Muôn vàn cách báo hiếu cha mẹ của người trẻ dịp lễ Vu Lan
(Sóng trẻ) - Không chỉ là ngày lễ lớn của những người con Phật, Vu Lan còn là dịp được nhiều bạn trẻ đặc biệt quan tâm với mong muốn bày tỏ lòng hiếu kính sâu sắc tới đấng sinh thành.
Hiểu về lễ Vu Lan
Là 1 người con hướng Phật, Phan Như (22 tuổi) hiểu sâu sắc về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Vu Lan. Phan Như chia sẻ: “Xét về góc nhìn Phật Pháp, tháng 7 - Vu Lan về là dịp để mọi người được nhìn lại, quay về, và trân trọng cha mẹ nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội để người dương làm việc thiện, người âm được nương nhờ vào những công đức ấy mà sớm siêu thoát. Còn đối với mình, không riêng gì mùa Vu Lan mà lúc nào mình cũng cần hiếu thảo với cha mẹ”.
Với Thu Huyền (20 tuổi), lễ Vu Lan cũng mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn; là dịp để mọi người được bày tỏ lòng thành kính, hiếu thảo đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ.
“Mỗi năm cứ tới gần lễ Vu Lan, mình lại rất háo hức và mong chờ, mong chờ đến ngày được về nhà, mong chờ được ăn bữa cơm đoàn viên cùng gia đình, lại được cùng mọi người lên chùa cầu bình an, được nghe những lời răn dạy, dặn dò của người lớn; và bày tỏ tình yêu thương của mình với ông bà, bố mẹ. Những việc đó dù không phải chỉ đến Vu Lan mới diễn ra, nhưng dịp Vu Lan khiến nó trở nên ý nghĩa hơn nhiều trong lòng mình”.
Sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống theo đạo Phật, Hà Trang (19 tuổi) đã quen với việc đi lễ chùa cùng bà và mẹ hàng năm. Trang tâm sự: “Mình cảm thấy may mắn khi được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa ở chùa như: quy y tam bảo, thả đèn hoa đăng, ăn chay, phóng sinh, nghe Phật Pháp về đạo hiếu. Năm nào gia đình mình cũng cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ và ngồi quây quần bên nhau. Vu lan không chỉ là dịp nhắc nhở mình thêm trân quý, biết ơn những người đi trước mà còn là lúc mình có thể bỏ lại những áp lực, mệt mỏi của công việc, cuộc sống phía sau lưng và tận hưởng phút giây hạnh phúc bên gia đình”.
Vu Lan năm nay, Trang dự định rủ thêm nhóm bạn thân cùng đến chùa. “Mình nghĩ việc rủ bạn bè đi chùa cũng là một cách hay để mình có thể lan tỏa được thông điệp, ý nghĩa về ngày lễ Vu Lan tới nhiều người hơn. Đặc biệt, mình sẽ chuẩn bị món quà nho nhỏ cho ông bà, cha mẹ. Với mình, quan trọng nhất vẫn là dành thời gian cho ông bà, cha mẹ”, Trang cho hay.
Hiếu nghĩa từ tâm
Hàng năm, khi còn là sinh viên, Phan Như thường tham dự những đại lễ tại chùa với vai trò là khách. Còn với năm nay, cô gái cử nhân Học viện Ngân hàng lại chọn cách tham gia với vai trò là người phụng sự. “Mùa Vu Lan này, mình đã quyết định nghỉ làm, dành hầu hết thời gian để đi các chùa phụng sự. Thời gian còn lại mình tranh thủ về quê với bố mẹ. Đối với mình, việc mình giúp bố mẹ công việc ở nhà là điều đương nhiên. Còn việc mình đi phụng sự ở chùa cũng là một cách mình giúp bố mẹ và những người thân xung quanh. Mình luôn có suy nghĩ hồi hướng công đức cho những oan gia trái chủ nhiều đời, nhiều kiếp, cửu huyền thất tổ và cho bố mẹ, người thân”.
Nói về chữ "Hiếu", Diệu An (20 tuổi) luôn tâm niệm việc báo hiếu phải được vun vén và thể hiện hàng ngày, chứ không dành riêng cho bất cứ dịp lễ nào. Khi hiểu được giá trị thật sự của việc báo hiếu, tự nhiên việc làm này sẽ trở nên giản dị nhưng giá trị vô cùng.
“Mình vẫn nhớ có câu nói “Khi sống thì chẳng cho ăn, đợi đến khi chết làm văn tế ruồi". Thay vì phải chờ đến Lễ Vu Lan hiếu hạnh hay các dịp lễ Tết để bộc lộ sự quan tâm của mình tới gia đình, người thân, ông bà tổ tiên, thì hãy biến nó trở thành hành động được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Tấm lòng thành kính của bậc làm con sẽ trở thành niềm vui để những người làm cha, làm mẹ sống vui, sống khỏe hơn mỗi ngày”, An chia sẻ thêm.
Vì bận rộn với việc học tập, lại sống xa nhà, năm nay, Thu Huyền không thể đón lễ cùng gia đình. Dù vậy, cô vẫn tự nhủ sẽ cố gắng thực hiện đúng truyền thống của nhà mình, để có một ngày lễ trọn vẹn nhất. “Sáng nay mình đã gọi điện về cho ông bà, bố mẹ để chúc ông bà, bố mẹ mạnh khỏe, hạnh phúc và an yên. Dù hơi bận nhưng mình sẽ thử tự nấu một mâm cơm chay đơn giản và dành một chút thời gian để đi chùa cầu bình an cho cả gia đình. Cũng có tiếc nuối vì không thể gặp mọi người trong ngày này, nhưng mình cũng sẽ cố gắng sắp xếp công việc để về nhà với ông bà, bố mẹ vào một ngày sớm nhất có thể”.
Đức Anh (24 tuổi) chia sẻ: “Với mình, điều mà mình có thể bày tỏ đó chính là phát tâm hiếu đạo. Từ đó sẽ có những hành động làm bố mẹ vui. Mình thường cẩn trọng trong lời nói và quan sát cảm xúc của bố mẹ. Mình nghĩ, bản thân mình chính là món quà lớn của bố mẹ. Chỉ cần mình sống tốt, tích cực, luôn nỗ lực, không để bố mẹ phải lo lắng cũng là báo hiếu rồi. Có rất nhiều cách để bày tỏ với bố mẹ nhưng quan trọng nhất vẫn là sự yêu thương chân thành, phát tâm hiếu kính với đấng sinh thành của mình”.
Là một người sống tình cảm, Đức Huy (19 tuổi) đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ về các cách thể hiện tình cảm với bố mẹ: “Hãy dành thời gian ra để ở cạnh bố mẹ, có những bữa cơm đông đủ cả thế hệ, dẫn bố mẹ đi chơi khi rảnh, chủ động tạo những cuộc nói chuyện, tâm sự thân mật. Chỉ bằng những hành động nhỏ mà thân thuộc ấy thôi cũng đã phần nào làm tròn trách nhiệm của một người con đối với bố mẹ rồi”.