NGƯỜI EM GÁI CỦA BIỂ
(Sóng trẻ)-Một chiều cuối năm khi đang lang thang trong một cửa hàng sách cũ, khi lướt qua quầy sách văn học, bỗng có một bàn tay nhỏ nhắn đặt lên vai kèm theo một ánh mắt trìu mến nhìn chúng tôi. Dẫu là lần gặp mặt đầu tiên nhưng không khó để tôi nhận ra đó là cô bé đi khắp nơi để mang tình yêu đến với biển đảo, với người lính hải quân. “Chẳng biết là trùng hợp hay cơ duyên nào mà hôm nay anh em mình lại gặp được nhau ở đây”. Chúng tôi chào nhau và trao nhau những cái ôm thân thiết như anh em một nhà. Em chính là Đoàn Thị Ngọc, tác giả tập thơ Ngược Sóng đã xuất bản với bút danh Viễn Hải.
Cũng từ những vần thơ trong tập thơ ấy, em “nổi tiếng” vì đã góp phần rất lớn vào công tác tư tưởng, động viên bộ đội toàn quân nói chung, người lính đảo Trường Sa nói riêng càng thêm phần yên tâm công tác.
Trước đây, tôi chỉ “gặp” em trên những trang thơ em viết, những hình ảnh ghi lại khoảnh khắc nơi em đi và đến. Tôi nhớ lại một vài lần từng được em hát cho tôi nghe những bài hát về biển đảo quê hương qua điện thoại. Giọng em cất lên như những giọt nước mát trong lành giúp anh em hải quân chúng tôi quên đi những vất vả, mệt mỏi công việc.
Em từng kể tôi nghe, cơ duyên đưa em đến với người lính đảo bắt đầu khi em đi học một tháng môn giáo dục quốc phòng. Em được thực hiện các chế độ, quy định như người lính thực sự: được huấn luyện, được sinh hoạt, học tập, được đi thao trường, xếp hàng ăn cơm, điểm danh,... Rồi trong một giờ học, em gặp một thầy giáo từng công tác ở Trường Sa. Qua lời kể của thầy, em biết đến đảo Sơn Ca, Thuyền Chài, Sinh Tồn, Song Tử Tây mà thầy từng ở với một niềm tự hào và cả nỗi nhớ khôn nguôi. Em say sưa lắng nghe những câu chuyện thầy kể về cuộc sống đời thường trên đảo của cán bộ, chiến sĩ, vẻ đẹp Trường Sa cho đến cả những câu chuyện tình cảm của những người lính và của chính thầy. Thầy xúc động kể rằng: Khi vợ thầy sinh con chưa được đầy tháng, thầy đã lại ra đảo. Đến khi về, con thầy đã hơn một tuổi. Điều thầy khổ tâm nhất là khi về, thầy muốn bế mà con lại khóc thét lên, không theo, rồi cả nỗi vất vả của những người vợ lính... Đến đây, Ngọc đã khóc thật sự.
Cô gái Đoàn Ngọc với tình yêu biển đảo
Em cảm thấy thương người lính hơn bao giờ hết, không chỉ người lính biển, mà mỗi người lính thời bình cũng đã hi sinh một phần hạnh phúc riêng tư để làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho.
Kể từ đấy, em bắt đầu tìm hiểu về Trường Sa. Cũng kể từ đấy, trong lòng em luôn trào lên một nỗi niềm xúc động vô cùng, đặc biệt là sự kiện hòn đảo Gạc Ma bị nước nài sử dụng vũ lực để chiếm lấy năm 1988. Thì ra bao nhiêu năm qua, họ vẫn ở đó giữ đảo, giữ biển mà bây giờ em mới biết đến. Cũng từ đấy, em bắt đầu làm thơ về những người lính. Và hình ảnh người lính Trường Sa là những người đầu tiên xuất hiện trong thơ em.
Em tâm sự rằng em không nghĩ mình làm thơ, vì em thực sự em không có chuyên môn nghệ thuật. Em chỉ nghĩ rằng mình không làm được gì nhiều thì viết đôi dòng tâm sự động viên họ.
Em đã đi đến khá nhiều đơn vị, đặc biệt là đơn vị Hải quân. Mùa hè năm 2015, em cùng Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã đặt chân đến Trường Sa, nhà giàn DK1. Em đã mang tập thơ xuất bản đầu tay có tên “Ngược sóng” tặng cho những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Những đảo nổi đảo chìm nơi đây đều có dấu chân em qua. Em luôn cảm phục những người lính biển bởi sự bản lĩnh trước mọi khó khăn gian khổ nhưng lại vô cùng giàu tình cảm và sự mộc mạc, dễ thương, chân thành. Em kể: “Ngày ấy, có một anh lính công tác ở đảo Sinh Tồn, em rất hay nói chuyện. Một hôm trước khi đi gác anh ấy nói: "Em ngủ hộ anh được không? Bây giờ anh đi gác, anh không ngủ, vậy em ngủ hộ cả phần của anh nữa", nên em làm bài thơ mang tựa đề “Ngủ hộ anh” tặng người chiến sĩ ấy”.
Lời thơ em viết là tình cảm từ tận đáy lòng, lúc nhẹ nhàng, sâu lắng, lúc như thúc giục vào trái tim và nhiệt huyết người lính đảo.
Mọi người thường hay định nghĩa tình đầu là mối tình đầu tiên của một người. Nhưng với Ngọc, đó không phải mối tình đầu tiên, không phải cái nắm tay hay cái hôn đầu tiên. Với em, đó chính là được yêu bằng tất cả trái tim đang đang cháy bỏng trong lồng ngực. Em khát khao mong mỏi rằng tình yêu ấy sẽ trọn đời dành cho người lính biển bằng những vần thơ ngô nghê khó nói bằng lời.
Nguyễn Sơn
Lớp K37B. BQP
Cùng chuyên mục
Bình luận