Nhà vệ sinh công cộng chỉ mở cửa nửa ngày
(Sóng trẻ) – Hà Nội có hơn 7 triệu dân nhưng mới chỉ có hơn 100 nhà vệ sinh công cộng đặt ở vỉa hè phố hoặc các tụ điểm vui chơi giải trí, những tưởng dự án xã hội hóa xây dựng 1000 nhà vệ sinh công cộng đưa ra năm 2016 đến năm 2017 sẽ được hoàn tất và đưa vào sử dụng nhưng tính đến tháng 12 năm 2017, Hà Nội vẫn đang rất rất thiếu toilet công cộng.
Mở cửa đến 12h trưa là đóng
Gạch đá ngổn ngang, sắt thép chỏng chơ, một cái hố đào sẵn để chuẩn bị xây làm bể phốt nhà vệ sinh, ấy thế mà khi chuẩn bị thi công thì không thể tiến hành vì bị người dân nơi đây kịch liệt phản đối. Theo ghi nhận của phóng viên tại làng Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, người dân cho rằng làng Yên Phụ là một bán đảo nhỏ nhô ra Hồ Tây, hầu như rất ít khách du lịch, chủ yếu là người dân sinh sống thì việc lắp đặt, xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở đây là rất lãng phí. Trong khi đó, con đường Yên Hoa ven Hồ Tây tập trung rất nhiều khách du lịch thì không hề thấy xuất hiện bóng dáng của một cái toilet công cộng nào.
Toilet công cộng được xây dựng với mục đích đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng sự bất hợp lí trong việc lựa chọn địa điểm lắp đặt đã gây nên những câu chuyện dở khóc dở cười, nơi cần không có, nơi có chẳng cần, và đặc biệt là có nhà vệ sinh cũng như không.
Ghi nhận tại công viên Y- éc – Sanh cách đường Yên Hoa vài chục mét có tới 2 nhà vệ sinh công cộng, người dân nơi đây cho biết nhà vệ sinh cũ đã xuống cấp nên khi được xây dựng nhà vệ sinh mới người dân rất háo hức ủng hộ, nhưng thực tế, nhà vệ sinh mới cắt băng khánh thành được vài ngày thì khóa trái, đóng cửa im ỉm, không thể sử dụng được.
Thiếu hiệu quả đang là bài toán với nhà vệ sinh công cộng
Ông Trần Văn Dung (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết : “Chỉ mở được đúng ba buổi sáng xong đến 12 giờ thì đóng cửa và từ lúc ấy đến tối là không mở nữa, các cụ đi tập thể dục buổi chiều coi như là không có chỗ để nửa mặt mũi hay là các cháu nhỏ vui chơi không có chỗ sử dụng.”
Lí giải cho vấn đề này, ông Qúy – bảo vệ cho biết: “Nhà vệ sinh chỉ dùng được nửa ngày là do từ 5 đến 8 giờ sáng thì áp lực nước mới đủ mạnh để tự đẩy nước lên bể chứa, những giờ khác nước không đẩy lên được nên đành chịu.”
Ông Qúy cũng cho biết thêm, chủ đầu tư dự định sẽ phải lắp thêm một máy bơm tăng áp, chủ đầu tư cũng cho rằng, nguyên nhân của trục trặc này là do sự thiếu phù hợp ngay từ đầu của các đơn vị liên quan, chủ đầu tư chỉ có công việc lắp đặt, chọn vị trí, khảo sát hệ thống điện, nước ngầm thì do các đơn vị khác tiến hành.
Dự án “mỏi mòn” mong đợi
Dự án 1000 nhà vệ sinh công cộng do UBND thành phố Hà Nội đề ra tháng 8 năm 2016 dự tính đến tết Nguyên Đán 2017 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 200 nhà vệ sinh nhưng mới chỉ duy nhất 1 nhà vệ sinh hoạt động, cho đến thời điểm hiện tại số toiet công cộng hoạt động không quá con số 20, xa rất nhiều so với chiến lược đề ra đó là 1000 nhà vệ sinh, 10 xe bột chuyên dụng , 50 cây lọc nước, và 200 ghế ngồi tại các tụ điểm.
Số lượng ít ỏi đi kèm với dịch vụ kém chất lượng khiến người dân Hà Nội ngao ngán về dự án 1000 nhà vệ sinh. Đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội như Cầu giấy, Hai Bà Trưng, một toilet công cộng sạch sẽ cho sinh viên sử dụng cũng là một niềm mong mỏi lớn.
Bạn Phạm Xuân Đạt (Đh Bách Khoa) : “Mình rất hay đá cầu ở công viên nên cũng đã sử dụng nhà vệ sinh công cộng một lần, đó cũng là lần duy nhất mình sử dụng vì bên trong rất bẩn, bồn cầu không có nước, vòi xịt gãy, lõi giấy đã sử dụng rơi ngổn ngang và mùi cực kì khó chịu.”
Bà Hòa (Xã Đàn, Hai Bà Trưng) cho hay: “Nhà vệ sinh ngay ven hồ gió thổi vào các cụ tập không biết là dưỡng sinh hay dưỡng bệnh, sạch không nói làm gì, nhưng bẩn thì thôi, không xây nhà vệ sinh còn hơn.”
Xây dựng toilet công cộng không phải là một vấn đề khó, cái khó chính là ở việc chọn lựa địa điểm hợp lí, thuận tiện cũng như chất lượng sử dụng của nhà vệ sinh. 1000 đương nhiên chưa là con số trong mơ, nhưng chắc hẳn 1000 nhà vệ sinh công cộng chính là mơ ước của người dân thủ đô trong nhiều năm tới.
Hiền Lương K36.7