Người phụ nữ kém may mắn vươn lên bằng nghề truyền thống
(Sóng trẻ) - Căn nhà chị Hồng sống rộng chừng 36m2 vuông, nhỏ nhắn và đơn sơ bên cạnh con suối chảy róc rách. Bước vào nhà, điều gây ấn tượng với tôi nhất là chiếc máy khâu đạp chân cũ kỹ mà thậm chí tôi còn nhìn thấy cả những vết rỉ sét, cùng những cuộn len xanh đỏ vàng đặt trên bàn khâu. Vật dụng đơn sơ nhưng đó chính là nguyên liệu để chị làm nên những tác phẩm nghệ thuật với đôi bàn tay khéo léo và nghị lực của chị. Đó là những chiếc túi, chiếc địu, dây đai thắt lưng áo truyền thống của người dân tộc Dao.
Chị Ngô Thị Hồng (40 tuổi, người dân tộc Dao) bị liệt một chân từ năm 8 tuổi. Không cam chịu số phận, chị đã tự vươn lên, trở thành thợ thủ công giỏi trong nghề truyền thống của người Dao.
Chị Hồng cùng chiếc máy khâu đã cũ
Bố mẹ chị đã phải vất vả nuôi 10 người con khôn lớn, trưởng thành. Vì vậy, chị cùng các anh chị em chịu nhiều thiệt thòi từ bé do nhà đông con, gia cảnh kinh tế khó khăn. Lên 8 tuổi các khớp chân của chị Hồng đau nhức, chạy chữa một thời gian dài nhưng không khỏi, phải chịu đau đớn từng ngày và dần dần chân phải của chị teo nhỏ lại và tê liệt. Từ đó chị không được đi học như bạn bè, chỉ ở nhà làm việc nhà giúp gia đình.
Chị Hồng chia sẻ: “Từ khi sinh ra cho đến 7 tuổi mình vẫn khỏe mạnh bình thường, đến 8 tuổi thì chân đâu nhức, cả nhà chạy chữa nhưng không khỏi, từ đó mình bị liệt một chân, chân còn lại cũng không được khỏe như mọi người nữa rồi”.
Năm 18 tuổi chân chị bị đau lại, phải đi bệnh viện chạy chữa. Vì thương thương bố mẹ phải vất vả chạy vạy vay tiền chữa trị nên chị đã học cách di chuyển bằng chân còn lại khỏe hơn. Rồi cùng chiếc gậy trên tay, chị sang nhà hàng xóm học việc và làm thuê kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Ban đầu học cách làm, khó khăn và chậm chạp, nhưng rồi những cái túi, cái địu truyền thống, đai thắt lưng áo truyền thống của dân tộc tuy là vụng về nhưng đó là thành quả của sự nỗ lực hết mình. Chiếc địu và chiếc túi được làm từ vải màu xanh da trời và màu đen, có thêm dây đai được dệt từ những cuộn len đầy màu sắc rực rỡ.
Túi của người dân tộc Dao
Tích góp, chắt chiu từng đồng tiền cộng với số tiền trợ cấp ít ỏi 60 nghìn hàng tháng của nhà nước để trả nợ tiền thuốc chữa bệnh. Thấy việc đi lại của chị khó khăn, cô chủ nơi chị làm thuê động viên chị mua nguyên vật liệu tự làm ở nhà.Vậy là chị quyết định mở quán làm riêng. Theo thời gian cùng sự cố gắng, đôi bàn tay chị ngày càng trở nên khéo léo, những chiếc túi được làm với thời gian ngắn và đẹp hơn. Nghị lực cùng sự khéo léo của chị được nhiều người biết, họ đến mua và đặt hàng rất nhiều.
Em Hoàng Thị Lành, hàng xóm của chị Hồng nói: “Chị Hồng bị liệt một chân, việc đi lại và sinh hoạt rất khó khăn nhưng em thấy chi luôn luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.
Chị Hồng kể, ban đầu mới đi học việc cũng rất khó khăn, tất cả đều làm bằng tay, ngồi được không lâu là chân lại nhức. Nhưng từ khi mua được chiếc máy khâu, tuy không hiện đại nhưng ngồi trên ghế cao chân cũng ít nhức mỏi hơn. Mỗi lần như vậy chị cũng nản lòng nhưng nghĩ đến bố mẹ, anh chị hàng ngày đều phải lên nương trồng ngô, trồng lúa vất vả, lại được mọi người động viên nên chị tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn.
Căn nhà chị đang sống được xây dựng từ tiền trợ cấp của nhà nước và số tiền chị tiết kiệm được. Tính đến nay chị Hồng đã gắn bó 22 năm với nghề truyền thống của dân tộc, đôi bàn tay thoăn thoắt và điêu luyện như những người thợ lành nghề. Nhìn những hình ảnh ấy, ít ai biết được người phụ nữ kia đã phải kiên cường như thế nào để chống lại định mệnh khắc nghiệt, vươn lên kiếm sống bằng chính đôi tay lao động của mình. Hình ảnh ấy khiến cho chúng ta, những người trẻ tuổi hôm nay không khỏi suy nghĩ về những dự định tương lai và sự cống hiến sức lực cho đất nước của chính chúng ta, những con ngừoi khỏe mạnh và đang nhận được quá nhiều đặc ân của xã hội.
Triệu Trang
Lớp Phát Thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận