Nhạc thiếu nhi: "Lạc nhịp" trong thời đại giải trí bùng nổ
(Sóng trẻ) - Thị trường âm nhạc thiếu nhi đang có dấu hiệu chững lại, trái ngược với sự phát triển sôi động của thị trường âm nhạc nói chung. Số lượng ca khúc mới dành cho lứa tuổi này ngày càng ít dần, thay vào đó là sự tràn lan của các bản phối lại hoặc các ca khúc dịch từ nước ngoài.
Bình mới - rượu cũ
Vốn được coi là một mảnh đất màu mỡ song thị trường âm nhạc dành cho trẻ em tại Việt Nam những năm trở lại đây không có nhiều khởi sắc. Các video ca nhạc thiếu nhi vẫn được công chiếu hằng ngày trên Youtube - một nền tảng giải trí phổ biến được nhiều phụ huynh lựa chọn. Tuy nhiên, hầu hết những sản phẩm này chỉ dừng lại ở việc thay đổi hình thức thể hiện, tone giọng, nhịp điệu… thay vì sáng tác thành tác phẩm độc lập. Về bản chất, đó vẫn là những giai điệu quen thuộc với nhiều thế hệ như "Con cò bé bé", "Cá vàng bơi", "Con cào cào", "Rửa mặt như mèo", "Một con vịt"...
Việc phối lại các bài hát thiếu nhi được nhiều người đánh giá là một hướng đi sáng tạo, giúp những giai điệu quen thuộc trở nên "bất hủ" với thời gian. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, việc thiếu đầu tư và sáng tạo cho âm nhạc thiếu nhi đang khiến trẻ em chịu thiệt thòi khi phải nghe đi nghe lại những bản nhạc cũ.
Sự lặp lại này có thể khiến trẻ mất dần hứng thú với các ca khúc dành cho lứa tuổi của mình, đồng thời dễ bị thu hút bởi những thể loại âm nhạc khác, kể cả những bài hát của người lớn. Hệ quả là không ít trẻ em hiện nay thuộc lòng các ca khúc người lớn nhưng chẳng mấy “mặn mà” với các ca khúc thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi.
Bên cạnh đó, nhiều trẻ em ngày nay có xu hướng ưa chuộng các bản nhạc chế. Đáng quan ngại, phần lớn các sản phẩm âm nhạc này chứa đựng nội dung sáo rỗng, thiếu lành mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và sự phát triển của trẻ.
Thiếu vắng các sản phẩm nhạc chất lượng - vì đâu nên nỗi?
Sự khan hiếm các sáng tác âm nhạc mới dành cho thiếu nhi là một thực trạng đáng báo động, xuất phát từ nhiều nguyên nhân và đòi hỏi những giải pháp đồng bộ để cải thiện.
Một trong những rào cản lớn nhất chính là vấn đề thu nhập. So với các thể loại âm nhạc khác, lợi nhuận từ các ca khúc thiếu nhi thường thấp hơn, khiến nhiều nhạc sĩ thiếu động lực sáng tác.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - cha đẻ của nhiều ca khúc thiếu nhi hiện đại cũng từng bộc bạch trong chương trình “Kính đa chiều”: “Không có bảng xếp hạng âm nhạc nào dành cho nhạc thiếu nhi, không có giải thưởng nào cho nhạc sĩ để tri ân những bài hát thiếu nhi và có rất ít bài hát thiếu nhi có thể bán được cho các ca sĩ nhí với giá tiền tương tự bài hát tình yêu. Chính điều này làm cho các bạn nhạc sĩ trẻ, những bạn đang trên đường tìm kiếm tài chính, danh tiếng, thành công chưa để ý đến việc viết nhạc thiếu nhi”.
Bên cạnh đó, các chương trình, sân khấu âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Format chương trình thường bị rập khuôn dẫn đến việc khó thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi. Thành công vang dội của những chương trình như "Đồ Rê Mí", "Giọng hát Việt nhí" dường như đã trở thành "cái bóng" quá lớn, tạo áp lực cho các nhà sản xuất khi phải tìm kiếm hướng đi mới.
Ngoài ra, việc tiếp xúc nhiều với “nhạc thị trường” một cách thụ động cũng khiến cho sở thích âm nhạc của các em bị ảnh hưởng. Đặc biệt, dưới sự phát triển của công nghệ hiện nay, trẻ em có nhiều lựa chọn giải trí đa dạng hơn như phim ảnh, trò chơi điện tử, internet… chính điều này đã vô tình khiến các em ít có cơ hội tiếp xúc và thưởng thức những giai điệu dành riêng cho lứa tuổi mình.
Cần nhiều hơn nữa nguồn lực và sự nỗ lực
Mặc dù việc sáng tác ca khúc thiếu nhi vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế nhất định, nhưng không thể phủ nhận đây là một đối tượng khán giả tiềm năng, rộng mở, mà các nghệ sĩ có thể hướng đến và cống hiến.
Cô Vũ Thục Vân, giáo viên âm nhạc trường mầm non PONY Academy (Tuyên Quang) khẳng định: “Trẻ con chưa bao giờ hết thích nhạc thiếu nhi, cái các con cần là sự mới mẻ về cả mặt nội dung thay vì chỉ đổi mới về hình thức thể hiện. Nếu như người lớn có nhu cầu được tiếp cận với nhiều dòng nhạc khác nhau thì con trẻ cũng thế. Bản thân tôi và các giáo viên vẫn luôn cố gắng mang tới nhiều hình thức giảng dạy khác nhau để giúp học sinh được tiếp cận âm nhạc đúng độ tuổi của mình một cách chủ động, khơi gợi sự hứng thú của các con đối với các ca khúc thiếu nhi, tránh để các con tiếp xúc với các bài nhạc có nội dung và lời ca độc hại”.
Việc tạo dựng một môi trường âm nhạc lành mạnh, bổ ích cho trẻ em đòi hỏi sự nỗ lực, đầu tư thời gian và nguồn lực từ nhiều phía. Bên cạnh việc khuyến khích các nghệ sĩ, nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn những tác phẩm âm nhạc chất lượng dành cho lứa tuổi thiếu nhi, cần sự chung tay góp sức của gia đình và nhà trường trong việc định hướng, giúp trẻ tiếp cận với những ca khúc, chương trình âm nhạc phù hợp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát nội dung, hạn chế sự phát tán của các sản phẩm âm nhạc có nội dung không phù hợp với trẻ em.