Phường Lý Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm: Điểm sáng của cuộc Cách mạng công nghiệp văn hoá tại Thủ đô
(Sóng trẻ) - Ngày 27/11 vừa qua, sinh viên lớp Truyền thông Đa phương tiện K43, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có buổi giao lưu cùng UBND phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Trong buổi giao lưu với sinh viên lớp Truyền thông Đa phương tiện K43, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, UBND phường Lý Thái Tổ đã có những chia sẻ thực tế về tình hình chính trị - xã hội tại địa phương. Trong đó, các hoạt động nhằm đẩy mạnh Cách mạng công nghiệp văn hoá đã được UBND phường Lý Thái Tổ và quận Hoàn Kiếm đặc biệt quan tâm, không chỉ góp phần bảo tồn mà còn quảng bá rộng rãi những nét đẹp văn hoá truyền thống tại địa phương đến cộng đồng.
Công nghiệp văn hoá - cuộc cách mạng đáp ứng nhu cầu của thời đại
Nằm trong lòng quận Hoàn Kiếm - trái tim của thủ đô Hà Nội, phường Lý Thái Tổ không chỉ được biết đến với không gian phố đi bộ Hồ Gươm sôi động, mà còn gắn liền với nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng như Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Cầu Thê Húc hay Đền Bà Kiệu - những công trình kiến trúc mang nét đẹp văn hoá lâu đời. Chính vì vậy, phường không chỉ là nơi lưu giữ những dấu ấn văn hóa của Hà Nội mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình, chính quyền địa phương luôn chú trọng công tác quảng bá, nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo đến với đông đảo du khách và người dân. Song, để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống rộng rãi trong thời đại số hiện nay, việc phát triển "công nghiệp văn hóa" đang ngày càng được đẩy mạnh.
Công nghiệp văn hóa là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Về cơ bản, đây là sự ứng dụng của những tiến bộ công nghệ - thông tin, năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo ra là các sản phẩm - dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày mạnh mẽ và đa dạng của người dân. Đặc biệt, bà Đinh Thị Hải Yến - Phó Chủ Tịch UBND phường Lý Thái Tổ đã có chia sẻ: “Công tác phát triển công nghiệp văn hoá là một nội dung được thành phố và quận Hoàn Kiếm đặc biệt chú trọng”. Với vai trò là phường trung tâm thuộc quận Hoàn Kiếm, trong năm 2024, phường Lý Thái Tổ đã tổ chức nhiều hoạt động cho du khách trong và ngoài nước nhằm quảng bá nét đẹp văn hoá của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Thực tiễn cách mạng công nghiệp văn hóa tại địa phương
Đền Ngọc Sơn là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thuộc địa bàn của phường Lý Thái Tổ. Đến đầu năm 2024, Ban Quản lý di tích và danh thắng (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã ra mắt tour trải nghiệm "Ngọc Sơn - đêm huyền bí” diễn ra vào thứ 4 và thứ 5 hàng tuần, thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các du khách trong và ngoài nước.
Du khách sẽ được trải nghiệm đa dạng các hoạt động văn hóa diễn ra tại nơi đây như lễ ban chữ thánh hiền trước Tháp Bút, thưởng thức màn biểu diễn “Điệu múa của mặt trời” giữa cầu Thê Húc hay chiêm bái nghi lễ cầu an và phòng trưng bày tiêu bản rùa Hồ Gươm. Trong đó, tiết mục để lại nhiều ấn tượng nhất trong mỗi khán giả có lẽ là màn trình diễn tái hiện truyền thuyết vua Lê trả gươm cho rùa vàng ngay tại giữa Hồ Hoàn Kiếm.
Nói về ấn tượng với tour, bạn Trần Đặng Tú Nhi (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Được trao cho cơ hội được làm "Người kể chuyện" bằng Tiếng Anh của Ngọc Sơn Temple Night Tour, mình cảm thấy rất may mắn khi có cơ hội được làm việc và đóng góp cho một sự kiện mang ý nghĩa văn hóa to lớn như vậy. Tour đêm tại đền Ngọc Sơn đã mang giới trẻ đến gần hơn với lịch sử và văn hoá Hà Thành nhờ sự kết hợp giữa yếu tố lịch sử, truyền thuyết và đời sống hiện đại. Thông qua hoạt cảnh Vua Lê Lợi hoàn gươm cho Rùa thần, kết hợp với nhiều hoạt cảnh khác ở các chặng khác nhau trong tour, cùng với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh và công nghệ trình chiếu 3D vô cùng hiện đại và đẹp đẽ, khách tham quan được tiếp cận với lịch sự một cách rõ nét và sống động hơn. Mình thấy đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị dành cho tất cả mọi người".
Nhờ công nghệ hiện đại từ 3D Mapping cho đến công nghệ trên mặt nước kết hợp với sân khấu hóa di tích lịch sử một cách hấp dẫn, chương trình bước đầu đã thành công lan tỏa giá trị văn hóa Hà Nội, qua đó giúp khách tham quan hiểu và yêu hơn quần thể di tích đặc biệt này.
Tại buổi trao đổi cùng tập thể lớp Truyền thông Đa phương tiện K43, bà Đinh Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ còn bày tỏ niềm vinh hạnh khi hơn 400 cán bộ Đảng viên và nhân nhân dân phường có cơ hội tham gia diễu hành giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ tại “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra vào ngày 6/10 vừa qua. Đây là chương trình quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và 25 năm đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình của UNESCO (16/7/1999-16/7/2024). Tiếp nối những hoạt động nhằm lan tỏa rộng rãi văn hoá tại địa phương đến với bạn bè trong nước và Quốc tế, đoàn diễu hành của phường Lý Thái Tổ cũng tham gia Diễu hành xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm trong Lễ hội thiết kế sáng tạo được tổ chức vào ngày 09/11/2024.
Thông qua những hoạt động sôi nổi được địa phương tham gia tổ chức trong năm qua, có thể thấy được quyết tâm cao của chính quyền địa phương và thành phố trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đề cao khả năng sáng tạo, lấy giới trẻ làm nòng cốt, và khẳng định văn hóa là động lực quan trọng để phát triển bền vững. Buổi giao lưu với UBND phường Lý Thái Tổ đã mang đến một cơ hội quý giá để các bạn sinh viên được trang bị những kiến thức mới từ thực tế, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống lâu đời dân tộc và ý thức trách nhiệm với tương lai đất nước.