Những “chiến binh” trên tiền tuyến chống dịch

(Sóng trẻ) – Vì tiếng gọi của ngọn lửa nghề, vì giấc mơ áo blouse trắng, những sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tình nguyện tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Những “chiến binh” áo trắng

Hình ảnh những “chiến sĩ” khoa Điều dưỡng trong hành trình đi lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm ở Long Xuyên - Kinh Môn - Hải Dương
Hình ảnh những “chiến sĩ” khoa Điều dưỡng trong hành trình đi lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm ở Long Xuyên - Kinh Môn - Hải Dương

Hải Dương đang trở thành “điểm nóng” của cả nước khi có nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Để có được thông tin dịch tễ của từng bệnh nhân cung cấp cho tổ truy vết tại địa phương, Bộ Y tế đã chỉ đạo thành lập một “sở chỉ huy” đặc biệt và đội ngũ chủ lực là các sinh viên từ trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Trước tình hình đó, hàng trăm sinh viên tình nguyện “xung trận” chống dịch để có được “bằng chứng” dịch tễ và thông tin của các F0, F1, F2 với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Những người thanh niên ấy dường như đã “chai lì” với những nỗi vất vả, khó khăn, nguy hiểm bởi ngay từ đầu, chính họ là người tự nguyện viết đơn đăng ký tham gia chống dịch.

Tú Uyên - sinh viên năm ba, khoa Điều dưỡng, cho hay: “Mặc dù Tết nguyên đán đang cận kề, chỉ còn đôi ngày nữa là được về quê sum họp với gia đình nhưng khi nhận được thông báo của nhà trường tuyển sinh viên tình nguyện hỗ trợ lực lượng chức năng phòng, chống dịch Covid-19, không chút đắn đo, chị lập tức đến đăng ký”.

Hình ảnh chị Tú Uyên trong bộ đồ bảo hộ (bên trái)
Hình ảnh chị Tú Uyên trong bộ đồ bảo hộ (bên trái)

Cũng giống như Uyên, Nguyễn Danh Hạnh, sinh viên năm hai khoa Xét nghiệm, khi nhận được thông báo từ nhà trường về việc tăng cường hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, Hạnh trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu”. “Là một người con của Hải Dương, đồng thời là lớp trưởng và trưởng khối sinh viên khoa Xét nghiệm, mình tự ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong giai đoạn khó khăn này. Bằng cách này hay cách khác, mình muốn góp sức vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh”, Hạnh chia sẻ.

Sinh viên Nguyễn Danh Hạnh (bên phải)
Sinh viên Nguyễn Danh Hạnh (bên phải)

Tinh thần quyết tâm ấy cho thấy trong những hoàn cảnh “đặc biệt” này, họ - những “chiến sĩ” áo trắng đã tạm gác niềm vui sang một bên và trở thành những người tiên phong đi chống dịch. 

Gõ từng nhà, rà từng người

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sinh viên chia thành từng nhóm với những nhiệm vụ khác nhau, đến từng nhà, rà từng người. Trong đó có khoảng 150 sinh viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm, số còn lại một phần tỏa xuống các địa phương truy vết và một phần tập trung tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương truy vết các ca bệnh F0, điều tra dịch tễ liên quan.

Tú Uyên thuộc nhóm đi lấy mẫu bệnh phẩm của các trường hợp F1, F2 ở các xã, thôn. Mỗi ngày nhóm chị lấy khoảng 2000 – 3000 mẫu tùy vào vùng dịch. Mỗi trường hợp sẽ lấy hai mẫu là dịch tỵ hầu và dịch họng rồi cho vào ống nghiệm, đóng gói và vận chuyển để xét nghiệm. Mỗi khâu đều rất nguy hiểm vì nếu không cẩn thận thì chính bản thân chị sẽ mắc Covid-19. Nhưng nỗi lo lớn nhất của chị không phải là việc bản thân bị mắc Covid-19 mà là việc mình trở thành nguồn lây nhiễm virus nguy hiểm cho cộng đồng.

Những phút chợp mắt “vội” của sinh viên trường Y
Những phút chợp mắt “vội” của sinh viên trường Y

Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 7h sáng đến 22h tối. Trong khi làm việc, đôi lúc chị gặp khó khăn khi lấy mẫu bệnh phẩm của trẻ nhỏ, kèm theo việc mặc đồ bảo hộ khá bất tiện “Mặc đồ này chị phải nhịn đi vệ sinh 5 – 6 tiếng, bởi nếu cởi ra thì phải thay bộ khác…” – chị Uyên thật thà chia sẻ.

Hình ảnh sinh viên đang lấy mẫu bệnh phẩm
Hình ảnh sinh viên đang lấy mẫu bệnh phẩm

Đây chính là cái Tết đầu tiên chị Uyên xa nhà, không còn những buổi đi sắm tết cùng gia đình, không được quây quần bên mâm cơm tất niên, thay vào đó là những ngày vất vả đi xuống vùng tâm dịch thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F0. Tủi thân nhưng chị vẫn cảm thấy quyết định ở lại của mình là đúng đắn.

“Hôm trước bọn chị vào khu phong tỏa, tuy sợ lắm, mệt lắm nhưng mà vui em ạ, vui vì mọi người được làm cùng nhau, cùng cố gắng để tất cả mọi người còn được đón tết nữa”, chị Uyên chia sẻ.

Cũng giống như chị Uyên, công việc hàng ngày của Hạnh là lấy mẫu xét nghiệm hoặc sắp xếp mẫu để chuyển về khu xét nghiệm. “Mình dậy từ 6h sáng, sau đó đến trường sẽ có xe đón và di chuyển đến vùng dịch cần lấy mẫu. Gần đây nhất nhóm mình lấy 6000 mẫu bệnh phẩm/1 ngày. Rất mệt nhưng đây quả thực là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời sinh viên. Hơn nữa, đâu phải ai cũng được trải qua những tháng ngày lịch sử này", Hạnh chia sẻ.

image4.png
Hình ảnh sinh viên khoa Xét nghiệm sau khi lấy 6000 mẫu bệnh phẩm trong 1 ngày.

 

Cũng theo Hạnh chia sẻ, trước khi làm nhiệm vụ, sinh viên đều được tập huấn để đảm bảo lấy đúng, lấy đủ mẫu bệnh phẩm và bảo vệ bản thân, bảo vệ mọi người xung quanh. “Mình thấy đồ bảo hộ an toàn lắm, vả lại mình học y mà, mình học y để phục vụ nhân dân, đó là trách nhiệm của mình, bố mẹ mình cũng tự hào khi mình đi tham gia chống dịch”, Hạnh vui vẻ nói.

Tinh thần quyết tâm chống dịch của những “chiến binh” áo trắng
Tinh thần quyết tâm chống dịch của những “chiến binh” áo trắng

Không chỉ nguyên khoa Điều dưỡng, khoa Xét nghiệm mà hơn 1.000 giảng viên cùng sinh viên các khoa khác của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cũng đang tham gia phòng chống Covid-19. Một trận chiến không cân sức giữa một bên là dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, hết lần này đến lần khác với một bên là những con người bình thường nhưng mang trong mình sức mạnh và ý chí kiên cường. Tất cả đều đồng lòng quyết tâm chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN