Người làm báo nghĩ gì về ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam?
(Sóng trẻ) - Các phóng viên, nhà báo, giảng viên báo chí không giấu được niềm xúc động, sự tự hào trước tình cảm tri ân của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và đặc biệt là độc giả trong ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc: “Một ngày tràn ngập tình yêu thương và sự trân quý”
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc - Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam
Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam được Đảng, Nhà nước, nhân dân và dư luận xã hội hết sức quan tâm. Những người làm báo luôn khẳng định những đóng góp của mình cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Với tôi, kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là dịp để nhớ lại những tháng năm hoạt động báo chí với tất cả tình yêu và tâm huyết của mình.Nghề báo đã cho tôi rất nhiều.Và tôi luôn tự hào về những đóng góp nhỏ bé của mình trong hoạt động nghề nghiệp.Hôm nay,những lời chúc mừng ,những bó hoa tươi thắm của đồng nghiệp, của bạn bè,của gia đình, của cả những thính giả đã từng yêu quý Đài Tiếng nói Việt Nam gửi đến, đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc to lớn đối với tôi. Một ngày tràn ngập tình yêu thương, trân quý.
PGS.TS Đỗ Thu Hằng: “Tôi tự hào với vai trò của một giảng viên báo chí”.
PGS.TS Đỗ Thu Hằng - Phó Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tôi cảm thấy tự hào với vai trò của một giảng viên báo chí và được sinh viên, cơ quan báo chí và xã hội ghi nhận trong Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đồng thời tôi lo lắng để làm sao thực hiện được những trách nhiệm như mong đợi của sinh viên, của thực tiễn báo chí hiện nay.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng: “Những nghĩa cử ân tình nhắc nhở tôi trách nhiệm đối với ngòi bút”
Nhà báo Hoàng Anh Sướng - Báo Tuổi trẻ và Đời sống
Người ta thường bảo: "Báo chí là thông tin". Nhưng với tôi, báo chí còn là con thuyền để tải ĐẠO, để chở những điều nhân nghĩa. Bởi thế, 20 năm, bên cạnh những bài phóng sự điều tra gai góc, nóng hổi, đôi khi đến bạo liệt, tôi luôn ý thức viết những phóng sự nhân văn về những thân phận người, về những con người với những nghĩa cử cao đẹp. Bởi đó thực sự là những món ăn tinh thần tươi mát, lành lẽ, tưới tẩm cho bạn đọc tình yêu thương, niềm tin, lý tưởng, khát vọng sống hướng thiện. Ngày nhà báo Việt Nam 21 tháng 6, tôi nhận được thật nhiều những bó hoa, những tin nhắn, những lời chúc mừng từ các anh chị và bạn đọc khắp mọi miền đất nước. Những nghĩa cử ân tình đó thực sự đã tiếp sức, truyền thêm nhiệt huyết với nghề cho tôi, đồng thời, cũng nhắc nhở tôi phải có trách nhiệm hơn nữa với ngòi bút, với những trang viết của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Thu: “Nghề báo vinh quang nhưng cũng không ít hiểm nguy”
Thạc sĩ Nguyễn Thu, giảng viên trẻ Khoa Phát thanh - Truyền hình
Có thể nói nghề báo là nghề được trân trọng, đầy vinh quang nhưng cũng thực sự rất khó khăn, là nghề đòi hỏi trách nhiệm xã hội rất cao, với không ít hiểm nguy rình rập. Nghề báo là đam mê, đầy thú vị, nhưng cũng đầy thử thách, giữ được “bút sắc, lòng trong” trước bao cám dỗ, không phải là giản đơn. Công tác trong ngành báo chí, tôi thấy tự hào và may mắn bởi được làm công việc mình yêu thích và thỏa sức sáng tạo trong công việc đó. Những ngày này, khi nhận được nhiều lời chúc mừng, càng cảm nhận được sự trân trọng mà xã hội dành cho nghề báo, tôi càng ý thức rõ hơn về trách nhiệm của một giảng viên trẻ. Một người mới vào nghề như tôi sẽ còn phải học hỏi rất nhiều và đam mê rất nhiều để có thể làm tốt công việc của mình. Trong không khí cả nước đang hân hoan kỉ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, xin được gửi lời chúc mừng chân thành tới những nhà báo, đồng nghiệp, các giảng viên và các em sinh viên báo chí. Chúc các nhà báo, đồng nghiệp, và các em sinh viên luôn giữ được đam mê, nhiệt huyết với nghề, cống hiến nhiều hơn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Học viên cao học Trần Thành Công: “Nhìn xem mình đã làm được gì cho nền báo chí nước nhà”
Biên tập viên Trần Thanh Công, học viên cao học Học viện Báo chí và Tuyên truyền
So với vài ba năm trước đây, lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay rộn ràng hơn. Xã hội dành cho những người hoạt động báo chí, giảng viên báo chí và cả học viên, sinh viên báo chí những lời chúc mừng tốt đẹp cũng như những lẵng hoa, những món quà. Mặc dù có nhiều trường hợp vi phạm đạo đức báo chí nhưng tôi thấy xã hội vẫn luôn tôn trọng phóng viên, nhà báo bởi báo chí ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống và luôn gần gũi với người dân. Nghề báo có cả vinh quang nhưng cũng có cả những hiểm nguy. Nghề báo không giống nhiều nghề khác, luôn đòi hỏi sự nhiệt huyết và đam mê. Tôi nghĩ chỉ có ai đam mê thực sự mới có thể sống và tồn tại với nghề Những ngày như thế này, giúp tôi và đồng nghiệp trân trọng nghề của mình hơn. nhưng cũng là lúc để chúng tôi nhìn lại những gì đã làm được cho nền báo chí nước nhà cũng là để hoàn thiện và tự hứa phải có nhiều tác phẩm giàu tính thời sự, gần gũi hơn với cuộc sống.
Phóng viên Hoàng Trí Công: “Cảm ơn nghề báo đã chọn tôi và tạo cho tôi nhiều cơ hội”
Phóng viên Hoàng Trí Công, báo Bóng đá Plus - Nguyên Trưởng BBT sinh viên Sóng trẻ
Thật vui khi tôi được trở thành một phần của nghề báo trong suốt 5 năm qua. Nghề báo đến với tôi một sự vô tình như duyên số. Nghề đã chọn tôi. Có chút chạnh lòng khi tôi không khéo, không văn vở.tôi vẫn ngày ngày tập mềm hoá cái sự khô cứng ấy. Cảm ơn nghề đã chọn tôi, và tạo cơ hội cho tôi rất nhiều, dù tôi không phải người có tài năng nghề là mấy. Tôi biết mình đang may mắn nhưng tôi cũng hiểu sự may mắn ấy có không tồn tại cả đời. Tôi cần cố gắng hơn để tự viết bằng đôi tay của mình. Mong rằng kỷ niệm 100 năm nghề, tức 10 năm sau, tôi vẫn làm, vẫn viết và mang đến độc giả thông tin, bình luận chính xác, đúng đắn, hợp lý.
Lê Quang Đức (thực hiện)
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận