Quán cafe với những nhân viên điếc và hành trình định vị giữa bản đồ các quán cafe

(Sóng trẻ) - Nhìn lại câu chuyện khởi nghiệp và đặc biệt là quá trình vận hành flow-ee - mô hình quán cà phê đặc biệt có nhân viên là người điếc, anh Ngô Quốc Hào - CEO của quán khẳng định yêu thương làm nên điều kỳ diệu. 

flow-ee (Số 7 Thể Giao, Lê Đại Hành, Hà Nội) là một mô hình quán cà phê đặc biệt, nơi tất cả nhân viên đều là người điếc. Tên gọi của quán gợi nhớ đến dòng chảy hòa quyện giữa nốt thăng, nốt trầm của cuộc sống và hương vị ngọt ngào từ món bingsu - đồ uống đặc trưng của quán. 

Là dự án khởi nghiệp thứ ba của anh Ngô Quốc Hào, flow-ee là đứa con tinh thần của anh cùng đội ngũ quản lý. Ý định thành lập mô hình quán cà phê đặc biệt này được nhen nhóm từ tháng 3 năm 2023, khi anh mong muốn xây dựng “hệ sinh thái” tinh thần với những cơ hội việc làm cho cộng đồng người điếc. 

anh-1-thumb.jpg
Anh Hào (áo trắng) chụp ảnh cùng tập thể nhân viên tại flow-ee. (Ảnh: NVCC)

Anh Ngô Quốc Hào: khởi nghiệp bằng tình yêu thương

PV: Anh đã bắt đầu khởi nghiệp từ khi nào?

- Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ năm cuối đại học, hồi đó tôi khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực bảo tàng - áp dụng một vài công nghệ liên quan đến hệ thống gợi ý giống như hệ thống của Spotify (thuật toán cá nhân hóa cho người dùng của ứng dụng âm nhạc Spotify). Sau đó tôi cũng khởi nghiệp thêm một dự án nữa liên quan đến việc làm visa cho du học sinh châu Á để có thể sang được nước Anh. 

Điểm chung của hai dự án này là mong muốn giúp đỡ mọi người. Ví dụ với dự án bảo tàng, tôi thấy những bảo tàng nhỏ và độc lập ở Anh dần dần bị chết mòn đi vì không được mọi người biết đến nhưng nếu tôi có thể truyền thông và quảng bá cho họ để họ có thể được nhiều người biết đến hơn, đó là một điều rất tốt để giữ gìn sự đa dạng văn hóa của nước Anh. Và giống với hai dự án trên, “đứa con tinh thần” thứ ba của tôi là flow-ee cũng mang mục đích tương tự là hướng tới việc giúp đỡ và hỗ trợ cộng đồng. 

PV: Tại sao anh lại ấp ủ thành lập một quán cà phê với mô hình đặc biệt như thế này?

anh-2.jpg
Anh Hào cho rằng người câm điếc là đối tượng thiệt thòi nhất trong nhóm người khuyết tật. (Ảnh: NVCC)

- Tôi cùng đội ngũ quản lý thấy rằng các bạn câm điếc là một trong những nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong nhóm những người khuyết tật. Vì vậy, chúng tôi mới tạo ra flow-ee - nơi mà các bạn có thể có thêm thu nhập và là môi trường để các bạn thỏa sức sáng tạo cho những đồ uống. 

Tôi muốn mang đến một thông điệp rằng cuộc sống luôn luôn là sự hòa quyện giữa những mảng màu đối lập. Chúng ta cần công nhận và đừng cố phân biệt những sự đối lập này. 

PV: Theo anh, đâu là yếu tố quan trọng để tuyển dụng nhân sự tại flow-ee? 

- Tôi nghĩ tiêu chí của tuyển dụng tại flow-ee hơi khó diễn tả bằng lời. Nhưng nó giống như cảm nhận với một người rằng liệu họ có thực sự yêu và định hướng gắn bó lâu dài với flow-ee hay không? Nó mang tính đặc thù và hơi khác so với những quán cà phê khác vì khi người điếc ở trong cộng đồng của họ lâu rồi, họ sẽ có xu hướng quen làm việc và sống với cộng đồng này. Khi mà được bước vào cộng đồng lớn hơn, họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, tôi nghĩ các bạn nhân viên cần có sự dũng cảm nhất định. 

PV: Đâu là yếu tố cốt lõi mà anh luôn lưu tâm trong việc giao tiếp với các bạn nhân viên?

- Với vấn đề giao tiếp với các bạn nhân viên người điếc, tôi sẽ phải có hai luồng suy nghĩ. 

Suy nghĩ đầu tiên, các bạn nhân viên người điếc không có nhiều khả năng về mặt ngôn ngữ Tiếng Việt như mình. Ví dụ với từ vựng khó hay bay bổng một chút, các bạn sẽ không hiểu được, cũng như sẽ không có ngôn ngữ ký hiệu để biểu đạt những từ đấy, với câu dài cũng tương tự như thế. Họ hơi “lép vế” về ngôn ngữ Tiếng Việt một chút. 

Suy nghĩ thứ hai, có hơi đối nghịch với suy nghĩ đầu tiên. Mặc dù có sự khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt, các bạn lại rất tinh tế, chỉn chu trong cách sử dụng ngôn ngữ khiến tôi rất bất ngờ. Tôi sử dụng ánh mắt thôi là các bạn cũng hiểu tôi muốn gì, cần gì. Thế nên việc giao tiếp với các bạn sẽ giúp tôi có thêm những góc nhìn đa dạng hơn. 

PV: Có người nói rằng việc thành lập một quán cà phê do người điếc đảm nhận là một quyết định táo bạo và phải đánh đổi nhiều, nhưng lại có ý kiến cho rằng đó là một lựa chọn thông minh khi xây dựng một mô hình có nhiều giá trị, đâu là nhận xét mà anh thấy phù hợp với trường hợp của mình hơn? 

- Đúng là tôi được nghe rất nhiều từ cả hai ý kiến trên. Người thân sẽ đánh giá theo hướng đầu, còn người lạ sẽ đánh giá theo hướng ở sau. Dù là nhận xét kiểu gì, tôi vẫn rất tin tưởng vào tầm nhìn và định hướng phát triển của flow-ee với mô hình đem việc làm sáng tạo tới cho các bạn người điếc. Bên cạnh đó, tôi nghĩ với nhận xét nào thì cũng cần đều cần phải giữ cái đầu lạnh, tâm thế “phải xắn tay vào mới biết” và sự tự tin, chủ động với các thay đổi cần có cho flow-ee.

PV: Tên anh thường được mọi người gọi liền theo với danh xưng “anh chủ của những nhân viên điếc”. Anh có thích được gọi với danh xưng này không, hay anh chỉ thích được gọi đơn thuần là founder (người sáng lập) của một quán cà phê?

- Mọi người có thể gọi tôi là founder cũng được, nhưng nếu để tôi tự xưng hô tôi sẽ không gọi tôi là founder. Bởi vì thực sự tôi thấy được là mối quan hệ giữa nhân viên ở flow-ee với cá nhân tôi không có nhiều khoảng cách lắm. 

Định hướng ban đầu khi mà tất cả mọi người trong ban quản lý dựng nên flow-ee là không nhìn nhận chúng tôi là chủ còn các bạn chỉ là nhân viên. Nghĩa là những người quản lý như bọn tôi không chỉ đào tạo nhân viên rồi trả lương cho các bạn. Mặt khác, tất cả những quản lý cũng học được nhiều điều từ những bạn nhân viên ở flow-ee, chẳng hạn chính các bạn đã dạy cho chúng tôi ngôn ngữ ký hiệu. Đó là khi mà mối quan hệ có sự có đi có lại. 

anh-3.jpg
Anh Hào bày tỏ rằng mối quan hệ giữa mình và nhân viên là sự có đi có lại. (Ảnh: NVCC)

flow-ee: hơn cả một quán cà phê với nhân viên là người điếc

PV: Một dự án hay bất cứ sản phẩm nào thì cũng cần có USP (trong marketing gọi là “lợi thế bán hàng độc nhất”).  Anh có sợ sự mặc định của cộng đồng rằng các bạn nhân viên điếc chính là USP của quán và nếu không có các bạn, quán sẽ không thể thu hút khách hàng đến vậy? 

- Tôi không sợ những mặc định của mọi người là USP của quán là các bạn nhân viên điếc mà hoàn toàn tự hào vào điều đó. Sự thu hút này không mất đi nếu đây không phải mô hình người điếc, bởi tôi nghĩ rằng tất cả quản lý, nhân viên bên tôi đều rất nhiệt huyết, đam mê. Như tôi đã nói, chúng tôi đem giá trị cho lẫn nhau và đây là mối quan hệ có qua có lại. Đây là đem giá trị cho chính các bạn chứ không phải các bạn ấy đem lại giá trị cho quản lý bên tôi. 

PV: Anh định vị flow-ee như thế nào trong hành trình thiết lập thế giới quan của mình? 

anh-4.jpg
Anh Hào nhận định nhờ flow-ee chúng ta sẽ có thêm nhiều “cuộc đời” khác. (Ảnh: NVCC)

- Có câu nói rằng: You only live once - Bạn chỉ sống 1 lần trong đời. Nhưng với sự xuất hiện của flow-ee (hay những mô hình tương tự), chúng ta có thêm nhiều “cuộc đời” khác. Tôi có cơ hội được sinh ra một lần nữa ở một thế giới mới, nơi ngôn ngữ không phải lời nói từ miệng mà nó nằm ở đôi bàn tay, cử chỉ khuôn mặt và điệu bộ. flow-ee chính là một “đứa con tinh thần” chứa đầy cái “tâm”. 

PV: Để xây dựng được một flow-ee lan tỏa giá trị yêu thương, cần đến những con người có “tâm”, vậy theo anh chỉ có “tâm” thôi có đủ để xây dựng được một flow-ee như anh mong muốn hiện nay không? 

- Theo tôi hiểu, cái “tâm” ở đây có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, cái “tâm” là tấm lòng mình - tấm lòng dành cho việc tạo công ăn việc làm cho các bạn người câm điếc. Thứ hai, cái “tâm” còn có thể được hiểu là “hồng tâm”, một đích đến: để quán có thể duy trì được thì hoạt động kinh doanh của quán phải tốt, chất lượng phục vụ phải cao. Để đạt được mục tiêu đó, bên tôi luôn sát sao trong việc đào tạo nhân viên để các bạn có thể hiểu được rằng, kỳ vọng khi vào một quán cà phê có thể sẽ cao hơn nhiều so với các trải nghiệm của các bạn trong quá khứ. 

PV: flow-ee đang định vị mình như thế nào trong “bản đồ” các mô hình quán cà phê nhân văn ngày nay? 

- Nhiều người hỏi tôi là flow-ee có phải một tổ chức xã hội hay không? Tôi trả lời là flow-ee không phải là một tổ chức xã hội, flow-ee là một tổ chức thuần lợi nhuận nhưng hướng tới những giá trị xã hội. Tôi muốn đem những lợi nhuận, lợi ích tới ngược lại cho các bạn nhân viên điếc. Nhiều tổ chức nhân văn thường muốn đi theo xu hướng tổ chức cộng đồng nhưng vô hình trung điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nguồn trợ cấp chính phủ hay nguồn vốn. 

Thêm nữa, nếu những người khác có những ý tưởng khởi nghiệp tương tự với flow-ee, bên tôi sẵn sàng ủng hộ để truyền thông, hỗ trợ vì đó là một trong những mục tiêu ban đầu của flow-ee: nhân rộng tinh thần văn hóa của người điếc, giúp cho họ cảm thấy bớt mặc cảm và có cơ hội bình đẳng hơn. 

anh-5.jpg
Anh Ngô Quốc Hào khẳng định flow-ee đem lại giá trị cho các bạn nhân viên. (Ảnh: Facebook flow-ee)

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Kính chúc anh và flow-ee sẽ ngày càng phát triển hơn nữa trong tương lai!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"

Tin nổi bật2 giờ trước

(Sóng trẻ) - Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (NMK) sẽ chính thức khai trương phòng trưng bày cố định đầu tiên dành riêng cho bộ sưu tập "Oegyujanggak Uigwe" vào thứ sáu,15/11.

196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”

196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”

Tin nổi bật3 giờ trước

(Sóng trẻ) - Ngày 14/11, lễ trao giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” diễn ra tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay

Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay

Tin nổi bật3 giờ trước

(Sóng trẻ) - Là một hoạt động nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, chuỗi workshop âm thanh “Lắng Nghe Sâu” mang đến trải nghiệm âm thanh độc đáo giúp người tham gia tương tác, cảm nhận và kết nối với không gian xung quanh.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN