“Nghịch lý tình bạn” trên Facebook?
(Sóng trẻ) - Các nghiên cứu cho rằng truy cập Facebook có thể khiến bạn không vui. Tại sao lại như vậy?
Chỉ vài năm trước đây, một loại hình giao tiếp mới đã thu hút toàn thế giới, khiến cuộc sống biến chuyển nằm nài sức tưởng tượng. Một nhà bình luận đã dự báo về loại hình này như một “phương tiện giao tiếp tuyệt vời nhất từng được phát triển bởi trí óc con người”, trong khi những người khác chỉ ra tiềm năng của nó đối với việc cách mạng hóa thông tin, giải trí và giáo dục. Nhưng TS Eliot - một nhà thơ kiêm nhà soạn kịch lại có quan điểm khác: “Đây là môi trường trung gian của sự giải trí, nơi cho phép hàng triệu người có thể lắng nghe cùng một lời đùa vui tại cùng một thời điểm, mà vẫn khiến người ta có cảm giác lẻ loi.
Eliot và nhiều người khác đã viết về truyền hình vào thời kì đầu những năm 60. Nhưng 50 năm sau đó, không có gì lạ khi bạn nghĩ rằng nhận xét của họ sẽ ứng nghiệm đối với Internet và hệ thống mạng xã hội trực tuyến.
Dẫn đầu hệ thống mạng xã hội là Facebook - trang mạng xã hội vừa kỉ niệm sinh nhật lần thứ 10. Những thống kê về nó thật đáng ngạc nhiên. Chỉ trong vòng một thập kỉ, lượng người đăng kí địa chỉ trên Facebook đã lên đến 1,3 tỉ người. Một nửa trong số họ truy cập nó mỗi ngày và dành trung bình 18 phút cho mỗi lần ghé thăm. Facebook kết nối các gia đình ở các lục địa khác nhau, kết nối bạn bè qua năm tháng và kết nối con người trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Facebook lên người sử dụng nó không phải đều là ảnh hưởng tốt. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khả năng kết nối không khiến con người hạnh phúc hơn, sự thật là nó có thể làm giảm sự hài lòng họ cảm thấy về cuộc sống. Liệu có phải Facebook có thể khiến bạn buồn?
Cho đến tận ngày nay, hiếm có nghiên cứu nào trả lời cho câu hỏi này và cũng rất ít bằng chứng tồn tại thực sự cho thấy mạng xã hội có ảnh hưởng tốt. Năm 2009, Sebastian Valenzuela và các đồng nghiệp tại đại học Texas, Austin đã so sánh xem sự hài lòng trong cuộc sống khác nhau như thế nào ở hơn 2500 sinh viên sử dụng Facebook, và họ nhận thấy những sinh viên này có chung một số điểm tích cực.
Mùa hè trước, một nhóm các nhà tâm lý học đến từ đại học Michigan ở Ann Arbor và đại học Leuven ở Bỉ đã quyết định đi sâu hơn nữa bằng việc đánh giá sự hài lòng trong cuộc sống thay đổi như thế nào theo thời gian với việc sử dụng Facebook. Trong 2 tuần, Ethan Kross và đồng nghiệp hỏi một nhóm người năm lần một ngày về trạng thái cảm xúc của họ. Họ đã hỏi những câu như: “Bây giờ bạn cảm thấy thế nào?”, “Bây giờ bạn cảm thấy cô đơn như thế nào?”… và nhiều câu khác. Điều này giúp họ có được một bảng trả lời nhanh về trạng thái hạnh phúc và thói quen sử dụng Facebook mỗi ngày của mỗi cá nhân.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy: Sử dụng Facebook và mức độ thấp của cảm giác hạnh phúc có liên quan đến nhau. “Người ta càng sử dụng Facebook nhiều, mức độ hài lòng về cuộc sống của họ càng giảm theo thời gian. Những nhận định này cho thấy: Facebook có thể làm hao mòn cảm xúc hài lòng”.
Cuộc đua tranh về sự nổi tiếng
Có nhiều sự giải thích cho nhận định này. Có thể người cảm thấy tồi tệ sẽ có xu hướng ghé thăm Facebook nhiều hơn. Nhưng nhóm nghiên cứu tạm loại bỏ nhận định này vì dữ liệu của họ tiết lộ liệu con người có cảm thấy tồi tệ trước khi ghé thăm Facebook hay không.
Kross và các đồng nghiệp đã chỉ ra: Facebook là nguồn giá trị trong việc lấp đầy nhu cầu giao tiếp xã hội căn bản của con người. Nhưng họ nghi ngờ rằng kiểu giao tiếp trên Facebook không khiến con người cảm thấy tốt hơn qua thời gian. Điều ngược lại thì rất đúng trong giao tiếp trực diện. Có lẽ có một điều gì đó khác biệt trong sự tương tác xã hội mang tính kĩ thuật số.
Đơn giản, sự ghen tị có thể là một khả năng. Nhìn anh em họ và những người bạn cùng trường lớn hơn đều đặn khoe về những thành công trong công việc, về kỳ nghỉ hay đứa con mới chào đời của họ có thể sẽ khiến bản thân bạn mất tự tin. Một số nhà nghiên cứu coi ảnh hưởng này là “hội chứng thế giới thân thiện” (friendly world syndrome), khi có vẻ như mọi người đều có cuộc đời vui vẻ hơn bạn. Hội chứng này bắt nguồn từ một tác động được xác định bởi những nhà xã hội học vào những năm 70 gọi là “hội chứng thế giới ác độc” (mean world syndrome), khi người ta xem quá nhiều chương trình bạo lực trên truyền hình đến nỗi nghĩ thế giới thực sự tồi tệ hơn vẻ nài của nó. Bạn bè của bạn trên Facebook có thể thổi phồng những thành công của họ hơn là thổi phồng những thất bại, điều này sẽ đưa đến một bức tranh méo mó về bản chất của cuộc sống.
Một hiện tượng khác xuất hiện trong những năm gần đây có thể cũng giải thích cho sự bất mãn – khi nhìn chung, những người bạn của bạn nổi tiếng hơn bạn. Quay trở lại năm 1991, Scott Feld - một nhà xã hội học đã khám phá được một điều ngạc nhiên trong nghiên cứu về bản chất của mạng lưới xã hội trong thời kỳ tiền Internet. Dữ liệu có được từ việc hỏi những đứa trẻ ở nhiều trường học khác nhau rằng: Ai là những người bạn của chúng, liệu những tình bạn này có được đáp lại và sau đó cùng chung tay xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp? Feld tính toán số lượng bạn bè mỗi cá nhân có và so sánh chúng với số lượng bạn bè mà những người bạn của cá nhân đó có. Thật ngạc nhiên, ông ấy khám phá ra rằng: hầu hết những người bạn của một đứa trẻ lại có nhiều bạn hơn đứa trẻ đó có.
Ai hơn, ai nhất?
Kể từ đó, những nhà nghiên cứu khác đã nhận ra rằng “sự nghịch lý trong tình bạn” là nét đặc trưng chung của mạng lưới xã hội và cũng đúng với nhiều vấn đề khác.
Có một lý do đơn giản mang tính toán học cho vấn đề này. Những người mà có nhiều bạn trên Facebook thì thường được xếp vào vị trí đầu tiên trong danh sách bạn của bạn. Và khi mà họ xếp đầu danh sách, họ sẽ tăng được số lượng bạn bè lên hơn bạn bởi lẽ mọi người có xu hướng kết bạn với những người xếp đầu danh sách.
Sự phát triển của mạng xã hội trực tuyến chứng thực cho cho tất cả những điều nói trên.
Theo Nathan Hodas và các đồng nghiệp ở Đại học Nam California, “nghịch lý tình bạn” cũng đúng đối với 98% người sử dụng Twitter.
Tại sao điều này lại khiến bạn buồn bã? Không giống như tình bạn trong thế giới vật chất, trên Facebook, bạn có thể thấy chính xác những người bạn nổi tiếng hơn bạn họ “nổi” như thế nào.
Young-Ho Eom (Đại học Toulouse, Pháp) và Hang-Hyun Jo (Đại học Aalto, Phần Lan) nhận thấy: Sự giàu có và hạnh phúc trên Facebook đều có thể cho thấy sự trái ngược giữa cảm xúc và hành xử, mặc dù không rõ lý do. Vậy nên, thậm chí nếu có nhiều người bạn giống như bạn thì khi thể hiện trên mạng xã hội, vẫn có ít nhất một người có đời sống phong phú và hạnh phúc hơn. Điều này có thể tác động khá lớn đến sự buồn phiền. Và nó cũng không khác gì mấy so với cách thức mà truyền hình đã tác động đến TS Eliot.
Justin Mullins, BBC Future
Dịch: Ngọc Hà
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận