Nỗi lòng đón Tết của người Việt xa xứ

(Sóng trẻ) - Những ngày cuối năm, khi người người trở về quê quây quần bên mâm cơm gia đình, thì ở nơi nào đó trên đất khách vẫn còn những kiều bào Việt Nam phải đón Tết xa nhà.    

Tết bên này khác lắm!

Trở về trọ sau ca làm việc 8 tiếng, Đồng Thị Tuyền (21 tuổi, lao động tại Nhật Bản) vội vàng gọi điện cho gia đình để hỏi thăm tình hình chuẩn bị Tết. Đây là cái Tết xa nhà thứ hai của cô gái trẻ.

Tuyền chia sẻ, những ngày đầu mới sang, nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Nhưng có lẽ dịp Tết là khoảng thời gian khiến cô bạn cảm thấy tủi thân nhất. Vì Tết ở Nhật thiếu đủ thứ, bố mẹ, bạn bè, bánh chưng... - đó là không khí Tết: 

“Lần đầu đón tết xa nhà mình khóc rất nhiều. Ở bên này, người Nhật đón Tết dương và họ thích tổ chức đơn giản, riêng tư để tránh làm phiền hàng xóm. Trái ngược hẳn với không khí chuẩn bị Tết tất bật của Việt Nam, mọi người quây quần với nhau, đường phố được trang hoàng, nhộn nhịp”.

anh-1.jpg
Khi mới sang Nhật, Tuyền cảm thấy khá sốc vì không khí đón Tết trầm lắng, trái ngược hẳn với tưởng tượng (Ảnh: NVCC) 

Cùng giống như Tuyền, Xuân Hà - du học sinh chuyên ngành biểu diễn piano cổ điển tại Liên Bang Nga cho biết dịp Tết năm nay vẫn phải đến trường dù thời tiết lạnh -10 độ. Nhớ lại, thời điểm này năm ngoái, Hà đang ở nhà tất bật phụ giúp bố mẹ bán cây cảnh những ngày cuối năm. Vậy nên, dù đã xa nhà đi học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) được 7 năm, nhưng đây là năm đầu tiên mà chàng trai trẻ cho là “tha phương” đúng nghĩa.

anh-2.png
Đinh Xuân Hà tại một buổi biểu diễn hòa nhạc. (Ảnh: NVCC)

Còn đối với Lê Nam Phương (25 tuổi, hiện đang làm việc tại Nhật Bản), cảm giác đón tết một mình lại không còn quá bỡ ngỡ vì chị đã xa quê 5 năm. Từng sống tại Đài Loan, Phương cho biết: “Người Đài cũng đón tết âm và có một số phong tục khá giống Việt Nam như đi chùa đầu năm. Thậm chí, tôi cảm nhận không khí Tết tại đây còn nhộn nhịp hơn. Nhưng Tết ta vẫn là một hương vị gì đó rất đặc biệt và quyến luyến, vì có gia đình ở cạnh”. Thế nhưng, năm nay Nam Phương không thể về nhà đón Tết do chưa hết hạn hợp đồng lao động.  

anh-0.jpg
Đón Tết Nguyên đán cùng đồng nghiệp tại Đài Loan khiến Lê Nam Phương (áo trắng, bên trái) vơi bớt phần nào cảm giác nhớ Tết Việt (Ảnh: NVCC) 

Gắn kết kiều bào, lan tỏa Tết Việt 

Thiếu vắng gia đình, Tết Nguyên đán đối với Tuyền, Hà hay Phương dường như trở nên trống trải hơn. Nhưng không vì thế mà cả ba người để dịp này trôi qua một cách buồn chán.

Để xua tan đi cảm giác nhớ nhà, cậu du học sinh Xuân Hà đã tự tạo “vị” Tết ở nước bạn: “Tôi đã hẹn gặp một vài người bạn Việt Nam đang sinh sống và học tập cùng thành phố vào đêm 30 tết, chúng tôi sẽ cùng nhau nấu một bữa cơm tất niên, cùng quây quần bên nhau để hướng về cái Tết cổ truyền ở quê hương.” 

anh-2-1.png
Một số món ăn ngày Tết được Hà chuẩn bị đầy khó khăn tại Nga. (Ảnh: NVCC)

Anh cho biết, nấu những món ăn truyền thống là điều khó khăn nhất nên mỗi lần vào bếp anh thường phải gọi về nhà hỏi mẹ kỹ càng: “Mấy ngày Tết mẹ đều là đầu bếp chính, còn tôi chỉ lau dọn nhà cửa và phụ bố bán hàng. Bởi vậy mà để nấu được nồi “thịt kho” đúng vị, tôi đã phải gọi mẹ tới 10 cuộc điện thoại trong một buổi tối”. Ngoài ra, Hà còn giữ thói quen gọi điện thoại về Việt Nam cho bố mẹ và những người bạn bè thân thiết. Nhờ vậy, cảm giác nhớ nhung cũng nguôi ngoai phần nào. 

Còn đối với Tuyền và Phương, hai cô gái trẻ cho rằng đón Tết Nguyên Đán ở nước ngoài còn là cơ hội để lan tỏa văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuyền chia sẻ, những ngày này, tại trung tâm giao lưu văn hóa tỉnh Kumamoto (Nhật Bản), cộng đồng người Việt đang nhộn nhịp các hoạt động chuẩn bị Tết.

Năm ngoái, cô bạn đã đến đây để chụp ảnh với áo dài và quây quần đón năm mới cùng mọi người. Vì vậy năm nay, đây vẫn sẽ là điểm hẹn của Tuyền. “Tết một năm mới có một lần nên dù mình không về được nhưng vẫn xin nghỉ 2 ngày để tham gia các hoạt động cùng anh, chị đồng hương. Ngoài ra, nếu có thời gian, bọn mình cũng sẽ đi thăm quan các địa điểm du lịch của Nhật Bản. Mình nghĩ đây cũng là cơ hội để học hỏi văn hóa của hai nước”.

420854671_395076316439507_6435185764379160148_n.jpg
Cộng đồng người Việt cùng nhau trang trí, chuẩn bị Tết tại trung tâm giao lưu văn hóa ở tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) (Ảnh: NVCC)

Là một người thích nấu ăn, những món ăn truyền thống của quê hương như xôi gấc, bún chả… vẫn thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm của Nam Phương tại Nhật. Vì thế, đến Tết, bên cạnh những cuộc hội ngộ cùng bạn bè, Phương còn chuẩn bị thêm bánh chưng hay các món truyền thống khác để gửi tặng mọi người.

“Dù bên này giá nguyên liệu cao hơn gấp ba, bốn lần nhưng mình vẫn thích tự nấu ăn vì đấy là hương vị Việt Nam. Khi còn ở Việt Nam, mình nhớ nhất là lúc luộc bánh, mọi người vui vẻ nói chuyện bên bếp lửa. Luộc bằng củi giúp bánh chín đều và mềm hơn. Ở Nhật thì bắt buộc phải luộc bằng gas, khá tốn kém nên thi thoảng mình mới làm một lần để đỡ nhớ nhà”, Phương cho biết thêm. 

anh-4.jpg
Mâm cơm ngày Tết của những người lao động xa quê tại Nhật (Ảnh: NVCC) 

Đối với kiều bào người Việt, đón Tết ở nước ngoài đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ sự hỗ trợ của chính phủ nước sở tại và cộng đồng người Việt trên thế giới. Nhưng không phải ai cũng cảm thấy hương vị Tết trọn vẹn vì trong lòng họ vẫn khắc khoải một cái Tết đoàn viên. 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN