Nghệ thuật ca trù trong cảm nhận của người nước ngoài
(Sóng trẻ) - Ca trù từ xưa tới nay luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Không chỉ là một món ăn tinh thần của người dân trong nước, ca trù còn rất “được lòng” bạn bè quốc tế. Khi làn điệu ca trù vang lên, dường như cũng là lúc sự khác biệt về ngôn ngữ chẳng còn là rào cản.
Chúng tôi tìm cách liên lạc với một “dân du lịch kì cựu”, đây là người có nhiều bài đăng trên mạng xã hội về những trải nghiệm của bản thân trong những chuyến “đi chơi xa” của mình. Đó là ông Hyoe Nakagiri - khách du lịch người Nhật Bản.
Ông biết đến ca trù qua một cuốn sách hướng dẫn du lịch tại Nhật Bản vào tháng 10/2015. Sau đó, ông lên đường sang Hà Nội - thủ đô của đất nước mà ông mới chỉ nghe tên. Sau đó, ông lập tức nhận chỗ ngồi sớm tại một buổi biểu diễn ca trù ở nhà truyền thống, một nơi sinh hoạt cộng đồng ở thời kì ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà ca trù lại “được lòng” dù khách quốc tế, đặc biệt là các du khách Châu Á. Sự yêu thích của họ vừa đến từ sự tương đồng, vừa đến từ những điểm đặc biệt riêng của các nét văn hóa giữa dân tộc họ và dân tộc Việt Nam. Ông Nakagiri cho biết thêm, văn hóa Nhật Bản nhìn chung đều mang tính im lặng. Vì vậy, khi đến với buổi diễn ca trù, chính sự im lặng quen thuộc là thứ đầu tiên thu hút ông, khiến ông mới dần đằm chìm vào những thanh âm khác lạ mà kì diệu sau đó: tiếng phách gõ nhịp, tiếng đàn, và giọng ca đầy nội lực của ca nương. Nên dù chưa thể hiểu quá nhiều ca từ, nhưng tất cả đều làm ông thấy hay đến “nổi da gà”.
Ông Nakagiri nhấn mạnh: “Bạn biết đấy, Hà Nội là một nơi rất ồn ào, nhộn nhịp, nhưng kể từ lúc tôi ngồi xuống hàng ghế khán giả của buổi diễn, tôi thật sự đã quên đi tất cả những náo nhiệt của thủ đô đất nước bạn. Tôi rất mong một ngày nào đó trong tương lai gần, tôi sẽ sắp xếp được công việc và một lần nữa quay lại Việt Nam, quan trọng nhất là được thưởng thức ca trù một lần nữa”.
Không chỉ vươn tầm quốc tế bằng cách chinh phục trái tim những du khách ngoại quốc, ca trù còn là đại diện của Việt Nam khi những người nước ngoài gốc Việt có thể nhớ về và tự hào về quê hương của mình. Bằng những câu từ Tiếng Việt còn lơ lớ, anh Nguyễn Anh Dũng, sinh ra và lớn lên tại Ba Lan cho hay: “Từ bé, mỗi ngày, có một loại hình nghệ thuật luôn nhắc tôi nhớ về quê hương của mình, là ca trù. Bố tôi là người miền Bắc, ông thường xem biểu diễn ca trù trên ti vi và rất yêu thích nó, mẹ tôi thì thường xem những kịch, xem tiểu phẩm hài, trong đó luôn đan xen những làn điệu âm nhạc dân gian Việt Nam, đặc biệt là có ca trù. Ban đầu tôi nghe giai điệu thấy hay hay, lâu dần, cùng với sự trau dồi tiếng mẹ đẻ, tôi dần hiểu lời bài hát và dần lắng nghe những câu chuyện lịch sử, những câu chuyện văn học được kể trong đó. Ca trù cứ thế ở trong tiềm thức của tôi lúc nào không hay. Bởi vậy, giống như phở, áo dài, hay bất cứ biểu tượng nào của Việt Nam, ca trù cũng khiến tôi nhớ về quê hương, về nguồn cội của tôi”.
Ngày nay, khi các nét văn hóa truyền thống ngày càng được ưa chuộng và trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay, ca trù cũng trở thành một loại hình nghệ thuật đặc biệt, vẫn tồn tại và phát triển song song với các thể loại âm nhạc hiện đại, tìm được chỗ đứng vững chắc cho mình không chỉ trong lòng những người con Việt, mà còn ở sâu trong tâm thức của những du khách quốc tế.