Người trẻ và trào lưu "chữa lành"

(Sóng trẻ) - “Trào lưu” chữa lành trong giới trẻ, thoạt nhìn là một phương thức để xoa dịu thương tổn, nhưng rất có thể để lại nhiều những hệ quả không tốt.

Khi chữa lành trở thành “mốt”

Ngày nay, với sự phổ biến của khái niệm sức khỏe tâm thần, đặc biệt là thông qua mạng xã hội, thuật ngữ “healing” (tạm dịch: chữa lành) đã trở thành cụm từ quen thuộc trong giới trẻ. 

Mặc dù góp phần làm tăng nhận thức về sức khỏe tâm thần, nhưng chính sự phổ biến này đã khiến các thuật ngữ khoa học bị sử dụng thiếu cân nhắc với tần suất cao, làm sai lệch bản chất của chúng. Khi bị lạm dụng và biến tướng, chữa lành trở thành một “mốt” thời thượng. Nhiều bạn trẻ sử dụng cụm từ này mà không thực sự hiểu rõ ý nghĩa sâu xa đằng sau nó. 

Ngân Giang (sinh viên năm tư Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) là một bạn trẻ đi làm thêm từ rất sớm. Giang chia sẻ, khối lượng công việc lớn cùng với bài tập trên lớp khiến cô liên tục rơi vào tình trạng “quá tải”. Những lúc như vậy, Giang tắt hết các thông báo trên mạng xã hội để tránh áp lực. 

32f090f4-7231-448a-ad62-efeb2dae8027.jpg
Ngân Giang (21 tuổi), hiện là sinh viên chuyên ngành Marketing thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: NVCC).

 

“Mình thấy sợ thông báo công việc dồn dập nên đã tắt hết chúng và dành thời gian cho bản thân. Những lúc như vậy, mình đi chơi, chơi game hoặc đọc sách và coi đó là chữa lành. Dần dần điều đó trở thành thói quen, cứ mỗi lúc mình chán nản thì mình sẽ cắt đứt liên lạc với tất cả mọi người.

Tuy nhiên, những lúc mình “chữa lành” xong và quay trở lại thì mọi thứ còn tệ hơn. Công việc vẫn chưa được giải quyết, mình thường xuyên bị cấp trên và bạn chung nhóm phản ánh vì hay “biến mất” bất thình lình… những điều đó càng khiến tâm trạng mình trở nên tồi tệ. Từ đó, mình nhận ra rằng không thể lấy việc “chữa lành” để bao biện cho sự trốn tránh, vô trách nhiệm với công việc”, Giang chia sẻ.

Cũng như Ngân Giang, bạn Thùy Linh (sinh viên năm 4, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) là một bạn trẻ thường xuyên gặp áp lực trong công việc và học tập. Tuy nhiên, Thùy Linh chọn chữa lành cho bản thân bằng cách xem tarot để phần nào “biết trước” tương lai.

Thùy Linh cho biết: “Mình thường xuyên tìm đến tarot khi cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Những lúc đó, nếu lá bài tarot nói rằng sắp tới mình có tin vui thì đó sẽ là lời an ủi rất lớn với mình. Còn nếu không thì sẽ là “nghịch hành” do sự di chuyển của các vì sao… chứ không hẳn là lỗi do mình. Sau khi nghe như vậy, mình cảm thấy được động viên rất nhiều”.

Tuy nhiên, việc “lạm dụng” tarot để chữa lành khiến Thùy Linh mất đi sự chủ động trong cuộc sống. Dần dần, nữ sinh cho rằng mọi vui buồn trong cuộc sống sẽ có sự can thiệp của các yếu tố tâm linh chứ không phải do bản thân. Ngoài ra, việc xem tarot thường xuyên khiến Linh tốn một khoản tiền không nhỏ. 

Chuyên viên Tâm lý, Ths. Nguyễn Văn Tú (Đại đức. Thích Quảng Ngộ) giải đáp: “Xét theo góc độ khoa học tâm lý, “chữa lành” là một quá trình chủ động và tích cực, hướng đến sự hồi phục cả về cảm xúc và tinh thần. Hay ở nghĩa sâu xa hơn, đây là quá trình tự nhìn nhận bản thân, đương đầu với những trải nghiệm khó khăn và tìm cách phục hồi tâm lý để có một cuộc sống lành mạnh.”

anh-1.jpg
Theo ĐĐ. Thích Quảng Ngộ, chữa lành là quá trình hồi phục cả về cảm xúc và tinh thần (Ảnh: NVCC).

 

Bên cạnh đó, Đại đứcThích Quảng Ngộ cho rằng việc “thần thánh hóa chữa lành” đã khiến không ít người rơi vào cái bẫy của sự nghỉ ngơi thái quá, từ chối đối diện với thực tế. Dần dần, họ mất đi khả năng đối mặt với thử thách, thiếu ý chí, trách nhiệm. Họ dùng việc “chữa lành” để biện minh cho những hành vi trốn tránh và tiêu cực của bản thân.

Phương thức “chữa lành”

Suy cho cùng, khi một cơ thể “gặp nạn”, cơ thể ấy mới cất lên những hồi kêu cứu. Tình trạng những bạn trẻ ngày càng lún sâu vào việc tìm kiếm cơ hội “chữa lành” cũng chính là những hồi chuông phản ánh mạnh mẽ nhu cầu được lắng nghe, được hỗ trợ về các vấn đề tâm lý. 

Ths. Tâm lý Nguyễn Hải Uyên, thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam dành lời khuyên cho các bạn trẻ: “Thay vì chỉ tập trung vào khía cạnh “chữa lành”, người trẻ nên dành sự chú ý nhiều hơn cho việc chăm sóc và lắng nghe bản thân mỗi ngày, biết ghi nhận và trân trọng từng nỗ lực nhỏ trong hành trình cải thiện sức khỏe tinh thần.

Đây là một tiến trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên trì và có những lúc không tránh khỏi thử thách. Đừng đặt áp lực lên bản thân phải “lành” ngay lập tức, điều quan trọng là ta biết cách đối diện và thấu hiểu thương tổn của mình”. 

Khi ấy, chữa lành không chỉ là một khái niệm mơ hồ hay một trào lưu nhất thời, mà sẽ trở thành một hành trình đầy ý nghĩa. Đó là hành trình để hàn gắn những tổn thương từ quá khứ, xoa dịu những nỗi đau của hiện tại, và tạo dựng một nếp sống lành mạnh, đầy hy vọng trong tương lai. 

anh-2.jpg
Theo ThS. tâm lý Nguyễn Hải Uyên, thay vì chú trọng vào cụm từ “chữa lành” thì bạn trẻ nên chú trọng vào việc lắng nghe bản thân mình (Ảnh: NVCC).

 

Theo đại đức Thích Quang Ngộ, để việc chữa lành được diễn ra hiệu quả thì cần sự chung tay của cả gia đình và xã hội. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất của quá trình này vẫn là bản thân người đang cần “chữa lành”.

Đầu tiên, giới trẻ cần xây dựng thói quen tự nhận thức và tự điều chỉnh. Điều này giúp họ phân biệt được khi nào thực sự cần thời gian để chữa lành và khi nào cần đương đầu và vượt qua thử thách. Cần nhấn mạnh rằng sự phục hồi thật sự xảy ra khi chúng ta có thể đối diện và xử lý vấn đề thay vì né tránh. Từ đó tạo ra thói quen làm việc có kế hoạch và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

Ngoài ra, giới trẻ cũng cần tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết. Thay vì tự "chữa lành" theo cách chủ quan, sự hỗ trợ từ các nhà trị liệu hoặc chuyên gia tâm lý có thể giúp họ giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn và giảm thiểu các rủi ro khi lạm dụng “chữa lành” mà không có hướng dẫn.

Một điều rất quan trọng nữa là kỹ năng chọn lọc thông tin từ mạng xã hội. Không phải mọi lời khuyên về chữa lành trên mạng xã hội đều chính xác hoặc phù hợp với mọi người. Khuyến khích các bạn trẻ chọn lọc thông tin từ những nguồn đáng tin cậy, đặc biệt là các chuyên gia tâm lý uy tín.

Bên cạnh đó, các trường học, tổ chức xã hội và gia đình có thể đóng vai trò trong việc phổ biến kiến thức về chữa lành và giúp giới trẻ hiểu rằng “chữa lành” là một quá trình tích cực, bao gồm cả sự tự nhận thức và phát triển kỹ năng đối phó. 

Những người thân thiết cũng là một trong những yếu tố cần thiết cho hành trình chữa lành của người trẻ. Gia đình và bạn bè có thể đóng vai trò là nơi an toàn để các bạn trẻ chia sẻ khó khăn, nhận được lời khuyên tích cực và những hỗ trợ cần thiết. Việc này cũng giúp họ không phải dựa dẫm vào chữa lành như một cách duy nhất để giải tỏa mà còn có thêm sự đồng hành từ những người thân yêu.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN