“Quá nhiều bất cập với nhà báo khi điều tra bảo vệ động vật hoang dã”
(Sóng Trẻ) - Đó là trăn trở của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) trong Hội thảo “Xây dựng bộ tài liệu tập huấn kỹ năng báo chí điều tra liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật” được tổ chức vào sáng 26/1 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Trái phép 10, phát hiện 1
Hội thảo "Xây dựng bộ tài liệu tập huấn kỹ năng báo chí điều tra liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật" do Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tại Việt Nam phối hợp với Khoa Phát thanh - Truyền hình tổ chức. Đến dự hội thảo, có sự hiện diện của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lực lượng chức năng và các nhà báo có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động phòng chống buôn, bán động vật hoang dã.
Toàn cảnh hội thảo.
Tại Hội thảo, thực trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép được đưa ra hết sức nguy cấp. Phóng viên Nguyễn Trường Sơn (Trung tâm tin tức VTV24) cho biết: “Số vụ buôn bán trái phép bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm khoảng 10% tổng số vụ buôn bán trong thực tế”. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của bà Nguyễn Lan Ánh – cán bộ Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã. Bà đưa ra các con số đáng chú ý: chỉ trong quý III năm 2017 đã có 26 vụ việc buôn bán trái phép động vật hoang dã bị phát hiện với tổng số 3513 cá thể.
Bà Nguyễn Lan Ánh, cán bộ WCS trình bày về thực trạng mua bán trái phép động vật hoang dã.
Dù vậy, sự sống của những cá thể được phát hiện qua các vụ việc trên cũng không lấy gì làm sáng sủa. Nhà báo Hùng Võ (Báo Vietnamplus) cũng chia sẻ trong năm 2015, 70 cá thể tê tê quý hiếm được giải cứu từ hoạt động buôn bán bất hợp pháp, nhưng phải mất gần 5 tháng sau, chúng mới được tái thả về rừng, với lý do vướng luật. Sự chậm trễ này đã khiến 2/3 số tê tê bị chết do thời gian lưu giữ quá dài ngày.
Những con số báo động về tình hình mua bán trái phép động vật hoang dã
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã ngày càng lớn cùng nguồn lợi nhuận dồi dào trở thành những nguyên nhân chính khiến tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép ngày càng gia tăng trên thế giới và cả ở Việt Nam.
Nhà báo trăn trở “đại án rùa biển” ba năm chưa xử !
Là một cây bút nổi tiếng với nhiều loạt bài phanh phui các vụ việc buôn bán động vật hoang dã trái phép, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao động) bày tỏ nỗi buồn khi số vụ bị phát hiện đã ít, nhưng số vụ đi đến tận cùng thì lại càng ít hơn. Minh chứng điển hình mà nhà báo đưa ra là “đại án rùa biển” do chính ông thực hiện từ cuối năm 2014. Hơn 10 tấn rùa biển được phát hiện trong một cơ sở chế biến tại Nha Trang, Khánh Hòa. Thế nhưng, sau 3 năm, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết vụ án vẫn chưa được đi tới hồi kết bởi “cơ quan điều tra vẫn đang khám nghiệm xem đó là rùa biển hay không”!?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp
Không những vậy, theo như chia sẻ của phóng viên Trường Sơn (VTV24), các nhà báo của Việt Nam khi tác nghiệp thường gặp khó khăn về mặt thiết bị, công nghệ. Giá cả của các thiết bị ghi âm, ghi hình điều tra thường rất cao, trong khi thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, còn thù lao cho các tuyến bài điều tra này không thấm tháp gì với chi phí ban đầu bỏ ra.
Hàng loạt những câu chuyện của các nhà báo cho thấy lỗ hổng về mặt chế tài xử lý, về tính nghiêm minh của pháp luật trong từng vụ việc và những thách thức của nhà báo khi điều tra mảng này.
Rõ ràng, có “quá nhiều bất cập với nhà báo khi điều tra bảo vệ động vật hoang dã” – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kết luận.
Cần một tài liệu riêng cho nhà báo điều tra
Ngay tại hội thảo, nhiều ý kiến góp ý của các khách mời đã góp phần đưa ra những định hướng để nâng cao hoạt động báo chí trong mảng đề tài về động vật hoang dã. Nhà báo Trần Lệ Thùy ( Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển ) cho rằng: Buôn bán động vật hoang dã trái phép là một đề tài không phải không có độc giả, trong đó vai trò của báo chí địa phương là rất lớn. Bên cạnh đó, biện pháp căn cơ nhất, lâu dài nhất để cải thiện tình trạng báo động hiện nay, ở khía cạnh truyền thông là cần thay đổi hình ảnh, nhận thức của người dân về động vật hoang dã.
Nhà báo Trần Lệ Thùy
Hoạt động điều tra về buôn bán động vật hoang dã trái phép đã được báo chí tiến hành từ lâu, song những tri thức vẫn chủ yếu nằm ở dạng kinh nghiệm truyền từ người này sang người khác. Chính vì vậy, chúng ta đang thiếu những "nhạc trưởng" cho hoạt động này (Nhà báo Hà Hồng - Báo Nhân dân)
Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí về sự cần thiết của một bộ tài liệu tập huấn chính thức cho các nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực này. Theo dự thảo, tài liệu tập huấn sẽ gồm 5 chương, 2 chương đầu xoay quanh các kiến thức nền tàng về buôn bán trái phép động vật hoang dã, 3 chương sau tập trung vào các kĩ năng nghề nghiệp. Việc hoàn thiện tài liệu sẽ có sự tham gia hỗ trợ của các nhà báo có tên tuổi và kinh nghiệm trong nghề. Đây sẽ là một định hướng bài bản và rõ ràng cho các nhà báo trẻ có một kiến thức nền tảng về hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Ban biên tập Khoa PT-TH
Cùng chuyên mục
Bình luận