"Người làm vườn" của "những bông hoa" khiếm thính
(Sóng trẻ) - “Người làm vườn” - biệt danh thân thương được đặt bởi những vị khách của anh Ngô Quốc Hào - CEO kiêm "người phiên dịch" của Flow-ee, một quán cà phê được phục vụ bởi người khiếm thính (Thể Giao, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Hành trình “làm vườn” từ những ngày đầu
Lớn lên trong một gia đình có nền tảng giáo dục tốt, anh Ngô Quốc Hào - một thanh niên với nhiều ước mơ hoài bão, quyết định đi du học Anh Quốc ngay sau khi hoàn thành chương trình Trung học Phổ thông. Trong những ngày tháng ở xứ người, anh vừa học vừa làm thêm nhiều công việc khác nhau để bươn chải cuộc sống. Ngoài theo đuổi chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Quốc Hào học thêm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Khởi nghiệp. Song song với đó, anh triển khai thành công hai mô hình kinh doanh tại Anh, phục vụ cho chuyên ngành mình theo học.
Sau chín năm sinh sống và học tập tại nước ngoài, Quốc Hào nhận ra rằng không phải sống ở nước ngoài, biết một chút tiếng Anh mới có thể thực hiện được giấc mơ khởi nghiệp của mình. Với những thế mạnh và những gì mà bản thân học được về ngành Quản trị kinh doanh và Khởi nghiệp, anh quyết định quay trở lại Việt Nam và tìm những người bạn đồng hành cùng nhau xây dựng quán cà phê Flow-ee.
Trở về Việt Nam, Quốc Hào quyết định khởi nghiệp mô hình quán cà phê tại Hà Nội. Trong quá trình bắt đầu lên ý tưởng, anh nhận thấy nếu khởi nghiệp với một quán cà phê giống như nhiều quán khác sẽ khó thu hút khách hàng. Trong lúc bế tắc, anh có cơ duyên gặp gỡ chị Ly - quản lý của một tổ chức đào tạo và tiếp nhận người khuyết tật. Sau khi được chị chia sẻ về những bạn trẻ khiếm khuyết trong tổ chức, anh nảy ra ý tưởng sẽ thành lập quán cà phê đặc biệt - nơi những vị khách được phục vụ bởi những bạn trẻ khiếm thính.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh tâm sự: “Tôi nghĩ bản thân mình là một người khá may mắn, khi có thể tìm được một đội ngũ quản lý tâm huyết cùng khởi nghiệp một quán cà phê đặc biệt”. Từ những ngày đầu thi công, quán gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về mặt vật chất, thực đơn cho quán mà còn vấn đề đào tạo nhân viên. Thậm chí, nhiều đêm, các nhóm côn đồ tấn công, đập phá quán vì quán được xây dựng trên một con phố thường xảy ra tranh chấp.
“Có những lúc, tôi có ý định dừng lại, dừng chân một lúc để nghỉ ngơi nhưng lại nghĩ đến các bạn khuyết tật cần mình, cần quán để có thể trang trải cuộc sống, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục công việc này”. Anh Hào trải lòng. |
Quán cà phê nằm trong ngõ nhỏ trên phố Hai Bà Trưng. Anh đặt cho quán cái tên Flow-ee, với ý nghĩa là dòng chảy. Đây không chỉ là dòng chảy của âm nhạc, của thời gian. Nó còn là dòng chảy của cuộc đời mỗi con người. Mỗi cá nhân sống như một bản nhạc với những nốt thăng trầm, không phải ai cũng may mắn có một cuộc sống đủ đầy theo ý mình. Anh Hào hi vọng những bạn khiếm thính nói chung và nhân viên quán nói riêng có thể sống một cuộc đời vui tươi với bản nhạc của riêng mình.
Để chăm sóc cho “những bông hoa” thêm nở rộ và ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt của mỗi vị khách ghé quán, Quốc Hào tạo nên “Flow-ee moment” - chiếc bảng bé, vừa đủ lấp đầy bức tường, nằm đối diện cửa ra vào, chứa đựng những tình cảm, niềm yêu thương của các vị khách dành cho các bạn nhân viên. Quốc Hào chia sẻ: ''Thấy những tờ giấy note của khách để lại, trong đó, có tờ ghi bằng tiếng Hàn, Nhật, Anh... tôi rất vui vì nhiều người ủng hộ quán”.
Mỗi góc tại quán đều được tận dụng để làm chỗ ngồi, chỗ giao lưu mỗi khi khách đến hay trang trí những món đồ đặc biệt. Từ sáng đến tối, nhân viên trong quán giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Nếu bạn nhìn những nụ cười luôn thường trực trên gương mặt “những bông hoa” cũng đủ nhận ra họ vui như thế nào khi làm việc và cống hiến tại đây.
Ngoài làm việc tại quán cà phê vào mỗi buổi tối, anh Hào hiện đang làm nhân viên IT tại FPT Software. Anh tâm sự rằng công việc cũng liên quan đến Flow-ee ở chỗ hay phải xem các số liệu, sử dụng những phần mềm để có thể giúp bản thân quản lý và thống kê được những số liệu trong quán tốt nhất.
“Việc làm thêm công nghệ IT giống như sự bổ trợ, và đôi khi tôi đi làm ở chỗ khác sẽ mở mang được cái đầu mình hơn, sẽ không bó gọn trong không gian nhỏ hẹp tại Flow-ee. Đây cũng là cơ hội giúp tôi biết được nhiều người hơn, xây dựng mối quan hệ cho bản thân”. Anh Ngô Quốc Hào. |
Anh Hào không cáu gắt, thái độ luôn niềm nở điềm đạm với các bạn nhân viên, giúp các bạn không hoảng sợ và mặc cảm về bản thân. Tất cả những vị khách đến đây đều gọi anh với một cái tên thân thương “người làm vườn” tạo ra những bông hoa nhỏ.
Sự nở rộ của “những bông hoa” đầu mùa
Từ những ngày đầu thành lập tới nay, Flow-ee hiện có 6 nhân viên làm việc. Các bạn đều là những người khiếm thính. Mỗi ca làm có 3 bạn, chia nhau làm việc từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm.
Nhìn lại khoảng thời gian hơn 4 tháng làm việc cùng nhau, anh Hào chia sẻ bản thân anh cùng các bạn nhân viên của quán đã quen với nhịp độ công việc của mình. Khi nhớ lại giai đoạn khó khăn, anh Hào chia sẻ: “Có lẽ khó khăn nhất là việc các bạn phải học pha chế nhiều thức uống. Tôi cũng lường trước rằng với số lượng món và số lượng công thức phải đong đếm chi li sẽ rất khó nhớ. Kể cả với những người quản lý, những người tạo ra menu chưa chắc nhớ được từng ly từng tí một, món này bao nhiêu, món kia bao nhiêu”.
Với một năng lượng nhiệt huyết, không sợ vấp ngã, anh Hào cho rằng anh xây dựng flow-ee với tinh thần “khởi nghiệp không sợ sai”. Anh luôn trong tâm thế dám làm: “Có làm mới có kết quả, kể cả kết quả sai, mình tiếp tục làm đến khi đạt kết quả tốt. Đi từng bước nhỏ sẽ giúp các bạn nhân viên trong quá trình học pha chế thấy được niềm vui, đồng thời công việc trở nên dễ dàng hơn.”
Bạn Vũ Thế Dương (20 tuổi, Hà Nội), một nhân viên của quán chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu: “Tôi ở flow-ee, nhìn cách mọi người làm việc và thấy được những vị khách tìm đến quán khiến tinh thần của tôi rất vui. Bởi vì vậy, tôi đam mê làm việc ở flow-ee”.
“Tôi yêu thích món soda việt quất của quán, đây là món đồ uống do chính tay tôi sáng tạo, tôi đặt tên cho nó là Blue Ocean. Khi tôi nghĩ về thức uống này, tôi nghĩ về một chút đồ ngọt, một thứ đồ uống rất phù hợp với mùa hè, giúp chúng ta giải khát, giải nóng. Khi thưởng thức loại đồ uống này, tôi cảm thấy sảng khoái, và ngon”. Thế Dương phấn khích chia sẻ. |
Khi được hỏi về một bạn nhân viên có sự thay đổi rõ rệt nhất khi trở thành “flower", anh Hào đã không chần chừ mà nhắc ngay về Lệ (1997, Hà Nội), thành viên duy nhất trong quán đã có gia đình.
Ban đầu, Lệ là một cô gái vô cùng cá tính và có nhiều sự sáng tạo. Thời gian đầu cô chưa biết cách trình bày những ý tưởng một cách tích cực. Nhưng sau thời gian được góp ý, làm việc cùng anh Hào và các bạn nhân viên khiếm thính khác, Lệ tiến bộ rất nhiều. Cô gái ấy đã có thể kiềm chế trong cách bày tỏ cảm xúc của mình để làm việc hiệu quả nhất.
Được biết, để có thể hoạt động tốt như hiện tại, cứ hai lần một tuần, các thành viên quán flow-ee sẽ tổ chức họp mặt, bày tỏ những khó khăn và tìm hướng giải quyết. Bên cạnh những nhân viên là người khuyết tật, những cổ đông luôn sẵn sàng là phiên dịch viên, trò chuyện và hỗ trợ các khách hàng khi cần.
Chàng trai trẻ tuổi Ngô Quốc Hào sẽ luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những bạn trẻ khiếm thính, đồng thời là nguồn động lực to lớn cho các bạn trẻ khác. Bởi anh mở quán không chỉ với tinh thần đam mê khởi nghiệp mà đó còn là tất cả sự tin tưởng, niềm yêu thương, sự quan tâm đặc biệt dành cho những “bông hoa” trong “khu vườn” đặc biệt.
Ngày 15/12, sáng kiến khởi nghiệp quán cà phê Flow-ee vinh dự được chọn là 1 trong 12 sáng kiến sáng tạo hướng tới cộng đồng - Thanh niên Việt Nam đang hành động vì Phát triển Bền vững tại UN DAY Celebration Event, sự kiện kỷ niệm ngày Liên Hợp Quốc 2023 về “Sáng kiến đổi mới của thanh niên vì phát triển bền vững”.
|