Nam Định: Người đàn ông móng tay dài 1m, được vợ chăm như em bé
(Sóng trẻ) - Suốt hơn 30 năm nay, ông Huyền không cắt móng tay, mọi sinh hoạt từ tắm rửa tới mặc quần áo đều phải nhờ vợ giúp. Dù vậy, ông Huyền vẫn chăm chỉ lao động, kiếm đủ tiền nuôi gia đình.
Dị nhân hơn 30 năm kỳ công “chăm sóc” móng tay, mọi sinh hoạt phải nhờ vợ
Những ngày cuối năm, hai vợ chồng ông Lưu Công Huyền (66 tuổi, xóm 4, xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang tất bật với công trình tô vẽ tại từ đường họ ông mới nhận.
Trên giàn giáo hai tầng cao khoảng 5m, người đàn ông có bộ móng tay dài cả mét, tua rua như những sợi dây và xoắn lại như những con sâu đang tỉ mỉ từng nét vẽ rồng phượng, các họa tiết hoa văn bên trong từ đường. Vẽ xong, ông cùng các cộng sự cẩn thận tô màu cho tác phẩm của mình. Những chiếc móng tay dài cả mét dính sơn đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, đen lẫn với xi măng đều do bị rơi rớt vào trong quá trình ông Huyền làm việc suốt mấy chục năm.
Nếu không trực tiếp chứng kiến, khó ai có thể tin “dị nhân” này có thể lao động kiếm tiền. Ngón dài nhất của ông Huyền tới giờ đã hơn 1m và ngón ngắn nhất của cũng hơn 30cm. Tay phải của ông phải hoạt động thường xuyên nên các móng tay ở tay phải ngắn hơn so với móng tay ở tay trái.
Chia sẻ về lý do nuôi bộ móng dài như vậy, ông Huyền cho biết: “Ngày trước, bố tôi theo Nho học và là thầy cúng. Tôi cũng nghĩ mình sẽ theo học bố tôi làm thầy cúng lễ nên để móng tay để bắt ấn nhìn cho uy lực. Nhưng rồi bố tôi khuyên tôi nghề này bạc nên không muốn tôi theo. Thế là tôi cứ để móng tay từ thời điểm ấy. Lúc đó, tôi khoảng gần 30 tuổi”.
Để có được bộ móng dài như vậy, ông Huyền phải nâng niu và xem như bảo vật suốt hơn 30 năm nay. Nuôi được đã rất khó, để giữ gìn bộ móng tránh gãy hoặc hỏng cũng lại là một kỳ công.
Hơn 30 năm nay, ông Huyền không dám rửa tay mà chỉ lau phía trong lòng bàn tay. Móng tay dài lại có nhiều thứ bám vào nên nếu bị dính nước sẽ mềm nhũn và hỏng. Ông Huyền đi lại hay làm việc cũng đều rất từ tốn chậm rãi và luôn nhận thức mọi thứ xung quanh xem có làm nguy hại bộ móng của mình hay không.
Buổi đêm, ông Huyền chỉ ngủ một mình, tay và móng đặt lên trên bụng và lấy gối kê cao khuỷu tay. Ông chia sẻ phải ngủ rất tỉnh và không động đậy để tránh va chạm gãy móng. Cũng vì vậy mà không ít đêm ông Huyền mất ngủ.
Thậm chí, có những lần trượt ngã từ trên giàn giáo, điều đầu tiên ông Huyền nghĩ tới đó là bảo vệ bộ móng tay. Cho đến nay, đã ít nhất 6 lần ông Huyền gặp phải những tai nạn nghề nghiệp. Lần nặng nhất, ông đã phải vào bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.
Khoảng 5 năm gần đây, vì móng tay quá dài khiến mọi sinh hoạt cá nhân của ông Huyền trở nên khó khăn hơn. Có những ngón tay của ông vì lâu ngày không hoạt động nên đã bị cứng khớp và không còn có thể cử động được.
Ông Huyền không thể tự tắm giặt và thay quần áo được nên những sinh hoạt thiết yếu này của ông phải nhờ tới người vợ là bà Nguyễn Thị Thuận. Ông Huyền được bà Thuận “chăm như chăm trẻ”.
Khi tắm, ông Huyền dơ hai tay lên cao để tránh nước và nhờ vợ tắm giúp. Nước dội lên người cũng chỉ đội từ cổ xuống. Trong bữa ăn, ông Huyền vẫn có thể chủ động ăn cơm nhưng thức ăn phải vợ gắp vào bát. Đó cũng là lý do rất lâu rồi ông Huyền không đi ăn cỗ giỗ chạp hay cưới hỏi và thậm chí cả những nơi đông người.
“Nhờ người ta gắp cho tôi từ đầu đến cuối bữa thì không hay lắm. Còn để tôi tự gắp thì móng tay chạm vào thức ăn cũng không tiện. Tôi rất ngại tới những chỗ đông người. Người ta thấy tôi hay tò mò xúm lại xem mỗi lúc tôi đang thi công tại công trình. Có lần, tôi từ xe khách đi xuống, người ta cũng xúm lại xem và xin chụp ảnh, quay phim nên tôi rất sợ có người va chạm phải gãy mất. Vậy nên lâu rồi tôi không đi xe khách nữa. Ai thuê tôi mà ở xa thì họ thường phải cho xe tới đưa tôi đi”, ông Huyền cười bảo.
Nhưng đó còn chưa phải điều “dở khóc dở cười” nhất khi ông Huyền để móng tay dài. Mặc dù không phản đối chồng, nhưng không ít lần hai vợ chồng ông tranh cãi với nhau lúc bà Thuận giúp ông mặc quần áo. Mùa hè mặc ít quần áo nhanh thì cũng phải tới 15 phút. Mùa đông có những hôm phải mất cả tiếng đồng hồ.
“Những hôm không bận thì không sao. Hôm nào mà vội là tôi hay phát cáu cả lên. Ông ấy thì cứ bảo từ từ, có gì đâu mà phải vội. Hằng ngày chúng tôi đi làm từ sớm thì phải dậy từ 4h30 mới kịp thay quần áo rồi ăn sáng. Thế là có những hôm tôi mặc quần áo sẵn cho ông ấy từ ban đêm”, bà Thuận cho chia sẻ.
Những chiếc áo của ông Huyền mặc được bà Thuận xẻ tới trên khuỷu tay và may thêm cúc. Còn những chiếc áo mặc ở ngoài của ông Huyền thường là áo ba lỗ để tiện cho việc thay đồ.
Họa sĩ nổi tiếng của vùng với nhiều biệt tài lẻ
Từ nhỏ, ông Huyền đã rất khéo tay và có năng khiếu nghệ thuật. Ông có kỹ thuật vẽ tranh rất đẹp mà không cần người hướng dẫn. Thời còn đi học, ông nổi tiếng vẽ đẹp nên vào các dịp lễ như 20/11 hay 22/12, nhà trường luôn nhờ ông vẽ các logo hay khẩu hiệu.
Những năm nhập ngũ, ông được phụ trách công tác vẽ bản đồ cho đơn vị. Thấy ông có khiếu, cấp trên đề xuất cử đi học tại Nga nhưng vì là con trai duy nhất trong nhà nên bố ông không đồng ý.
Bên cạnh đó, ông Huyền còn biết cả tiếng Pháp, có trí nhớ rất tốt. Nếu giao ông Huyền thu thập thông tin về ruộng đất của khoảng 2.000 hộ dân thì trong vòng 1 – 2 tuần, ông có thể nhớ chính xác khoảng 85% số liệu, không cần sổ sách. Lúc trước, ông còn được UBND xã nhờ vẽ bản đồ quy hoạch.
Ngoài ra, ông Huyền còn có khả năng tính nhẩm cực kỳ nhanh. Nếu đưa ra một phép toán cộng nhiều con số thì ông Huyền tính nhẩm còn nhanh hơn một người bấm máy tính.
Điều khác biệt của ông Huyền với những người nuôi móng tay dài nổi tiếng khác là ông cực kỳ chăm chỉ làm việc dù tuổi đã cao. Đã gần 70 tuổi, nhưng cứ khoảng 6h sáng hai vợ chồng ông Huyền và bà Thuận ra khỏi nhà và trở về lúc khoảng 6h tối.
Bà Thuận chia sẻ: “Ông nhà tôi chăm chỉ, chịu khó làm việc từ lúc còn trẻ cho tới giờ. Thời còn chưa nuôi móng tay, các công việc đồng áng ông ấy làm hết. Rồi còn biết thêu thùa may vá, đục gỗ, cắt tóc. Hay có thời ông ấy còn là cả MC đám cưới nữa đấy. Sau này, ông ấy hay nhận”.
Theo ghi nhận của PV tại nơi công trình từ đường ông Huyền đang làm việc, một mình ông Huyền vẽ toàn bộ tranh phía trong từ đường để ông cùng những thợ khác bắt đầu tô sơn màu. Cùng là 2 mảng tường giống nhau, nhưng năng suất tô màu của một mình ông Huyền còn hơn 4-5 người khác cùng làm.
Ông Nguyễn Văn Thuận (Giao Hà, Giao Thủy, Nam Định), người chủ công trình từ đường thuê ông Huyền vẽ chia sẻ: “Ông Huyền vẽ thì nổi tiếng ở vùng này nhiều người biết rồi. Ông ấy vẽ rất có hồn nhé. Điều đặc biệt là không cần phải xem mẫu mã gì cả, tôi chỉ cần nói ý tưởng là ông ấy hiểu. Những bức tranh này ông Huyền không cần vẽ chì trước đâu, vẽ một lần là được ngay đấy”.
Có lẽ vì thế, bà Thuận vẫn luôn đồng hành, chăm sóc cho chồng mình trong suốt bao nhiêu năm qua. Những năm gần đây, vì ông Huyền không thể chủ động trong sinh hoạt nên bà Thuận thường đi theo để lo việc cơm nước, quần áo. Trong quá trình đó, ông Huyền cũng chỉ cho vợ mình những kỹ thuật sơn màu để tiện cùng ông sơn vẽ tại các công trình.
Bà Thuận dường như rất yêu quý và ngưỡng mộ chồng mình. Thời trẻ ông Huyền gánh vác gia đình, nuôi 4 người con ăn học đầy đủ. Bà Thuận chỉ cần lo việc nội trợ, chăm sóc con cái và bố mẹ.
“Thỉnh thoảng, các phóng viên, nhà báo hay youtuber lại tìm tới chồng tôi để quay. Người ta tìm tới ông nhà tôi từ 2005 tới nay rồi. Chúng tôi cũng không vấn đề gì. Mọi người biết tới vợ chồng tôi nhiều cũng tốt thôi, có tên tuổi thì người ta lại mời chồng tôi đi vẽ nhiều hơn.
Nhưng nhiều lúc đưa lên, ai thích thì người ta khen, nhưng ai không thích lại bảo chồng tôi bẩn, mất vệ sinh. Rồi cũng có người không biết bảo chồng tôi thế này thì làm được việc gì lại còn khiến người khác hầu hạ. Tôi nghe cũng không được vui vẻ lắm. Cũng có nhiều người nói với tôi là mặc kệ ông ấy, không ai hầu hạ là ông ấy phải tự cắt đi. Nhưng tôi có thấy khó chịu đâu, chồng mình chứ ai mà phải nghĩ ngợi.
Tôi nghĩ người ta rượu chè, cờ bạc rồi đủ thứ. Chồng mình chăm chỉ, chịu khó, ông ấy tính nghệ sĩ chỉ có sở thích để móng tay thôi, chẳng ảnh hưởng đến ai mà mình phải cản. Nên ai nói gì tôi cũng kệ”, bà Thuận bộc bạch.
Ông Huyền cũng chia sẻ: “Người ta nói trực tiếp những lời không hay với tôi thì chưa. Tôi chỉ nghe được qua kể lại hoặc con cháu hay hàng xóm đọc những bình luận trên mạng xã hội. Vợ chồng tôi thì không dùng mạng xã hội. Ai mà nói thì tôi cũng mặc kệ, làm ngơ luôn. Tôi cũng nghe có những người nói tôi nuôi móng tay để được nhiều người biết tới, họ bảo bây giờ được lên tivi, báo đài nhiều rồi hay là tôi cắt đi. Nhưng không phải thế, hiện tại tôi cũng không có ý nghĩ sẽ cắt. Hôm trước có người gọi cho tôi hỏi mua, tôi cũng không biết định giá thế nào, nhưng nếu họ thực sự muốn mua thì tôi cũng sẽ bán”.