Người dùng một đời để “đốt một que diêm” cho trà Việt
(Sóng trẻ) - Xu hướng dùng trà nại lai đang khá thịnh hành từ giới trẻ và đang lan dần sang cả những người uống trà Việt lâu năm. Ảnh hưởng của văn hóa trà từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc cũng làm cho văn hóa trà Việt không còn nguyên trạng như vốn có của nó. Thế nhưng, nghệ nhân trà Vũ Kiên Chỉnh (Lương Sơn, Hòa Bình) trải qua bao thăng trầm vẫn cần mẫn lưu giữ hương vị trà thuần Việt nhất.
Nghệ nhân trà Vũ Kiên Chỉnh (người áo đen,bên phải) cùng gia đình thưởng trà tại tư gia.
Tiếp nối truyền thống gia đình về trà
Nghệ nhân trà Vũ Kiên Chỉnh sinh ra trong một gia đình có nhiều đời chế biến trà Việt, từ khi còn nhỏ trà đã như một phần máu thịt, gắn bó cùng ông qua bao dấu mốc của cuộc đời. Nó quan trọng đến mức, ông thường hay nói vui rằng “đời ông là phải có trà, cũng như đàn ông phải có đàn bà mới vui”.
Ông còn nhớ lúc nhỏ, mỗi buổi chiều ông nội thường ngồi ở khu vườn trong tam hợp viện, vừa nhịp chân vừa từ tốn pha trà. Trà thời đó quý lắm, ông nội lau chùi chiếc ấm trà rất cẩn thận, trà được cất trong những hộp vô cùng tinh xảo, từ nhỏ bọn trẻ trong nhà đã được dạy tôn trọng trà như tôn trọng chính tổ tiên, nếu không sẽ bị phạt rất nặng.
Ngay sau khi nhận lời kế nghiệp bố, ông bắt tay vào mở một quán trà ở phố Đội Cấn với thương hiệu “Mẫu”. Nhưng hình như ông trời muốn thử thách tâm huyết, tình cảm của người con trai với bố bằng những khó khăn ngáng trở anh làm nghề. Trong nhiều năm anh liên tục phải 3 lần thay đổi địa điểm trà quán. Xưởng sản xuất trà tại Lương Sơn, Hòa bình cũng nhiều lần điêu đừng vì thiếu vốn đầu tư. Mỗi lần thử làm trà theo phương thức mới, ông không còn nhớ mình đã thức bao lâu, thử bao nhiêu lần mới ra được một mẻ trà ưng ý cả hương và vị.
Yêu nghề, gắn nghiệp
Nghệ nhân trà Vũ Kiên Chỉnh là một người đặc biệt. Các cụ xưa vẫn nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Nhưng ông có hơn một nghề để theo đuổi và nghề nào cũng thấy ông làm “chín”. Nghề trà là nghề đầu tiên ông lựa chọn cũng sẽ là nghề mà ông sẽ dành trọn cuộc đời để nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết ấy. Nghề tay trái giúp ông toàn tâm, toàn ý “lo cho trà, chăm cho trà và tận hưởng đến tận cùng của nghệ thuật trà” mà không vướng bận quá nhiều về kinh tế. Bởi theo ông, người làm trà yêu nghề, dành trọn tâm huyết để lưu giữ hương vị trà truyền thống, vừa sạch vừa an toàn là điều vô cùng khó.
Vì vậy ông đặt thương hiệu trà của mình là “Mẫu”. Cái tên như một lời nhắc nhở với bản thân, trà cũng như mẹ gần gũi và gắn bó, trà làm ra luôn phải đạt “chuẩn” và “mẫu”. Không chỉ cung cấp những sản phẩm trà, mà ông còn cung cấp những sản phẩm liên quan đến trà bằng những sản phẩm tự thiết kế, tự phát triển và tự sản xuất thông qua bàn tay tài hoa của các bậc thầy trong ngành sản xuất chế biến, mang đậm dấu ấn của thương hiệu “Mẫu”.
Nghệ nhân Vũ Kiên Chỉnh tự tay hái những búp trà đầu tiên cho vụ trà Đông 2018 tại Lương Sơn, Hòa Bình.
Vùng nguyên liệu trà mà ông sử dụng được thu hái từ nhiều vùng liên kết khác nhau, nài khu vực Lương Sơn, Hòa Bình là vùng nguyên liệu chủ động do ông và các cộng sự chăm sóc, với công nghệ trồng thủ công, sạch và không sử dụng bất cứ chất hóa học nào. Mỗi công đoạn làm trà ông luôn kiểm soát và theo dõi vô cùng kỹ lưỡng từ thu hái, vận chuyển, chế biến. bảo quản… để đảm bảo trà sạch nhất, giữ đúng hương vị nhất.
Trà được ông lựa chọn để chế biến đều là những búp trà non, tươi được hái chính xác theo yêu cầu của từng loại trà. Với nhiều năm kinh nghiệm, công nghệ làm trà của nghệ nhân Chỉnh luôn dựa trên truyền thống nhưng liên tục được ông mày mò, nghiên cứu chỉnh sửa, nâng cấp để tạo ra những ấm trà thơm nn, đậm vị, thuần Việt nhưng vẫn phải hợp thị hiếu.
Nghệ nhân Chỉnh thử nghiệm những sản phẩm trà theo công thức mới.
Ông thường tự hào nói rằng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên biết đến lá trà và là đất nước duy nhất uống trà tươi. Phong cách thẩm trà bằng vị ngọt hậu, khác hẳn cách đánh giá trà bằng hương của các nước lân cận. Vì vậy, khi thẩm trà của ông nhiều người cũng phải thán phục về sự tỉ mỉ và chăm chút của ông về chất lượng và hương vị của trà Mẫu.
Trò chuyện những câu chuyện về trà cùng ông vào 1 ngày Hà Nội đang bắt đầu vào đông, tay cầm chén trà Bạch điểm Hoa sen, khiến cho người thưởng thức cảm thấy thư thái lạ thường. Vị của trà Mẫu chỉ vừa bén ngọt, đã pha chút chát nhẹ nhàng. Ngọt chát hoà quyện vào nhau thấm tràn cả bờ môi. Chép chép vài cái nó đã lan toả ra khắp miệng, nhưng lạ là nó không chịu vào tới cổ họng như các loại trà khác. Nó ở nài, và không bốc lên đầu cho cảm giác lâng lâng. Nó lơ lửng, nó ở trong miệng lưỡi, trong môi khiến mình cứ đưa lưỡi ra liếm hoài cái vị ngòn ngọt chát chát nhè nhẹ mà rất thật của nó. Có thử trà mới biết cái tâm và cái tầm mà nghệ nhân Vũ Kiên Chỉnh dành cho trà Việt sâu sắc như thế nào.
Nghệ nhân Chỉnh trò chuyện cùng những người trẻ yêu trà tại Hà Nội .
Tâm sự cùng ông dăm ba câu chuyện, bỗng chốc ông lại thở dài. Tâm tư trăn trở của ông đó là làm sao kế tục và phát triển tinh hoa văn hóa trà Việt trong thời hiện đại khi mà các trào lưu sử dụng nại lai từ Trung Quốc, Nhật Bản…đang cùng tồn tại và có thể lấn át nghệ thuật thẩm trà Việt của cha, ông ta để lại? Làm sao để các sản phẩm trà Việt có chỗ đứng vững chắc hơn khi trà sữa, trà ô long… không ngừng cạnh tranh? Với trăn trở như vậy, ông cùng gia đình và các nghệ nhân trà trong xưởng không ngừng cải tiến hương vị và không ngừng nâng cao tay nghề để cho ra các sản phẩm trà đỉnh cao, ghi dấu ấn với đời. Nhưng sau thời đại của ông, của các cộng sự của thì ông còn ai có đủ tài năng và tâm huyết để tiếp tục nối truyền tình yêu trà đến thế hệ sau hay không, thì vẫn là câu hỏi còn đang dang dở.
Võ Hương Giang
Cùng chuyên mục
Bình luận