Miss Báo chí: Tài năng nữ sinh tỏa sáng
(Sóng trẻ) – 14h ngày 9/3, tại Studio Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra phần thi Miss Báo chí, thuộc chuỗi hoạt động tiền chung kết Press Beauty 2014.
Miss Báo chí là một hoạt động ý nghĩa được tổ chức thường niên nhằm mục đích giúp các thí sinh trong top 10 có cơ hội thể hiện khả năng nghiệp vụ báo chí thông qua sản phẩm báo chí của mỗi cá nhân trên 3 loại hình: Truyền hình, Phát thanh và Báo in.
Mỗi thí sinh sẽ được bốc thăm để lựa chọn loại hình báo chí và đề tài cho sản phẩm của mình. Trước khi đến với phần thi chính thức, các thí sinh được tham gia buổi tập huấn về nghiệp vụ báo chí với sự hướng dẫn của các sinh viên khoa trước có kiến thức và kinh nghiệm thực tế.
Mỗi thí sinh sẽ bốc thăm lựa chọn các đề tài BTC cho trước để thể hiện tài năng, ý tưởng sáng tạo, phong cách riêng của mình qua mỗi tác phẩm.
Ban giám khảo phần thi Miss Báo chí bao gồm: thầy Hà Huy Phượng - Phó trưởng khoa Báo chí, cô Nguyễn Nga Huyền và cô Ngô Bích Ngọc - giảng viên khoa Phát thanh – Truyền hình.
Đỗ Lan Hương lớp Quản lí xã hội K31 thể hiện đề tài Công nghệ thông tin dưới hình thức báo in. Bạn đưa ra ý tưởng về sản phẩm tạp chí "YTech!", chuyên cập nhật thông tin, đánh giá của các chuyên gia, giới thiệu những siêu phẩm công nghệ và nhấn mạnh sức hút của công nghệ thông tin với giới trẻ hiện nay.
Đỗ Lan Hương trình bày ý tưởng về hình thức bìa tạp chí.
Thầy Hà Huy Phượng đặt ra câu hỏi về nguồn đầu tư, nguồn thu chính cho tạp chí. Theo thầy ý tưởng do Hương đặt ra khá mạnh dạn và hấp dẫn nhưng khó đảm bảo tính khả thi. Cô Nga Huyền đánh giá cao sự chuẩn bị kĩ lưỡng của một sinh viên học trái nghề khi xây dựng ý tưởng cho một tạp chí chuyên ngành.
Đoàn Thị Linh lớp Triết học K31 lựa chọn loại hình Phát thanh về đề tài Ẩm thực đường phố. Rất nhiều món ăn đặc trưng của đường phố Hà Nội như bánh mì, chân gà nướng, kem Bờ Hồ… được thể hiện sinh động trong ý tưởng “Ẩm thực 36 phố phường”.
BGK lưu ý thí sinh Đoàn Thị Linh cần đưa những yếu tố âm thanh vào chương trình, để làm nổi bật loại hình bạn thể hiện: báo phát thanh. Ý tưởng của bạn có nhiều hứa hẹn sẽ thu hút được sự quan tâm của công chúng.
Thí sinh Nguyễn Thị Phương Thu lớp Chính trị phát triển K32 thể hiện phần thi của mình với chủ đề Hoạt động tình nguyện qua chương trình Phát thanh “Lửa tình nguyện”. Chương trình cập nhật những thông tin về các chương trình tình nguyện như hiến máu nhân đạo, vệ sinh môi trường… đã và sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.
Cô Nga Huyền khen ngợi Phương Thu có ý tưởng tốt. Cũng giống như các thí sinh trái ngành khác, cô góp ý về vấn đề chuyên môn như thời lượng chương trình còn quá dài và lưu ý về việc lựa chọn các nhân vật phỏng vấn trong phát thanh.
Phạm Thị Hà – lớp Truyền hình K32.A1 gây ấn tượng với tác phẩm báo in "Hành trình khám phá" về đề tài Du lịch. Tạp chí có thể coi như một cầm nang, diễn đàn để những du khách có thể tìm hiểu và chia sẻ những thông tin về địa điểm du lịch trong và nài nước. Tạp chí chú trọng hướng tới quảng bá du lịch trong nước, nhanh chóng cập nhật thông tin mới về địa điểm, lễ hội; các vấn đề về lịch trình, visa, thuế quan…
Thầy Hà Huy Phượng đánh giá cao ý tưởng táo bạo và sự đầu tư lớn về công sức, thời gian của Hà. Đây là đề tài có tính cạnh tranh cao trong báo in. Thầy cũng đưa ra các tình huống về nguồn doanh thu, gợi ý phiên bản điện tử cho tạp chí. Cô Nga Huyền ấn tượng thí sinh Phạm Thị Hà đã nỗ lực trong công việc, tác phẩm có tính thực tế. Tuy nhiên cô đặc biệt lưu ý về chi phí phát hành, vấn đề bản quyền và chú thích ảnh.
Thí sinh Lê Bích Diệp – Xã hội học K31 mang đến một tác phẩm truyền hình về đề tài Làm đẹp đối với giới trẻ có tên “Tư vấn làm đẹp – Tự tin tỏa sáng”. Chương trình nhằm thỏa mãn nhu cầu làm đẹp của giới trẻ hiện nay qua những chia sẻ, tư vấn của các chuyên gia về làm tóc, trang điểm và trang phục.
Thí sinh Lê Bích Diệp bên cạnh phần trình chiếu tác phẩm.
Cô Ngọc đánh giá: “Điểm cộng trong bài thi là sự đầu tư kĩ lưỡng, tuy mức độ hoàn thiện chưa cao nhưng ý tưởng của bạn có thể ứng dụng trong thực tế”. Yếu tố hấp dẫn cần được đề cao hơn nữa trong tác phẩm.
Các thầy cô trong BGK đưa ra những lời nhận xét thẳng thắn nhưng cũng đầy khuyến khích.
Tống Hoàng Hà My lớp Xã hội học K31 dự thi với chủ đề nóng hổi về An toàn giao thông qua hình thức truyền hình. Lấy bối cảnh giao thông trên đường phố Hà Nội, Hà My đã mang đến kịch bản chi tiết cho một phóng sự ngắn về công việc của những nữ cảnh sát giao thông trong ngày 8/3.
Cô Nga Huyền có lời khen về ý tưởng từ một sinh viên trái ngành và góp ý một số cảnh quay, phân cảnh, thời lượng của phóng sự.
Thí sinh Nguyễn Thanh Tú chuyên ngành Quản lí kinh tế K33.A1 thể hiện phần thi của mình về chủ đề Văn hóa học đường trên loại hình báo in. Tạp chí “Gạch nối” của Thanh Tú tạo nên sự gắn kết giữa giảng viên với sinh viên trong giảng đường cao đẳng, đại học.
Tuy ý tưởng chính của thí sinh muốn mở rộng công chúng, nhưng cô Ngọc lưu ý xu hướng báo chí hiện nay là thu hẹp đối tượng độc giả để tăng hiệu quả của sản phẩm. Tuy ý tưởng của Thanh Tú không mới nhưng thầy Phượng vẫn đánh giá cao nỗ lực của một sinh viên năm nhất không theo chuyên ngành báo chí.
Với chương trình phát thanh “Tôi trẻ”, bạn Nguyễn Mỹ Linh – Văn hóa học K32 mang đến cuộc thi những ý tưởng mới về vấn đề Việc làm thêm của sinh viên cho chương trình phát thanh. Tác phẩm hướng tới tư vấn và chia sẻ những thông tin việc làm cho sinh viên dưới góc nhìn chuyên gia và những chia sẻ, kinh nghiệm của người trong cuộc.
“Đây là một chủ đề được sinh viên quan tâm nhưng mức độ tư vấn, chia sẻ về cơ hội việc làm cho sinh viên chưa nhiều, kịch bản chưa được cụ thể” - thầy Phượng nhận xét. Cô Huyền gợi ý Mỹ Linh xem lại thời lượng chương trình và chuyên sâu hơn vào việc tư vấn từng ngành nghề cụ thể. BGK đánh giá cao tính thời sự, thiết thực cũng như cố gắng của thí sinh.
Thí sinh Nguyễn Mai Anh từ chuyên ngành mới Báo chí Đa phương tiện thực hiện phóng sự về đề tài Các loại hình nghệ thuật dân gian mang tên “Lò rèn Đa Sĩ”.
BGK khen ngợi tác phẩm có hình thức rất tốt, kĩ thuật quay dựng khá chuyên nghiệp nhưng nên mở rộng cảnh quay để có cái nhìn toàn cảnh về làng nghề, cần nâng cao logic giữa các cảnh quay, chú ý lời bình trong tác phẩm.
Tác phẩm của thí sinh chuyên ngành Báo in Trịnh Mỹ Linh về vấn đề Giáo dục đã khép lại cuộc thi Miss Báo chí. Tạp chí “S cool” hướng tới việc thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ nhà trường - phụ huynh - học sinh. Đây là một diễn đàn trên báo giấy cung cấp thông tin giáo dục trong và nài nước trong vòng 1 tháng.
Điểm mạnh của bạn là ý tưởng táo bạo và thuyết trình tự tin nhưng phần trình bày, bố cục tạp chí và đối tượng độc giả còn nhiều điểm cần xem xét. Tính tương tác trong tác phẩm còn nhiều mâu thuẫn với thực tiễn. Tác phẩm có sự đầu tư, tâm huyết, tìm hiểu kĩ lưỡng nhưng tên tạp chí chưa thật sự độc đáo.
BGK chụp ảnh kỉ niệm cùng các thí sinh.
Mười tác phẩm báo chí là sự đầu tư công sức và tâm huyết của 10 thí sinh tham dự chương trình. Chúng ta chờ đợi những đánh giá khách quan cuối cùng của BGK để tìm ra được thí sinh xuất sắc nhất vinh dự nhận giải thưởng Miss Báo chí. Kết quả phần thi sẽ được công bố vào đêm chung kết Press Beauty 2014.
Bài: Huệ Nguyễn
Ảnh: Hạnh Dung
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận