Người thầy với trái tim ấm áp thắp sáng những “vầng trăng khuyết”

(Sóng trẻ) - Dạy khiêu vũ thể thao (dancesport) cho người khiếm thị là thử thách lớn hơn nhiều so với dạy cho người sáng mắt. Tuy vậy, hơn 6 năm qua, huấn luyện viên Tô Văn Hòa đã kiên trì vượt qua khó khăn, xây dựng và duy trì lớp học khiêu vũ miễn phí cho người khiếm thị, bất kể thời tiết.

Từ bốn học viên đầu tiên, Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) đã lan tỏa niềm đam mê dancesport đến khắp các tỉnh thành, góp phần khơi dậy phong trào thể thao đầy ý nghĩa trong cộng đồng người khuyết tật trên cả nước. 

Lớp Dancesport “đặc biệt”

Mỗi sáng thứ Tư và thứ Sáu, ngôi nhà tại số 49, ngõ 64 đường Nguyễn Lương Bằng – trụ sở Hội Người mù quận Đống Đa, Hà Nội – lại tràn ngập âm nhạc và tiếng cười rộn rã. Trên sàn gỗ mới được cải tạo, thay thế cho lớp gạch cũ kỹ, hơn 20 học viên của Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) tự tin sải bước, nhảy múa đầy duyên dáng, dù không thể nhìn thấy từng điệu nhảy. Trong vai trò huấn luyện viên, anh Tô Văn Hòa luôn cẩn thận chỉnh sửa từng động tác, biểu cảm của học viên, giúp họ hoàn thiện từng bước chân một cách tự nhiên nhất.

Chứng kiến cách anh Tô Văn Hòa kiên nhẫn sửa từng chi tiết nhỏ, có thể thấy được tâm huyết và lòng nhiệt thành của anh với học trò của mình. Mỗi học viên khiếm thị đều phải vượt qua rào cản của bản thân để tiếp cận bộ môn này, và điều đó khiến anh Hòa – một “kiện tướng dancesport” – thật sự cảm động.

khieu-vu-5.jpeg
Người thầy thắp sáng những vầng trăng khuyết tại lớp học đặc biệt. (Ảnh: Ngọc Dung).

Anh Tô Văn Hòa chia sẻ rằng, khác với các lớp học thông thường, lớp dạy cho người khiếm thị yêu cầu giáo án linh hoạt, mỗi buổi học đều phải điều chỉnh theo tâm lý và khả năng của học viên. Biết rằng người khiếm thị thường tự ti và gặp nhiều khó khăn hơn, anh lồng ghép những câu chuyện hài hước vào buổi học để tạo bầu không khí thoải mái, giúp học viên tự tin hơn. Những bài tập, vì vậy, thường kéo dài hơn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và cố gắng gấp nhiều lần từ cả học viên và người dạy.

Ban đầu, các học viên còn lóng ngóng với các động tác chưa chuẩn, nét mặt thiếu tự nhiên, nhưng dần dần, qua thời gian, họ đã có thể thực hiện các bước nhảy dancesport đúng kỹ thuật, tiếp cận được với những chuẩn mực mới và hiện đại trong bộ môn này. Từ những buổi tập đơn giản, giờ đây, các học viên đã tự tin trình diễn tại các sự kiện do Hội Người mù TP Hà Nội và Hội Người mù Việt Nam tổ chức, tạo nên hình ảnh vũ công chuyên nghiệp.

khieu-vu-7.jpeg
Hầu hết các học viên đều có thể tự tin trình diễn tại các sự kiện do Hội Người mù TP Hà Nội và Hội Người mù Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Ngọc Dung).

Một cột mốc quan trọng là cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” (PASS) vào ngày 4/4/2021, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam dành riêng cho người khiếm thị. Cuộc thi đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa hình ảnh đẹp của cộng đồng khiếm thị, nhận được sự quan tâm từ cả trong nước và quốc tế. Qua hai mùa giải vào các năm 2021 và 2022, chương trình tiếp tục truyền tải thông điệp tích cực, thúc đẩy phong trào dancesport cho người khiếm thị trên cả nước. Đến năm 2023, Hội Người mù Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Paralympic và Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam tổ chức “Cúp các CLB khiêu vũ thể thao người khiếm thị” với quy mô lớn hơn, thu hút gần 80 vận động viên khiếm thị từ các tỉnh thành trên toàn quốc.

Năm nay, cuộc thi mang tầm vóc quốc gia với tên gọi “Hội thi các CLB khiêu vũ thể thao người khiếm thị toàn quốc” năm 2024, được tổ chức bởi Hội Người mù Việt Nam, phối hợp cùng Ủy ban Paralympic Việt Nam và Liên đoàn Khiêu vũ Thể thao Việt Nam. Dự kiến, sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 20/11/2024 tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

“Sau 4 mùa tổ chức, các vận động viên khiêu vũ từ sàn tập cơ sở địa phương sẽ có cơ hội bước lên sàn đấu quốc tế tại ParaGames. Việt Nam sẽ tạo dấu ấn đầu tiên trong lịch sử ParaGames, có môn khiêu vũ thể thao dành cho đối tượng khiếm thị thể hiện nỗ lực của cộng đồng người yếu thế trong hành trình phát triển và tỏa sáng” – bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ.

Với khát vọng đưa bộ môn dancesport dành cho người khiếm thị trở thành môn thi đấu chính thức tại ParaGames, thầy và trò của CLB Solar Dancer đã nỗ lực không ngừng. Họ đã truyền lửa đam mê và lòng nhiệt huyết, giúp những người không may mắn về thị giác vươn lên trở thành những vũ công điêu luyện. Không chỉ dừng lại ở đây, các học viên còn nuôi hy vọng trở thành những vận động viên chuyên nghiệp trong tương lai, mở ra những cơ hội lớn hơn cho cộng đồng người khiếm thị trong thể thao.

Ánh sáng từ những bước chân khiếm thị

Mang theo niềm khát khao lan tỏa niềm đam mê đến cộng đồng, huấn luyện viên Tô Văn Hòa cùng các học viên khiếm thị tại SoLaR đều miệt mài luyện tập mỗi ngày. Với các học viên khiếm thị, đôi khi họ đến lớp muộn hay vắng mặt trong những ngày mưa gió, nhưng thầy Hòa luôn đến sàn tập đúng giờ, không ngại khó khăn. Nhờ sự tận tụy và đam mê của người thầy, các học viên ở Hà Nội như anh Đỗ Xuân Quang, chị Đỗ Thúy Hà, và anh Vũ Thủy đã đạt nhiều thành tích ấn tượng trong bộ môn dancesport. Đặc biệt, anh Đỗ Xuân Quang đã giành Huy chương Vàng hạng E1 tại giải vô địch khiêu vũ thể thao quốc tế Hà Nội mở rộng năm 2019, Huy chương Vàng tại giải Linh Anh, Huy chương Đồng tại giải Hanoi Stars Open Dancesport C, và anh vẫn không ngừng tập luyện để chinh phục các mục tiêu mới.

Từ lớp học miễn phí tại Hà Nội, phong trào dancesport đã lan rộng đến các hội viên Hội Người mù tại nhiều tỉnh, thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Cao Bằng, và TP Hồ Chí Minh. Các lớp học khiêu vũ ngày càng thu hút đông đảo học viên, như Hà Nội với hơn 100 người tham gia, Bắc Ninh cũng hơn 100 học viên, Thái Bình trên 100 người, Cao Bằng có 15 học viên, Bắc Giang hơn 10 người, và TP Hồ Chí Minh với gần 50 học viên. 

khieu-vu-9.jpeg
“Đối với người bình thường chỉ cố gắng 1 thì những người khuyết tật phải cố gắng 10. Bởi thế các bài tập kéo dài hơn thường lệ. Nhưng cách mà các bạn người khuyết tật vượt ra khỏi vùng an toàn để tiếp cận bộ môn thể thao mới khiến cho tôi thật sự xúc động" - HLV, Kiện tướng Dancesport Tô Văn Hoà. (Ảnh: Ngọc Dung)

 

Trên hành trình mang dancesport đến với cộng đồng khiếm thị, nhiều học viên đã gọi thầy Tô Văn Hòa là “người thầy có trái tim mặt trời” bởi sự nhiệt huyết và yêu thương mà thầy mang đến. Với chị Dương Thanh Hiền, thầy Hòa còn là “Mặt trời của SoLaR,” người đã giúp chị và các học viên khác tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Trước đây, chị Hiền là người bình thường nhưng một tai nạn giao thông nghiêm trọng đã khiến chị mất đi ánh sáng. Sau một năm nỗ lực điều trị, chị đã biết đến CLB Solar Dancer, và từ đó tìm thấy niềm tin, động lực, cũng như những người bạn có hoàn cảnh giống mình, giúp chị vượt qua tự ti và sống lạc quan hơn. 

“CLB Solar Dancer như ngôi nhà thứ hai để chữa lành, nơi những buồn, vui được sẻ chia, đồng cảm. Có những người ban đầu rụt rè, ít nói vì mặc cảm thì khi tham gia lớp học khiêu vũ thể thao, họ được vun đắp bởi tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cùng nhau nỗ lực, cố gắng” – chị Dương Thanh Hiền bày tỏ.

Ngày 10/6/2024, huấn luyện viên Tô Văn Hòa tiếp tục mở lớp khiêu vũ thể thao dành cho trẻ khiếm thị tại số 7 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đối diện trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu – ngôi trường hòa nhập cho trẻ em khuyết tật. Với 35 học viên từ 6 đến 18 tuổi tham gia ngay từ buổi đầu, lớp học đặc biệt này không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận bộ môn dancesport mà còn hoàn toàn miễn phí, hướng đến ươm mầm những tài năng tương lai.

HLV Tô Văn Hòa chia sẻ, khó khăn lớn nhất là giúp các em hiểu ý nghĩa của khiêu vũ thể thao với cuộc sống, bởi nhiều em chưa ý thức rõ ràng do hạn chế về nhận thức và phần lớn đăng ký học theo mong muốn của gia đình. Với tinh thần tạo môi trường học tập sôi động và vui tươi, thầy Hòa sử dụng phương pháp giảng dạy gần gũi, đầy tiếng cười. Theo anh, “Nếu không thể cười cùng các em, mình sẽ không thể giúp được gì.” Nhờ cách tiếp cận này, nhiều học viên vốn e dè buổi đầu đã tự tin, vui vẻ hơn sau vài buổi học. 

khieu-vu-3.jpeg
Các học viên cảm nhận nguồn sống, sự hạnh phúc qua từng bước chân. (Ảnh: Ngọc Dung).

“Tôi muốn tạo môi trường cho các trẻ em được trải nghiệm, không đặt áp lực phải biết nhảy hay, nhảy giỏi mà muốn tạo sân chơi cộng đồng ý nghĩa để các có nhu cầu được sống như một người bình thường, dễ dàng hòa nhập cộng đồng, đặc biệt nếu cơ hội trở thành vận động viên khiêu vũ chuyên nghiệp tương” – HLV Tô Văn Hòa chia sẻ.

Lớp học còn có sự góp mặt của những trợ giảng nhiệt huyết như anh Vũ Thủy, anh Quang, chị Hiền, đều là những học viên xuất sắc của SoLaR. Các buổi học được tổ chức đều đặn tại cơ sở Hội Người mù quận Đống Đa, cơ sở Hội Người mù TP Hà Nội (quận Hà Đông), và số 7 Lạc Trung. Để phát triển phong trào này, HLV Tô Văn Hòa cùng học viên SoLaR đã tự bỏ chi phí, đến các địa phương để truyền dạy khiêu vũ cho người khiếm thị, góp phần mang niềm vui và thể thao đến nhiều người khuyết tật trên cả nước.

khieu-vu-13-de-dau-hoac-cuoi-bai.jpeg
Lớp học đặc biệt. (Ảnh: Ngọc Dung).

Hiện tại, chính sách hỗ trợ người khuyết tật đã được triển khai thông qua "Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030," với nội dung nhấn mạnh vào việc phát triển phong trào thể thao cho nhóm đối tượng này. Dù vậy, người khuyết tật vẫn gặp không ít khó khăn khi tham gia thể thao, nhất là về điều kiện tập luyện và chế độ thù lao khi tham dự các cuộc thi. Phần lớn các hoạt động vẫn phụ thuộc vào ngân sách của từng đơn vị và địa phương. Ngoài ra, sự phân bổ giáo viên, huấn luyện viên cho môn khiêu vũ thể thao chưa đồng đều, dẫn đến việc nhiều nơi thiếu người hướng dẫn và còn thiếu các phương pháp tiếp cận phù hợp với cộng đồng khiếm thị.

Con đường đưa dancesport trở thành môn thi đấu tại ParaGames vẫn còn nhiều chông gai, đòi hỏi thêm sự chung tay từ các cơ quan và tổ chức để hỗ trợ địa điểm và kinh phí cho các VĐV khiếm thị. Đáng chú ý, trong lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi “Bước nhảy xóa bỏ mọi khoảng cách” đã thu hút sự quan tâm và đánh giá cao từ Ủy ban Paralympic Việt Nam. Đây là cuộc thi đặc biệt trên thế giới dành riêng cho người khiếm thị, khi hiện chỉ có các giải dành cho người khuyết tật ngồi xe lăn.

Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 hiện đang tạo ra nền tảng quan trọng cho phong trào thể thao dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức, từ vấn đề kinh phí cho đến thiếu hụt giáo viên và huấn luyện viên chuyên biệt. Trong hành trình lan tỏa tình yêu với dancesport, HLV Tô Văn Hòa như người gieo “hạt nắng” cho những mảnh đời bất hạnh, giúp họ tìm thấy niềm vui và hy vọng mới trong cuộc sống. Câu chuyện về thầy Hòa cùng học viên SoLaR không chỉ lan tỏa trong cộng đồng người khiếm thị mà còn trở thành  "ánh sáng thứ hai” trong cuộc đời họ.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN