Sáng tạo nội dung trên YouTube: mới lạ hay lệch lạc?
(Sóng trẻ) - Mặc dù nhiều video trên YouTube không được đánh giá cao về giá trị nhân văn, ý nghĩa giáo dục nhưng lại nhận được sự tương tác lớn. YouTube còn trở thành bệ phóng nghề nghiệp cho hàng trăm bạn trẻ và những người bình thường khác.
Theo thống kê của YouTube năm 2018, Việt Nam có khoảng 45 triệu người đang xem YouTube, chiếm hơn 50% dân số. Mỗi phút trên YouTube có đến 400 giờ video mới được đăng tải.
Tuy nhiên, bên cạnh những YouTuber tâm huyết, không ngừng sáng tạo những nội dung mới lạ, ý nghĩa thì cũng có một bộ phận không nhỏ các nội dung không phù hợp. Và trong 2 năm qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc cùng ogle để xóa bảo gần 8.000 clip xấu/độc trên YouTube nhưng hiện tại vẫn còn tới 55.000 video độc hại tồn tại.
Nhiều tác động khôn lường từ YouTube
Tháng 03/2019, một trong những vụ việc báo động về tác hại của YouTube trên toàn thế giới là bộ phim hoạt hình Peppa Pig (Chú heo Peppa) hay Thử Thách Momo. Điểm chung của những bộ phim hoạt hình, trò chơi này là nội dung phản cảm, độc hại như dạy trẻ uống thuốc tự tử, cách đâm người, cách cắt tay tự tử và nhiều trò bạo lực khác.
Một số nội dung khác nguy hiểm không kém như thử thách 100 con dao nhọn từ mái nhà xuống đất, thử đốt 100 ngàn que diêm trong bồn cầu, thả lon coca vào chảo dầu sôi 3000C…
Được biết, hầu hết các video nội dung trên đều được các YouTuber dàn dựng nên không nguy hiểm cho người tham gia. Tuy nhiên, các kênh này có lượt xem rất lớn từ trẻ em dưới 16 tuổi, đối tượng chưa đủ nhận thức về độ nguy hiểm của các hành động trong video.
Vào tháng 11 vừa qua, rất nhiều phụ huynh đã bàng hoàng khi báo chí đưa tin vụ việc cháu bé 7 tuổi ở huyện Nhà Bè phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu chỉ vì bắt chước trò” thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube. Người thân sau khi phát hiện cháu bé treo lơ lửng trên dây phơi quần áo bằng một chiếc khăn quàng đã đưa bé đến bệnh viện. Rất may sau đó bé đã được cứu sống. Khi tỉnh lại, bé cho biết nguyên nhân có hành động như trên là bắt chước ảo thuật trên kênh YouTube.
Thêm vào đó, các clip giải trí đăng tải trên YouTube phổ biến nhất là hình thức "Troll, Prank – trò đùa bất ngờ” để ghi lại những phản ứng của các người chơi bất đắc dĩ. Dư luận từng xôn xao về một nhóm YouTuber ở Hà Nội dựng clip giả về đặt bom khủng bố nài đường.
Càng "nhảm” thì view càng cao
Nhưng điều đáng bàn luận hơn cả là những video và những kênh chứa video này vẫn tồn tại với lượng view "khủng”.
Với một tiêu đề gây tò mò, cặp đôi trong video này đã kiếm về hơn 13 triệu lượt xem
Hiện YouTube đã có những biện pháp ngăn chặn, cảnh báo nội dung không phù hợp cho trẻ em. Nhưng trong gia đình thì bố mẹ lại sử dụng YouTube để giúp bé giải trí cũng như học tập thường ngày. Nếu không được hướng dẫn cách sử dụng thì trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các video tiêu cực trên YouTube.
Xu hướng làm YouTube trên thế giới ảnh hưởng đến cách sáng tạo nội dung của các YouTube Việt hiện nay. Hướng đến những nội dung giật gân, độc, sốc để kích thích sự tương tác của cộng đồng mạng bao gồm cả tương tác tích cực lẫn tiêu cực. Những video càng gây tranh cãi thì lượt view càng cao.
Theo Chuyên gia văn hóa TS. Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyện tiêu cực trên các clip đó đã là căn bệnh xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Tác hại về lâu dài là làm mất đi sự trong sáng của tiếng việt, ảnh hưởng đến văn hóa giao tiếp và ứng xử, các thông tin sự thật bị nghi ngờ. Đồng thời, ảnh hưởng lớn đến uy tín truyền thông, uy tín của các nhà mạng.
TS. Nguyễn Thị Hồng trao đổi về thực trạng của các YouTuber
"Với những video có nhiều thủ đoạn câu view thì tâm lý từ tò mò về tiêu đề giật gân sẽ dẫn đến thay đổi cả hành vi. Từ tư duy cảm tính ban đầu sẽ dẫn đến một ý thức và hành động lệch chuẩn. Đặc biệt lượt truy cập những video đến hàng triệu khán giả nên sức lan tỏa của nó là rất lớn. Nghiêm trọng nhất là đầu độc cả một thế hệ trẻ với những văn hóa lai căng vi phạm đạo đức xã hội.” TS. Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Khi YouTube trao cho các YouTuber quyền được kiếm tiền thì càng kích thích người dùng sản xuất video độc lạ để thu hút người xem. Những nội dung nhảm như thử thách "24 giờ làm chó”, thử thách "ngủ với lợn”… được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ, tung hô vì thành tích "phá phách” độc đáo.
Chị Trần Thị Hiền (27 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: "Cuộc sống, công việc, gia đình bây giờ có rất nhiều vấn đề áp lực. Mục đích xem YouTube chỉ đơn thuần là tìm tiếng cười, các trò giải trí mới lạ,… không cần mang ý nghĩa to lớn.”
Để phát triển một kênh YouTube thu hút thì YouTuber phải có xây dựng được hình ảnh và hướng đi riêng biệt cho mình. Nội dung càng mới lạ thì càng dễ nổi tiếng. Nhưng ranh giới giữa việc sáng tạo nội dung độc đáo với sự phản cảm lại dễ bị hiểu lầm.
Đứng từ góc độ của một người YouTuber, chủ kênh Ẩm thực mẹ làm chia sẻ: "Tôi nghĩ mạng xã hội giờ nó là vậy. Người ta muốn có nhiều view thì sẽ làm những thứ khác thường. Tôi cũng không dám phán xét hay đánh giá ai cả. Nhưng đừng bao giờ hành động làm xấu Việt Nam như đổ nước mắm lên đầu mẹ mình… và một vài kênh lớn tào lao khác. Để ra được video nội dung hay thì hãy đặt mình vào vị trí người xem như có rút ra kinh nghiệm nào không, có lắng đọng hay hài hước không… Làm YouTube phải kiên trì, tôi sẽ không thay đổi chất riêng như kênh Ẩm thực mẹ làm mà chạy theo xu hướng.”
YouTuber đang dần được công nhận là một nghề. Để thu hút người xem, các YouTuber phải có cách phát triển nội dung theo hướng độc lạ. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự sáng tạo và định hướng lệch lạc lại khiến các YouTuber gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Hãy cùng Sóng Trẻ chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Ý kiến của các bạn có thể gửi về hòm thư [email protected] hoặc viết trực tiếp vào bình luận ở cuối bài.
BBT Sóng trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận