Môi trường giáo dục mới giúp trẻ thành công
(Sóng trẻ) - Ngày nay, hệ thống giáo dục phổ thông không thể đảm bảo cho học sinh có một công việc tốt trong tương lai.
Công nghệ và kĩ thuật đang thay đổi từng ngày từng giờ. Vì vậy, các mô hình kinh doanh trên mọi lĩnh vực cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo chậm cải cách và kém cập nhật lại không theo kịp xu hướng. Nghiên cứu cho thấy 2/3 số học sinh ngày nay không có các kĩ năng phù hợp với công việc sau này.
Những điều sau đây sẽ là hướng đi mới trong tương lai giúp con cái của bạn dễ thành công hơn trong cuộc sống.
1. Tập trung vào những năm đầu đời
Giáo dục mới tập trung vào những năm đầu đời của trẻ, đặc biệt là các kỹ năng ngôn ngữ và đọc. Sự quan tâm thích đáng của gia đình đến các em ngay từ thơ ấu chính là nền tảng phát triển quốc gia sau này.
2. Duy trì sự năng động
Chương trình đào tạo cần phải bám sát các nhu cầu của xã hội. Tại Phần Lan, một trong những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, luôn cho phép các trường được địa phương hóa nội dung giảng dạy để phù hợp với từng vùng.
3. Giáo dục nguồn mở
Các báo cáo phản biện chấp nhận sáng tạo trong đào tạo ngày càng mở ra những phương thức học tập khác và cho phép trải nghiệm những công nghệ mới. Ví dụ, Sở giáo dục New York đã tạo ra trường học “thí nghiệm” nhằm sáng tạo về dạy và học. Tại Ghana, Mỹ và Pháp, trường học đang tiên phong trong việc dạy những khóa ngắn về lập trình dựa trên dạy một – một, học theo dự án (project based learning) hoặc học mô phỏng game (gamification).
4. Tư nhân hóa đào tạo
Đưa giáo dục và kinh doanh lại gần nhau hơn; nói cách khác, tư nhân hóa việc đào tạo giảng viên sẽ giúp tăng chất lượng giáo viên, qua đó gián tiếp tăng chất lượng đào tạo sinh viên, học sinh.
5. Giúp sinh viên cảm nhận được thực tế công việc
Tương tự như vậy, sinh viên cần được trải nghiệm về môi trường công việc sớm. Ví dụ thông qua các chương trình thực tập hoặc tham gia định hướng nghề nghiệp nhằm giúp sinh viên cái nhìn đa chiều về cơ hội nghề nghiệp và các kỹ năng cần thiết.
6. Nâng cao vai trò dạy nghề
Dạy nghề và đào tạo kỹ thuật là điểm mấu chốt của nền kinh tế toàn cầu nhưng lại bị sao nhãng và coi thường như hạng hai. Diễn đàn kinh tế thế giới đề xuất tăng cường hướng nghiệp dạy nghề và kỹ thuật một cách chủ động, nâng cao chất lượng dạy nghề.
Ví dụ, hệ thống đào tạo nghề của Cộng hòa Liên bang Đức định hướng người học chia thời gian giữa học trên lớp và học tập tại doanh nghiệp. Người học được trả tiền và quá trình học có thể kéo dài thêm 2-3 năm. Không những mô hình này hữu dụng mà còn tạo một nguồn tài năng trong công việc, dịch chuyển từ giáo dục sang nghề nghiệp.
7. Sức mạnh của công nghệ thông tin
Kỹ năng số sẽ là thiết yếu cho rất nhiều nghề nghiệp nhưng ảnh hưởng số vẫn chưa hiện thực. Báo cáo chỉ ra sự cần thiết của việc tập trung cao vào công nghệ thông tin trong việc đào tạo giáo viên và hướng nghiệp sinh viên vào những kỹ năng số. Một ví dụ tại Ấn độ, Hiệp hội các công ty phần mềm và dịch vụ quốc gia đã liên kết với các tổ chức phi chính phủ và Chính phủ Ấn Đô thành lập Trung tâm phổ cập công nghệ thông tin trên khắp quốc gia để phổ cập kỹ năng số.
8. Học, học và học
Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường việc làm, người lao động hiện nay không còn chỉ dựa vào một kỹ năng và năng lực chuyên môn hẹp trong thời gian dài của sự nghiệp. Báo cáo chỉ ra rằng, nhân sự có cam kết về học tập suốt đời sẽ tiếp tục phát triển tiếp các kỹ năng hoặc tự đào tạo lại để nắm những nhiệm vụ mới. Ví dụ tại Singapore, cá nhân có thể nhận trợ cấp đào tạo hàng năm để tham gia các khóa học hướng tới phát triển các kỹ năng cần thiết trong tương lai.
Thúy Nga (Theo Weforum)
Cùng chuyên mục
Bình luận