toàn khác, nơi mà ngoại hình và vật chất được đặt lên hàng đầu.

Niềm vui ngắn hạn, hậu quả lâu dài

“Sống ảo” trên mạng xã hội không hề xấu nếu như chúng ta biết tiết chế, và sử dụng đúng cách. Mạng xã hội sẽ giúp chúng ta lưu trữ và chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ, đẹp đẽ của mỗi người nhưng cũng chính môi trường ảo này lại đẩy người dùng vào những hậu quả khôn lường như sự cô đơn, trầm cảm, tự ti, thậm chí là những hành vi tiêu cực khác. Khi quá đắm chìm vào thế giới ảo, chúng ta dễ dàng so sánh bản thân với những hình ảnh hoàn hảo được dàn dựng, từ đó nảy sinh cảm giác tự ti, thiếu tự tin. Đồng thời, việc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội cũng khiến chúng ta xa rời cuộc sống thực, hạn chế các mối quan hệ xã hội và làm giảm đi chất lượng cuộc sống. Nguy hiểm hơn, việc tiếp xúc quá nhiều với thông tin tiêu cực, tin giả trên mạng xã hội có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến tâm lý, thậm chí dẫn đến các hành vi cực đoan.

“Thật sự, mỗi khi thấy ai đó đăng ảnh về mức lương cao, những chuyến du lịch xa hoa hay cuộc sống đầy đủ, mình không tránh khỏi cảm giác tự ti. Lúc đó, những khó khăn của mình như bị phóng đại lên, khiến mình thấy bản thân kém cỏi, thậm chí có lúc còn muốn bỏ cuộc. Cảm giác như thế giới xung quanh đều đang tiến xa trong khi mình mãi đứng lại một chỗ.” - Anh Khánh (21 tuổi) chia sẻ.

Không chỉ vậy, trên mạng xã hội còn vô số những vấn đề tiêu cực, hành vi lệch lạc như công kích nhau bằng những ngôn từ, hình ảnh thiếu văn minh; hay thậm chí một số người còn “sống ảo” đến mức phải giả mạo người khác để thoả mãn nhu cầu sang chảnh của mình. Đằng sau những bức ảnh lung linh, những câu nói đầy triết lý, lại là một khuôn mặt khác, con người khác.

Dương Hiền - cô gái từng bị người khác mạo danh trên Facebook kể: “Mình thực sự bị sốc và lo lắng. Việc ai đó sử dụng hình ảnh và danh tính của mình để chia sẻ thông tin sai lệch hay thậm chí là lừa đảo làm mình rất bất an. Mình lo sợ người khác hiểu lầm về mình hoặc ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân cũng như công việc.” 

3-duong-hien-bi-mao-danh-va-lay-ten-la-nhat-ha-anh_-nvcc.jpg
Dương Hiền bị mạo danh và lấy tên là Nhật Hạ. (Ảnh: NVCC)

Việc so sánh bản thân với người khác, việc chạy theo những chuẩn mực đẹp hoàn hảo do mạng xã hội tạo ra đã khiến nhiều người đánh mất đi chính mình. Nguy hiểm hơn, mạng xã hội còn trở thành nơi trú ẩn của những kẻ xấu, những kẻ lợi dụng để lừa đảo, xâm phạm quyền riêng tư, gây chia rẽ cộng đồng. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động tiêu cực của mạng xã hội. 

Hãy là một người dùng thông thái

Cô Thuỳ Hương - GV Tâm lý học Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Mạng xã hội dễ dàng tạo ra ảo giác về cuộc sống hoàn hảo, điều này có thể gây ra những áp lực vô hình và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người dùng, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Khi chúng ta dám thể hiện những khía cạnh thật nhất của bản thân, dù chưa hoàn hảo, đó mới là cách giúp chúng ta sống lành mạnh và cân bằng hơn trong thời đại số.” 

Là một người dùng thông thái, nhận thức rằng mạng xã hội chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống thực. Đừng để những "mẫu số chung" trên mạng làm lu mờ giá trị riêng biệt của bản thân. Hãy chọn cách sử dụng mạng xã hội như một công cụ tích cực, không chỉ để thể hiện mà còn để kết nối và học hỏi. Chúng ta có thể chia sẻ những thành tựu nhưng đừng ngại bày tỏ những khía cạnh chưa hoàn hảo - bởi đó cũng là một phần của con người chúng ta.

Đằng sau mỗi bức ảnh, mỗi dòng trạng thái, là một câu chuyện đầy đủ những hỷ nộ ái ố mà có thể chúng ta không bao giờ thấy. Sống thật với chính mình và không để những ảo ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội định hình bản thân. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN