Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân “Người mở đầu cho viết dấn thân của Báo Lao Động”

(Sóng trẻ) – Nhà Báo Huỳnh Dũng Nhân là một cây bút phóng sự trứ danh suốt những năm thập niên 90. Bằng cách ứng dụng văn chương khéo léo vào trong những tác phẩm báo chí, thể hiện bút pháp văn học trong các phóng sự của mình, rất nhiều bài viết của ông trở thành niềm say mê của bạn đọc. 

“Nêm nếm văn chương vào phóng sự cũng như nêm muối vào canh, nêm vừa đủ nồi canh sẽ ngọt” – Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có những chia sẻ như vậy khi có buổi giao lưu, trao đổi với sinh viên khoa Phát thanh – Truyền hình vào chiều ngày 22/9 vừa qua. 

4ca40cece_anh_1_1.jpg

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại buổi giao lưu với sinh viên khoa Phát thanh – Truyền hình

PV: Đầu tiên, xin phép được hỏi về nghề báo của thầy cũng như ngành nghề được nhiều bạn sinh viên đang theo đuổi. Thầy từng nói là “Nghề báo là nợ phải trả bằng đời”, thầy có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa câu nói này?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tôi cũng phải chia sẻ thành thật với các bạn, rằng một khi các bạn đã lựa chọn nghề báo, các bạn phải trả nợ đúng nghĩa và không có cái giá nào hơn bằng chính cuộc đời của mình. 

Khi mà tôi đi làm, tôi thường xuyên phải đi công tác xa, thường xuyên không có mặt tại cơ quan cho nên hầu hết mọi thông tin ở trong cơ quan tôi đều phải hỏi đồng nghiệp. Thế nhưng để khẳng định được bản thân và hoàn thiện một bài báo tốt thì mình phải chấp nhận. Nhiều người nói đùa tôi rằng “Mày đi làm gì cho nó khổ vậy?”, nhưng tôi nghĩ chỉ khi mình đi thì mình mới có một tác phẩm hay, một tác phẩm mang dấu ấn riêng của mình. 

Để nói về cái “nợ” ở đây, đó là cái nợ mà tôi phải trả bằng thời gian, bằng công sức, bằng tiền bạc, bằng sức khỏe. Người ta nói nghề báo có 3 cái tốn kém nhất đó là sức khỏe – tiền bạc – hạnh phúc. Nhưng bản thân mỗi người làm báo cần phải thể hiện trách nhiệm trong từng tác phẩm của mình, chúng ta chấp nhận “trả giá” để mang đến sự thật, để mang đến những thông tin độc quyền, sáng tạo và có chiều sâu. 

PV: Là một người chuyên viết về mảng phóng sự và có được những tác phẩm “hiện tượng” được nhiều bạn đọc yêu thích trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Thầy có thể chia sẻ sự khác biệt giữa sáng tạo một tác phẩm phóng sự so với các loại hình báo chí khác?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Như tôi đã chia sẻ rất nhiều trên facebook, các buổi giao lưu khác thì có sự khác biệt khi sáng tạo tác phẩm phóng sự so với các loại hình báo chí khác, có tới 5 sự khác biệt. Đầu tiên, người viết phóng sự trong một tờ báo là người tác nghiệp độc lập, tự nhà báo suy nghĩ, đề xuất, lựa chọn hình thức và xây dựng nội dung tác phẩm. 

Thứ hai, nếu như các loại hình báo như tin ngắn, tin sâu thường “có thế nào viết như thế ấy”, nhưng đối với phóng sự lại có thêm tính chủ quan của nhà báo. Đó là do nhu cầu của bạn đọc, họ không chỉ  muốn biết sự thật mà họ còn muốn tìm hiểu về những điều sâu kín bên trong một vấn đề. Từ quan điểm của nhà báo mà bài phóng sự có thể giúp cho người đọc có được cái nhìn khác, một cái nhìn toàn diện hơn. 

Thứ ba, người làm phóng sự đòi hỏi một sự toàn diện, tức là vừa có thể phỏng vấn, quan sát, viết, tác nghiệp, sử dụng các phương tiện. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là họ phải biết thể hiện những gì họ cảm, họ nghĩ, họ thấy vào bên trong tác phẩm của mình.  Đó cũng chính là điều làm nên điểm khác biệt thứ tư của phóng sự, đó chính là người viết phải thể hiện được cá tính, màu sắc riêng, phong cách riêng trong tác phẩm của mình. 

Thứ năm, tôi muốn nhấn mạnh về chất văn chương của người viết phóng sự. Đó chính là nền tảng làm nên sức sống giúp cho tác phẩm có thể trường tồn với thời gian. 

PV: Được biết thầy đã từng học ở ĐH tổng hợp Văn sau đó là ĐH Báo chí, trong từng tác phẩm của thầy luôn có sự quan sát của 1 nhà báo và sự tinh tế của 1 nhà văn. Vậy làm sao để vừa xây dựng được chất văn hay trong tác phẩm báo chí vừa tránh sự nhầm lẫn với việc sáng tạo một tác phẩm văn chương? 

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tôi là người viết có văn, nói vui là phóng sự thì nó phải dài, nếu không chỉ một vài vấn đề bình thường nó đã hết bài. “Phóng” trong “phóng sự” là mở rộng, khi các bạn phóng tầm thì nó có văn chương, theo tôi, khi có chất văn thì việc diễn đạt sẽ sâu hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn. Tôi thường dùng một câu nói như thế này “Nêm muối vào canh để có được vị ngọt, vị đậm đà, bỏ chút văn vào báo thì báo dễ đọc, dễ đi vào lòng người hơn, dễ thuyết phục”. Nhiều người cho rằng “Có sao nói vậy” thì đó cũng là một phong cách, nhưng mà thêm một chút “mắm muối” vào thì nó sẽ đậm đà, sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.

Điều tôi thích nhất ở các bạn đó chính là viết chia sẻ trên facebook, viết blog, ai viết hay, viết nội dung vừa cười, vừa khóc đều được. Tuy nhiên tôi nhận ra một điều rằng khi viết báo, các bạn thường viết theo mẫu câu nhiều quá, viết theo mô típ và cả viết theo những người đi trước nhiều quá. Chúng ta nên đọc báo nhưng bắt chước là không nên, đừng để bị chi phối bởi  bài viết của những người đi trước hãy viết bằng phong cách của mình. Và chính phóng sự là mảng báo chí thể hiện đầy đủ phong cách của một người làm báo, nhưng phải có chất văn thì nó mới truyền tải hết phong cách đó được. 

PV: Được biết, đến nay mặc dù đã “rửa tay” nhưng thầy vẫn chưa “gác kiếm”, thầy thường xuyên đi và viết, vậy theo thầy làm phóng sự xưa và nay có nhiều điểm khác biệt không? 

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Phải nói là làm phóng sự ngày nay rất khác ngày xưa. Tôi thường dạy về phóng sự điều tra, phóng sự, về tin hay lao động phóng viên. Tôi nhận thấy riêng mảng điều tra có sự khác biệt rất rõ rệt giữa ngày trước và ngày nay. 

Tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện. Hồi xưa, có một phóng viên ảnh của Báo Nhân Dân, khi một tiểu đội dân quân bắn máy bay rơi, 7 quân dân đó sinh sống ở 7 làng khác nhau và phóng viên đó đạp xe đạp đi tới 7 làng, chụp đủ ảnh của 7 công nhân về đăng báo. Nhưng bây giờ, hiện trạng ngồi trên mạng sao chép, bịa đặt thông tin rồi đăng báo – đấy là một cái khác. Chúng ta thấy việc xào nấu quá nhiều cũng là rất khác. 

Cái khác thứ hai đó chính là động cơ điều tra. Hồi xưa một bài phóng sự vì mục đích chân lý, lẽ phải, chống tiêu cực, chống tham nhũng, tuy nhiên, bây giờ có một hình thức điều tra nói ra thật không vui một chút nào, đó chính là mục đích kiếm tiền. Điều chúng ta nhận thấy ở đây đó chính là nhà báo không làm cho lợi ích chung nữa mà là làm cho lợi ích riêng của mình, làm việc không đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo. 

Một thực trạng nữa là bài viết phóng sự hiện nay bị áp đặt bởi lượt view. Tôi được biết 3 nhà báo của một tờ báo lớn gần đây đã nghỉ việc vì không chịu nổi quy định về số view. Một nhà báo điều tra không thể nào có lượt view lớn cả nếu không “đánh đấm” theo nhiều kiểu giật tít. Điều tra chính thống không để ý đến những điều đó, cách làm báo câu view cũng là một điểm khác của báo chí ngày xưa và bây giờ. 

PV: Được biết, từ khi còn là sinh viên, thầy đã gửi cho tòa soạn báo những bài viết đầy ắp sự kiện nóng hổi bằng thể loại ghi nhanh, phóng sự,... Vậy thầy có thể dành lời khuyên nào cho sinh viên khi đang theo đuổi nghề báo và muốn tác nghiệp ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường? 

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Rất nhiều bạn sinh viên hỏi tôi làm sao để dấn thân,  làm sao để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, làm sao để thật sự yêu nghề? Tôi cũng xin chia sẻ với các bạn rằng, nếu các bạn đã chọn, các bạn cần xác định, nếu bản thân các bạn chưa xác định rằng sẽ theo nghề, các bạn còn băn khoăn về điều đó, thì bây giờ sự thay đổi vẫn hoàn toàn kịp. 

Bên cạnh đó, việc tác nghiệp của các bạn phải luôn đặt ra câu hỏi “Mình đã làm theo đúng chuyên ngành chưa?”. Nhiều bạn sinh viên của tôi không thích thú nhiều với báo in, hay sự ra đời của báo mạng tưởng chừng như truyền hình sẽ bị lấp vế, tuy nhiên, báo in và truyền hình vẫn đang rất phát triển. Báo mạng có xu hướng cao nhưng sự cạnh tranh của báo mạng hiện nay là rất lớn. Vậy nên các bạn cần xác định đúng chuyên ngành mà mình theo đuổi và theo tôi, đã yêu nghề thì sẽ có sự gắn bó, và đã yêu thì các bạn sẽ theo được nghề thôi. 

Rất cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về buổi giao lưu vô cùng ý nghĩa ngày hôm nay! Chúc nhà báo có sức khỏe dồi dào để có thể tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp báo chí nước nhà. 

Phan Cúc

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN