Những mơ ước chưa vẹn tròn – Bài 2: 'Bán hết đất cũng phải học'
(Sóng trẻ) - Mẹ mất sớm, bố mắc ung thư giai đoạn cuối không còn khả năng lao động, đó là nghịch cảnh tàn khốc mà Bùi Nguyên Thủ (15 tuổi, xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) phải đối mặt.
“Tháng 25 bữa cá…”
“Tổ ấm” của người cha ở tuổi bát thập và con trai năm nay lên lớp 10 lọt thỏm giữa những ngôi nhà khang trang, nằm lặng lẽ phía sau trường THPT Giao Thủy B. Căn nhà cấp 4 sau ba lần bị bão đánh sập, giờ đây xập xệ với tường loang lổ, cửa gỗ bạc phếch, vài ô kính đã nứt vỡ thông thống từ lâu không được sửa. “Mùa đông thì hơi lạnh chút còn mùa hè có gió nên mấy cái quạt nhỏ là đủ, lắm khi còn phải đắp chăn…” – ông Viển (Bùi Văn Viển, 80 tuổi, bố của Thủ) cười ha hả khi nhắc đến căn nhà của mình.
Hầu hết đồ vật trong nhà đều có tuổi đời từ 15-20 năm. Tờ lịch bạc trắng được ông Viển tận dụng để chép lịch. Chiếc tủ bích-phê đã không còn màu sơn là nơi lưu giữ kỷ vật: những tờ giấy khen của Thủ, hồ sơ nhập học, kỷ vật về người mẹ đã khuất, và cả ký ức kháng chiến của cha em – ông Bùi Văn Viển.
Hai bố con có một căn bếp nhỏ, là nơi nấu nướng và chứa đồ cũ, còn giếng cái ngoài trời là nhà tắm “lộ thiên”. “Mùa hè phải tắm trước khi tắt nắng, mùa đông thì đun nước để tắm. Hơi ngại một chút ạ…”, Thủ ngượng ngùng nói.
Cha già yếu lại bệnh tật, mất đi khả năng lao động, con trai còn quá nhỏ để tìm kiếm việc làm, nên nguồn thu nhập duy nhất là khoản trợ cấp khuyết tật 700.000 đồng mỗi tháng. Trong khi chi phí thuốc men và sinh hoạt lên tới hơn 4 triệu đồng. Ông phải chạy vạy khắp nơi, nợ nần chồng chất. Ông Viển tính: “Bây giờ nợ gần 300 triệu rồi, vì từ 2020 là tôi đã không lao động được nữa. May còn miếng đất, cắt dần cho người ta. Người ta cũng thích miếng đất này nên mới cho nợ lại”.
Cuộc sống thiếu thốn buộc hai cha con phải dè sẻn từng bữa ăn. Phần vì túi tiền eo hẹp, phần vì bệnh tình của ông Viển ăn uống phải kiêng khem. Mỗi tháng 20-25 bữa cá, những ngày còn lại chỉ có rau, lác đác một vài bữa đặc biệt mới có thịt. Mỗi lần mua thịt về, ông luộc kỹ, chia nhỏ, bọc kín, bảo quản trong chiếc tủ lạnh mini – món đồ giá trị nhất trong nhà. “Con nó thèm quá thì tôi cũng cố mua cho nó ăn. Cất kỹ, để dành ăn được lâu”, ông Viển tâm sự.
Vươn lên nghịch cảnh
Dẫu nghèo khó, Thủ chưa bao giờ lơ là việc học. Em có thành tích học tập ấn tượng, khi nhiều năm liền là học sinh giỏi. Kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua – 9,25 điểm môn Toán, tổng 40,8/50 – là minh chứng rõ ràng nhất cho nghị lực của cậu học sinh này.
Những năm cấp 2, em được thầy Nguyễn Ngọc Tuyên, giáo viên Toán và cũng là hàng xóm dạy kèm miễn phí. “Thủ thông minh, tiếp thu nhanh, đặc biệt là các môn Toán, Lý, Hóa. Nhà trường cũng tạo điều kiện hết sức để em có thể đi học. Bản thân tôi vừa là thầy, vừa là hàng xóm, chứng kiến những khó khăn của em từ những ngày đầu. Tôi cũng xót lắm, nhưng chỉ giúp được trong điều kiện của bản thân…”, thầy Tuyên tâm sự.
Sách vở, quần áo của Thủ hầu hết đều là đồ bạn bè và thầy cô hỗ trợ, bởi ông Viển chỉ đủ khả năng mua cho con hai bộ mỗi năm học mới. Góc học tập tuy đơn sơ nhưng luôn gọn gàng, ngăn nắp. Những cuốn sách không dùng đến, Thủ bán lại để kiếm vài chục nghìn đồng giúp cha trang trải, dầu chẳng đáng bao nhiêu, nhưng đó là tất cả những gì mà em có thể làm.
Thủ chưa từng tự ti về hoàn cảnh, nhưng điều khiến em chạnh lòng nhất là thiếu đi bóng hình của mẹ. Mỗi lần nhìn bạn bè được mẹ chăm sóc, em chỉ biết lặng lẽ quay đi. Dẫu vậy, chính sự thiếu hụt ấy đã trở thành động lực để em không ngừng vươn lên. Bởi bên trong cậu bé 15 tuổi luôn có một nỗi lo thường trực: “Nếu không học, em sẽ mãi như thế này…”, Thủ xúc động chia sẻ.
Bố là động lực, là điểm tựa tinh thần để Thủ cố gắng. Thế nhưng bố cũng là nỗi sợ của Thủ: “Em sợ không còn bố, em không biết dựa vào ai nữa”. Ông Viển hiểu điều đó, nên dù bệnh tật hành hạ, ông vẫn mong có thể sống thêm vài năm để Thủ học xong cấp 3. “Tôi tiếc là mình mắc bệnh, không thể lo cho con đến nơi đến chốn. Lúc nào mà tôi yếu quá thì tôi bán, gửi vào ngân hàng để nó rút dần mà đi học” ông nói, giọng nghẹn ngào.
Khi được hỏi về ước mơ, Thủ khẽ đáp: “Nếu không phải lo cơm áo, gạo tiền, em muốn học điện tử. Sau này, em thành đạt để quay về giúp đỡ những người có hoàn cảnh như gia đình mình”. Nhưng với Thủ, mọi khát vọng dường như đều không thể sánh bằng một điều duy nhất: sức khỏe của bố. “Chỉ cần bố khỏe, mức nào em cũng đổi”, Thủ bộc bạch.