Ô nhiễm kéo dài ở làng nghề Minh Khai
(Sóng trẻ) - Vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (Hưng Yên, Hà Nội) vẫn vô cùng nhức nhối dù đã được cảnh báo liên tục trong nhiều năm qua.
Đến làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, thành phố Hà Nội, người ta dễ dàng bắt gặp những bãi rác chất đống, mùi hăng của nhựa và mùi hôi của nước thải nồng nặc từ ngay cổng làng. Đi cùng với lợi ích kinh tế mà công việc này mang lại là cái giá vô cùng lớn về môi trường mà người dân nơi đây phải hứng chịu.
Theo phản ánh của người dân ở làng nghề Minh Khai, tình trạng ô nhiễm ở đây đã được đưa tin rất nhiều và đã có sự hứa hẹn từ các cấp chính quyền. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình trạng này vẫn không được giải quyết triệt để. Ông N.V.T, người dân ở thôn Minh Khai chia sẻ: “Ô nhiễm tại làng này lâu lắm rồi, từ khi làng bắt đầu làm nghề tái chế nilon cho nên bọn tôi cũng quá quen với việc này rồi. Báo chí truyền hình cũng về đưa tin từ mấy năm nay, bộ Tài nguyên và Môi trường cũng hứa là cho thôn cái nhà máy xử lý rác thải từ tận 2019 nhưng tới giờ đã thấy đâu. Chỗ tập kết gần nghĩa trang cuối làng là chỗ định xây đấy, thế nhưng bây giờ cũng chật kín chỗ rồi nên chỗ nào trống là các cơ sở làm nghề đổ rác thải xuống đó thôi”.
Nguyên nhân chính của thực trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai không chỉ là sự thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền mà còn nằm ở ý thức của người dân. Do lợi nhuận của nghề tái chế nhựa đem lại, người dân ở đây dường như cũng có tâm lý chấp nhận những bất tiện, nguy hiểm mà nó mang lại.
Khi được hỏi về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, chị N.T.D - một người tái chế rác cho hay: "Dù biết việc xử lý rác thải nhựa thủ công như thế này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, giá đình mà còn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhưng nếu không làm công việc này thì người dân không biết làm gì khác vì đây là nghề kiếm cơm của làng từ lâu".
Việc đốt rác thải nilon để lấy hạt nhựa thải ra môi trường rất nhiều khí độc, đặc biệt là Dioxin - loại chất độc ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe con người và nòi giống. Mỗi khi người dân đốt rác thải nhựa, những cụm khói đen xả thẳng ra môi trường, khiến bầu không khí ngột ngạt, khó thở. Thậm chí nhiều người bị đau đầu, tức ngực.
Rác thải nhựa tái chế đúng quy chuẩn cần phải đốt trong các lò đốt có nhiệt độ trên 1000 độ C. Đây là điều không thể đối với các hộ dân ở thôn Minh Khai.
Ngoài vấn đề môi trường, việc tái chế rác thải nhựa còn đe dọa đến an toàn của các hộ dân tại thôn Minh Khai. Rác thải nhựa và nhiều vật liệu dễ cháy rải rác khắp làng trong khi biện pháp phòng cháy chữa cháy không được chú trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trong tái chế nhựa ở thôn Minh Khai, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, bởi nó liên quan đến công tác quy hoạch, di dời các cơ sở tái chế gây ô nhiễm. Chính quyền địa phương cần phải kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ sở tái chế hoạt động không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, một điều quan trọng là: Khi người dân còn chấp nhận đánh đổi sức khỏe, sự an toàn của bản thân và gia đình để lấy lợi ích kinh tế mà nghề tái chế rác thải nhựa này mang lại thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây sẽ rất khó giải quyết.