Những tiểu thương nhọc nhằn đợi chờ "mùa hoa đồng tiền"

(Sóng trẻ) - Mỗi đêm, chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) lại sáng bừng lên muôn vàn sắc hoa như để che lấp đi cái lạnh mùa đông; che đi cả sự mệt nhoài thấm đẫm trên khuôn mặt những phận đời mưu sinh khắc khổ.

“Lại xem hoa đi em ơi”, “Lấy em bó này chị ơi”, “Nào cho xe đi qua nào”... Dưới ánh đèn lập lờ là những tiếng mời gọi, ngã giá xen lẫn tiếng còi xe tạo nên một khung cảnh tấp nập. Đối với mỗi người tiểu thương tại đây, việc này đã trở thành quen thuộc. Đêm tối với họ không phải là thời khắc nghỉ ngơi mà là lúc để bươn chải kiếm cơm, lo cho cuộc sống còn bao khó khăn, bộn bề.

Khung cảnh tấp nập tại khu chợ hoa lớn nhất miền Bắc vào mỗi đêm. (Ảnh: Nhật Lệ)
Khung cảnh tấp nập tại khu chợ hoa lớn nhất miền Bắc vào mỗi đêm. (Ảnh: Nhật Lệ)

Những mảnh đời “lấy đêm làm ngày”

Nhập hàng, bốc hàng, trông hoa hay chào bán là những công việc “nằm lòng” của mỗi tiểu thương làm việc tại chợ hoa Quảng Bá. Họ bắt đầu công việc khi mọi người tan ca và trở về khi cả thành phố còn đang ngái ngủ. Đằng sau những nụ cười, tiếng nói chuyện, gọi nhau ý ới là bao nỗi vất vả hằn rõ trên khuôn mặt.

Vừa gói hàng cho khách, anh Tạ Đình Tuấn (42 tuổi) vừa tranh thủ kể về công việc mưu sinh của mình. Như bao tiểu thương khác, cứ 7 giờ tối, anh có mặt ở chợ để nhập hoa rồi lại thức thâu đêm để bán.

“Làm nghề này thì phải tranh thủ ngủ sáng để đêm còn thức. Thức đêm mới đầu mệt lắm nhưng lâu dần cũng thành quen. Cả kể không có khách vẫn phải thức để trông hoa, đề phòng mất trộm hay bị tráo hàng” - Anh Tuấn chia sẻ.

Mỗi bó cúc vàng, anh Tuấn bán với giá 50 ngàn đồng, cúc họa mi giá 70 ngàn đồng. (Ảnh: Nhật Lệ)
Mỗi bó cúc vàng, anh Tuấn bán với giá 50 ngàn đồng, cúc họa mi giá 70 ngàn đồng. (Ảnh: Nhật Lệ)

Tùy vào mùa hoa và thị hiếu khách hàng mà các mặt hàng tại quầy của anh sẽ có sự thay đổi. Thường ngày, anh Tuấn nhập hoa từ các nhà vườn quanh khu vực Hà Nội như Nghĩa Tân, Nhật Tân hay Tây Tựu. Vào những dịp đặc biệt, công việc của anh cũng bận rộn hơn hẳn.

“Ngày lễ, tết, nhu cầu mua hoa cao hơn, mình cũng bận hơn. Không chỉ thức trắng, còn phải luôn tay luôn chân chọn hoa, gói rồi buộc lại cho khách” - anh Tuấn tâm sự.

Những cái vươn vai, ngáp dài hay những giấc ngủ chóng vánh chính là thứ mọi người bắt gặp nếu dạo bước tại chợ hoa Quảng Bá vào đêm muộn. Khi một tiếng động lớn như xe chở hàng chạy qua, họ lại chợt giật mình tỉnh giấc, tiếp tục câu chào mời mua hoa quen thuộc.

Khi đã quá mệt, một số tiểu thương sẽ nhờ những người bán bên cạnh trông hoa hộ để tranh thủ chợp mắt. (Ảnh: Nhật Lệ)
Khi đã quá mệt, một số tiểu thương sẽ nhờ những người bán bên cạnh trông hoa hộ để tranh thủ chợp mắt. (Ảnh: Nhật Lệ)

Mơ về một cuộc sống đủ đầy

Với những đêm thức trắng bên hoa, trung bình mỗi người tiểu thương tại chợ hoa Quảng Bá thu về từ 3-400 ngàn đồng/ngày. Vào những dịp đặc biệt như Tết hay 20/11, con số lời lãi có thể cao hơn. Đối với họ, số tiền ấy là khoản thu nhập chính để trang trải cuộc sống, lo cho những đứa con còn đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Bán hàng tại chợ đã được 3 năm, chị Hán Thị Mười (40 tuổi) tâm sự các con chính là động lực thôi thúc chị. Mỗi buổi sáng, khi con chị đến trường cũng là lúc chị trở về nhà sau một đêm mệt mỏi. Đến tối, chỉ được gặp con một vài giờ ngắn ngủi, chị Mười lại chuẩn bị cho một đêm tất bật không ngủ.

“Tôi có hai cháu nhỏ, đứa bé đang học lớp 3 còn đứa lớn năm nay đã học lớp 6 rồi. Làm nghề đêm hôm rét buốt chỉ mong đủ tiền nuôi hai cái miệng ăn đấy” - chị Mười cười, nói. 

Khi nào đông khách mua, hết hàng sớm, chị Mười mới tranh thủ được về sớm hơn đôi chút. (Ảnh: Nhật Lệ)
Khi nào đông khách mua, hết hàng sớm, chị Mười mới tranh thủ được về sớm hơn đôi chút. (Ảnh: Nhật Lệ)

Chị chia sẻ thêm, nếu cả nhà chỉ trông chờ vào những đồng tiền bán hoa thì không đủ ăn. Ngoài bán hoa đêm, một phần thu nhập của gia đình dùng để trang trải cuộc sống là nhờ vào chồng chị. “Mình ra chợ bán hoa còn chồng đi làm việc khác chứ mỗi việc này thì sao đủ sống. Cả năm bán tùy mùa mới được ít để dành ăn Tết” - chị Mười chia sẻ.

Không chỉ anh Tuấn hay chị Mười, nỗi lo cơm áo gạo tiền còn là gánh nặng chung của biết bao tiểu thương đang bám trụ tại khu chợ này. Đằng sau mỗi nụ cười, câu chào mời là một cuộc đời, số phận, câu chuyện khác nhau. Tuy vậy họ đều có chung niềm hi vọng, khát khao về cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN