Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và hai mươi năm sống trong sự mê dụ của phóng sự
(Sóng trẻ) - "Nơi đây, xem như là cái nhà kho của một gã lang thang, chứa những cóp nhặt trên dặm trường gió bụi…" Đó là những câu chữ đầu tiên trên trang blog cá nhân của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Hai mươi năm bươn bải trong cái sự nghiệp viết phóng sự đầy mê dụ, Đỗ Doãn Hoàng vẫn giữ được trong mình cái khí thế, cái máu lửa như hồi anh mới bước chân vào nghề báo.
"Hơn 12 con giáp gắn bó với báo Lao Động và mảng phóng sự, đôi lúc tôi tự hỏi, nghề viết sẽ đưa mình đến đâu. Và bất chấp để xông pha vào những “hang ổ”, những miền đất “tận cùng” đó, có gì mà hấp dẫn mình lâu đến thế. Trang viết, cũng như cuộc đời, bao giờ cũng thế, nó luôn thắp lên trong người ta cái khát vọng được đi đến tận cùng của cảm xúc và sự chứng thực. Dẫu phải đánh đổi đi nữa. Đến một ngày tôi nhận ra vẻ đẹp và sự mê dụ của những chuyến đi như thế. Nó giống như sự hiếu thắng rất Người, nó giống như những khát vọng kiêu hùng của tuổi trẻ. Nó còn là nghề và nghiệp." - ( Đỗ Doãn Hoàng: Phóng sự - nỗi mê dụ của “tận cùng, hang ổ” trên báo Lao Động ngày 14-08-2017)
PV: Kính chào nhà báo Đỗ Doãn Hoàng! Anh vừa trở về từ một chuyến đi nào đó phải không?
Đúng vậy! Tôi vừa trở về từ rốn lũ Mường Bang thuộc huyện Phù Yên tỉnh Sơn La.
PV: Anh cứ bay như "cánh chim rừng không mỏi vậy". Trở về từ chuyến đi lần này chắc hẳn anh có nhiều câu chuyện muốn chia sẻ tới mọi người?
Được đi viết báo đó là một đặc ân với cuộc đời của tôi. Nhờ có nghề báo mà tôi được gặp những con người tôi chưa bao giờ gặp, được đến những nơi tôi chưa bao giờ được đặt chân đến nơi đó. Tôi biết ơn nghề báo vì điều đó.
Chuyến đi lần này của chúng tôi đến xã Mường Bang, một nơi vừa trải qua trận mưa lũ lịch sử. Bạn có thể tưởng tượng là đường đi vào rất khó vì bị cô lập. Đất đá sạt xuống đường, có những tảng đó to như tấm phản và chúng tôi phải sử dụng xe máy và đi bộ mới có thể tiếp cận được rốn lũ. Tại nơi đó thì đúng là một thảm cảnh, một xã mà có tới chín ngôi nhà biến mất hoàn toàn sau một đêm. Bạn có thể tưởng tượng là có những người chỉ kịp vơ vội bộ quần áo và chạy ra khỏi nhà, nhìn dòng nước lũ nuốt chửng ngôi nhà và toàn bộ đồ đạc. Có chứng kiến mới thấy được sự tàn khốc của thiên tai.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là một cây bút phóng sự điều tra nổi tiếng của báo Lao động
PV: Trong cuộc đời làm báo của anh, anh đã có nhiều chuyến đi để đời và nhiều loạt bài thành công, gây được tiếng vang trong xã hội. Vậy đâu là kỷ niệm mà anh nhớ nhất?
Đời làm phóng sự của tôi, đã được Lao Động đưa đi đến những miền hoang thẳm và xa ngái bậc nhất địa cầu. Những cuộc phá rừng, đào quặng khủng khiếp nhất, ở những hang ổ huyền thoại nhất, tôi đều may mắn và có gì đó chua xót được (phải) chứng kiến. Anh Giang, khi là giám đốc khu Bảo tồn Tà Xùa (Sơn La) đã cùng thuộc cấp xách súng AK, súng K54, đưa tôi đi bộ leo núi cả tuần để “xem” người ta làm ổ trong rừng già chặt pơ mu. Họ chặt nửa tháng mới hạ đổ một đại thụ pơmu đường kính đến 2m. Họ hút thuốc phiện và làm nhiều điều lục lâm thảo khấu trong đó.
Tôi lạc vào những vương quốc pơmu giàu có nhất của nước Việt Nam, ở dãy Hoàng Liên Sơn, nóc nhà toàn cõi Đông Dương. Tôi biết thế nào là nỗi đau từng miếng gỗ đẽo gọt mòn vẹt trên vai thon thiếu nữ Thái. Thế nào là chợ pơmu họp giữa đại ngàn như thổ phỉ, hương gỗ mới đẵn thơm ngát như hương trầm tống tiễn những báu vật thiên nhiên của đất nước ông bà. Công an, kiểm lâm bị phóng sự của chúng tôi tố cáo và nhiều người dính “án” nặng.
PV: Hai mươi năm làm báo và gắn bó với thể loại phóng sự. Anh được độc giả và đồng nghiệp phong là "Vua phóng sự đất Bắc". Vậy theo anh đâu là sức hấp dẫn của phóng sự?
Tôi không dám nhận danh hiệu đó đối với tôi kết quả và giá trị của lao động báo chí nằm ở vấn đề tác phẩm đó giải quyết vấn đề xã hội như thế nào. Còn đối với phóng sự theo tôi nó hấp dẫn ở mấy điểm sau:
Thứ nhất là tính chiến đấu của nó. Có thể nói không có thể loại nào có sức chiến đấu mạnh hơn phóng sự. Phóng sự là đi đến tận cùng để giái quyết vấn đề để tìm được một lối ra cho những vấn đề mả xã hội quan tâm, giúp được cộng đồng, giúp được người dân.
Thứ hai nó là một thể loại rất là khó, nó thể hiện được đẳng cấp của người viết. Để viết được phóng sự thì phải có một chút gì đó tố chất. Cho nên nó rất hấp dẫn người viết và người đọc. Quan trọng là nó tìm ra được một lối ra cho vấn đề,kiến nghị rồi chính sách. Cho nên nó rất hấp dẫn những nhà báo giỏi.
Thứ ba đối với độc giả phóng sự nó sẽ giải quyết cho bạn tất cả mọi thứ. Nó không chỉ dừng lại ở phản ánh vấn đề mà nó còn tìm được lối ra cho vấn đề đó. Người đọc sẽ thích một bài viết mà có đầy đủ góc cạnh, có vấn đề và có cả giải quyết vấn đề.
Phóng sự là niềm mê dụ trong cuộc đời làm báo của anh
PV: Anh là một nhà báo nổi tiếng nhờ những loạt bài phóng sự và phóng sự điều tra. Sau hai mươi năm hoạt động báo chí và giảng dạy anh có thể đúc rút được: Như thế nào là một tác phẩm phóng sự (điều tra) tốt?
Phóng sự tốt nó phải có một nội dung và đa chiều: đưa ra được vấn đề , giải thích được vấn đề, kiến nghị được vấn đề và tìm được lối ra cho vấn đề đó. Bên cạnh đó thì phải có cảm xúc có ảnh tốt, clip tốt. Tóm lại là nó phải đi đến tận cùng của vấn đề. Nó thể hiện được đẳng cấp về nội dung và nghệ thuật sử dụng câu chữ.
Phóng sự còn được gọi là sự giao thoa giữa báo chí và văn học tức là nó vừa phải có tính thông tin lại vừa có tính nghệ thuật. Điều này nó đáp ứng được cả về mặt tri thức lẫn cảm xúc của độc giả. Nhưng tri thức và cảm xúc đó phải dựa trên những điều có thật mà nhà báo tận mắt chứng kiến, tận tai nghe thấy và phân tích, lập luận dựa trên cơ sở khoa học. Tôi có nói với nhiều sinh viên rằng nếu để viết một phóng sự thì em cần phải đến tận nơi để có cảm xúc. Cảm xúc là thứ mà không một ai giống một ai. Theo tôi một phóng sự hay phải dung hòa được hai điều đó: Vừa hấp dẫn lại vừa phải chính xác và quan trọng nhất mà tôi luôn luôn phải nhắc đến đó là giải quyết được vấn đề.
Những tuyến bài phóng sự và phóng sự điều tra của anh luôn có tác động nhất định đến xã hội
PV: Vậy theo anh trong một tác phẩm phóng sự (điều tra) thì yếu tố nào quan trọng nhất để làm nên sức hút của tác phẩm?
Yếu tố quan trọng nhất trong một bài phóng sự là phải hướng đến một đề tài người ta thực sự quan tâm nôm na là người ta nhìn thấy phải đọc. Để cho người ta đọc người ta không thấy phí công bài báo phải đi đến tận cùng của vấn đề. Làm sao mà sau khi đọc bài viết họ làm giàu được tri thức của mình,làm giàu được tâm hồn của mình.
Và đặc biết đấy là nơi nhà báo được đưa ra chính kiến của mình khi chiến đấu vì các giá trị của cộng đồng. Nếu nhà báo mà chiến đấu tốt vì các giá trị của cộng đồng thì nhà báo ở một đẳng cấp cao hơn. nhà báo có thể kiến nghị các chính sách. Nhà báo có thể đưa vào Quốc Hội, đưa lên Chính phủ, đưa lên tỉnh để làm sao làm trong sạch xã hội và giải quyết được các vấn đề bức xúc của người dân. Nói tóm lại đó là tác động đến xã hội của tác phẩm đó.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị các đối tượng xấu hành hung trên đường đưa con đi học năm 2016
PV: Trong suốt từng đấy năm làm báo, anh đã dìu dắt không ít những sinh viên, phóng viên, nhà báo ...trong nghiệp viết phóng sự. Theo anh để viết được phóng sự và phóng sự điều tra, nhà báo phải chuẩn bị những kỹ năng gì?
Nhà báo muốn viết phóng sự hay phải có hiểu biết xã hội và có sự dấn thân điều tra đến nơi đến chốn. Nhà báo phải cảm xúc cuộc sống tốt và có trách nhiệm đối với độc giả, khán thính giả của mình. Nó giống như bạn đưa cho độc giả một mâm cơm nn, lành, sạch sẽ và an toàn. Câu chữ, văn phong, chi tiết, câu chuyện...đáp ứng được tất cả các yếu tố như đạo đức, nghiệp vụ, quan điểm chính trị...kích thích được cái ham hiểu biết của độc giả, chiến đấu vì bất công và nỗi đau của cộng đồng
Đối với nhà báo điều tra thì kỹ năng quan trọng nhất là điều tra. Tức là tác phẩm đó phải mang tính điều tra, có dấn thân, có điều tra, có khám phá và quan trọng nhất là nó phải giải quyết được vấn đề. Ví dụ như một nhà báo phản ánh thì có cái gì thì họ phản ánh cái đấy, một nhà báo phỏng vấn thì họ trả lời như nào thì mình ghi thế đấy. Nhưng nhà báo điều tra thì phải tìm ra được cái mới đấy và quan trọng hơn cả là giải quyết được cái mới đấy. Cái mới đấy phải là cái mới mà xã hội đang cần, giải quyết các vấn đề xã hội. Tất cả phục vụ cho một xã hội lành mạnh và hướng đến xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Cũng còn một yếu tố nữa mà tôi muốn nhắc đến đó là sự đam mê, là lửa nghề và khát khao tìm ra sự thật. Nghề gì cũng vậy đặc biệt là nghề báo bạn phải thực sự yêu và đam mê nó, phải giữ lửa nghề luôn cháy hừng hực. Đôi khi đam mê nó là tất cả đối với một nhà báo.
PV: Mới đây làng báo vừa chứng kiến sự hi sinh của phóng viên Đinh Hữu Dư trong khi đi tác nghiệp mưa lũ. Và anh cũng đã có cuộc chia sẻ với cafe sáng VTV3. Anh có lời khuyên gì đối với các phóng viên, nhà báo đang làm trong những mảng nguy hiểm như xã hội, điều tra?
Tôi cũng đã trả lởi khá kỹ trong chương trình cafe sáng và tôi cũng đã đưa những ví dụ, những câu chuyện so sánh cách làm báo của nước ta với nước nài. Trong khi nhà báo tại Việt Nam chưa có những phương tiện hỗ trợ đắt tiền và hiện đại như nhà báo nước nài thì cách tốt nhất là phải tự bảo vệ mình. Và các tòa soạn cũng phải có trách nhiệm bảo vệ phóng viên, nhà báo của mình. Bảo vệ như thế nào ? Bảo vệ bằng cách phải tự trang bị những kiến thức giúp mình phòng thân như luật, chính sách xã hội, sơ cứu khi bị thương, đối phó với những tình huống đặc biệt...Những điều này tôi thấy rất ít tòa soạn trang bị cho phóng viên của mình. Nhiều khi họ chỉ đơn thuần là cứ đi mà không chuẩn bị gì cả mà thiên tai hay tiêu cực nó không chừa một ai. Bản thân tôi mặc dù rất cẩn thận nhưng cũng đã từng bị đối tượng xấu hành hung. Cho nên quan trọng nhất là phóng viên phải trang bị tri thức để tự bảo vệ mình và các tòa soạn cũng nên tổ chức những khóa học hay có cơ chế bảo vệ phóng viên, nhân sự của mình trước những tình huống nguy hiểm
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này, chúc anh có thật nhiều sức khỏe để thỏa sức đam mê với nỗi mê dụ mang tên phóng sự và cống hiến nhiều tác phẩm giá trị cho xã hội!
Ninh Vũ
Đa phương tiện K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận