(Sóng trẻ) - Trẻ em là đề tài hấp dẫn, thú vị với nhiều nhà báo, phóng viên, đặc biệt là nhà báo trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng biết tiếp cận, làm việc và đưa tin về trẻ em một cách thuận lợi, đúng đắn. Hãy cùng Sóng trẻ lắng nghe kinh nghiệm, lời khuyên của một số chuyên gia, nhà báo… và tâm sự của chính các bạn nhỏ, để có thể viết những tác phẩm hay hơn, ý nghĩa hơn.
Phỏng vấn trẻ em – không phải việc dễ dàng
Em L. (18 tuổi), có cha mẹ li dị từ khi còn nhỏ, hoàn cảnh cuộc sống hiện giờ khá khó khăn. Khi được hỏi: “Giả sử như có phóng viên tới hỏi chuyện em về vấn đề gia đình, liệu em có thấy thoải mái không?”, L. đã thẳng thắn trả lời: “Nếu như câu chuyện đã xảy ra rồi, có đưa lên mặt báo cũng chẳng giải quyết được gì thì em không thích”.
Nhưng em cũng nói thêm: “Tuy thế, câu chuyện lên báo mà lại có thể giúp thay đổi điểu gì đó, làm cho hoàn cảnh khá hơn thì có lẽ cũng không quá tệ. Hoặc là em nghĩ mình sẽ thấy dễ chịu hơn nếu nhắc về nó một thời gian sau khi việc buồn của gia đình đã diễn ra”.
Trong khi đó, em T. (12 tuổi) lại không thích… “bị” phỏng vấn trong các sự kiện do trường mình tổ chức, bởi vì: “Các anh chị phóng viên toàn hỏi là “Em có thích không, có vui không”, nhưng có những chương trình em lại thấy không hay, không thích lắm, em không biết trả lời như thế nào cả”.
Trẻ em cũng có những câu chuyện của riêng mình và không phải lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ
(ảnh minh họa)
Tâm lý trẻ em và lời khuyên của chuyên gia xã hội học
Nói về tâm lý của đối tượng trẻ em, bà Thanh Mai - một nghiên cứu viên độc lập chuyên ngành Xã hội học, cho biết: “Nhìn chung trẻ em hiện nay tự tin hơn lớp trước. Và đặc biệt các em thích thể hiện mình. Đa số các em đều muốn làm được một việc gì to lớn, muốn khẳng định mình ngay nên đôi khi sự chuẩn bị chưa được kỹ càng. Các em dễ bị vấp, thất bại, dễ dẫn đến sự bức xúc, chán nản…
Đối với những trẻ em hoàn cảnh khó khăn, do bạn bè xung quanh có vẻ nổi bật hơn trong khi trẻ có gia đình khó khăn không có điều kiện đó, các em dễ cảm thấy tự ti, dẫn đến việc ít giao tiếp với môi trường xung quanh, dễ dẫn đến tự kỷ.
Một trường hợp khác là trẻ hoàn cảnh khó khăn do thấy điều kiện sống của mình khác các bạn, không thể bằng các bạn nên để chống đối lại sự khác biệt ấy, các em tỏ ra bất cần. Điều này cũng là nguyên nhân để các em dễ va vào các hiện tượng xã hội.”
Lời khuyên của NCV Thanh Mai cho các phóng viên trẻ là: “Khi tiếp xúc với các em, do sự khác biệt về tuổi tác nên khó hòa đồng, khó hiểu được tâm lý các em. Đối với những em dễ bị tổn thương thường rất khó tiếp xúc vì các em luôn né tránh, giữ kín sự thua thiệt của mình”.
Muốn các em trao đổi thân thiện với mình: trước tiên phải hòa đồng, tỏ ra hiểu biết môi trường của các em, các ngôn từ các em thường sử dụng, hỏi thăm những vấn đề đời thường trong cuộc sống, như: “Con ăn cơm chưa, ăn mấy bát, ăn với gì,…” từ đó sẽ lái dần sang vấn đề mình hỏi. Tuyệt đối không đột ngột đi vào vấn đề cần hỏi mà dẫn dắt và gài các câu hỏi vấn đề tế nhì. Cần luôn tỏ ra tôn trọng các em. Ví dụ: “Cô xin lỗi hỏi con câu hỏi, hơi tế nhị chút thôi, con có thể trả lời mà không cũng được nhé…”.
Chia sẻ của nhà báo về việc tiếp cận, phỏng vấn trẻ em
Khi được hỏi về các “mẹo”, bí quyết nào khi tiếp cận với trẻ em, khơi dậy sự tự tin, hứng khởi khi trả lời của trẻ, BTV Đặng Nhung của kênh VTV3 chia sẻ: “Bí quyết là trước khi phỏng vấn trẻ em thì nên chơi với chúng thật tự nhiên, thoải mái. Dẫn dắt trẻ con bằng những thứ gần gũi trong đời thường, từ câu đơn giản con tên gì, con thích ăn cái gì, con vật nào con thích, vì sao nào?... Hỏi những câu không liên quan gì mấy đến việc phỏng vấn đôi khi lại tốt cho phỏng vấn vì khi trẻ con đã xem mình là bạn thì hỏi những cái tiếp theo sẽ dễ hơn.”
Trở thành người bạn và tôn trọng suy nghĩ, ý kiến các em nhỏ
(ảnh minh họa)
Theo nhà báo Đặng Nhung, điều quan trọng nhất khi tiếp cận các em là: “phải nắm được tâm lý các em nhỏ, phải làm người bạn tâm tình của chúng. Với trẻ nhỏ thì phải biết vui đùa, tạo không khí thân mật, dễ thương. Làm sao cho không khí thoải mái nhất. Vì trẻ con chỉ trả lời được câu hỏi ngắn và đơn giản cho nên cách hỏi cũng phải chú ý.
Cuối cùng, đừng bao giờ gượng ép trẻ con phải trả lời theo ý của chúng ta. Những suy nghĩ ngộ nghĩnh và chân thật của trẻ con mới là đúng tuổi của chúng. Bắt học thuộc một cách giả tạo thì khán giả xem sẽ biết ngay. Cứ chân thật, vui vẻ và tự nhiên khi phỏng vấn trẻ con. Đó là sự thành công”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Oanh – GV khoa Báo chí, HVBC&TT; Tổng thư ký tòa soạn CMVN (Children and Media in Vietnam): Với các em nhỏ có điều kiện đặc biệt, chúng ta không nên đặt ra cho các em quá nhiều hi vọng không thực tế, những hứa hẹn mà chúng ta không chắc có thể làm… Điều đó mang lại hậu quả tinh thần cho các em – những trẻ em vốn thiệt thòi, rằng: các em bị lừa, bị coi thường… Chúng ta hãy nói về những điều tươi sáng, song thực tế; được quyền chia sẻ, song không được an ủi cho có…
|
Hạnh Dung – Ngọc Bích