Sinh viên “rủng rỉnh” tiền nhờ mê hát
(Sóng trẻ) - Tuy không quá mới mẻ và xa lạ nhưng công việc đi hát cho quán cafe, tham gia chương trình, sự kiện của ban nhạc sinh viên vừa thực hiện được niềm đam mê, vừa tạo một khoản thu nhập không nhỏ để chi tiêu cho cuộc sống.
“Hái” đam mê ra... tiền
Cùng với sự xuất hiện “rầm rộ” của các quán cafe nhạc sống hiện nay thì những ban nhạc sinh viên cũng dần kiếm được cái “nghề” ổn định. Đến đây, khách không chỉ nhâm nhi đồ uống, “tám” chuyện với bạn bè mà còn tới để thưởng thức âm nhạc.
Chị Hiền (quản lý một quán cafe trên đường Lê Thanh Nghị, Hà Nội) cho biết: “Để hút khách và tăng chất lượng phục vụ nên mình đã có ý định thuê ban nhạc về hát cho quán. Do là kinh doanh nhỏ nên việc chi trả để thuê ban nhạc chuyên nghiệp sẽ rất tốn kém. Mình được giới thiệu cho khá nhiều các ban nhạc sinh viên, họ diễn thử và mình thấy khá ổn thế nên quyết định thuê. Đến nay, tối nào ở quán cũng có nhóm nhạc tới hát và cũng đã thu hút được khá nhiều bạn trẻ đến thưởng thức âm nhạc, đặc biệt là vào cuối tuần”.
Các nhóm nhạc kết hợp với nhau bằng nhiều cách. Có thể từ các câu lạc bộ yêu thích nghệ thuật trong các trường đại học, cao đẳng; hay từ những người có chung sở thích, quen biết qua những lần nghe nhạc, rồi tập hợp nhau lại thành các nhóm nhạc sinh viên nghiệp dư với mục đích đơn thuần là niềm đam mê âm nhạc.
Thông thường, một nhóm nhạc cơ bản có từ 3-4 người, 1-2 người hát chính, 1 người chuyên chơi ghita và người còn lại gõ cajon. Hầu hết, các thành viên trong ban nhạc khá linh hoạt, đều có thể hát, chơi ghita và cajon. Đối với những nhóm nhạc sinh viên chuyên nghiệp hơn, được luyện tập kĩ năng bài bản thì số lượng thành viên đông hơn, theo đó sẽ chơi thêm một số loại nhạc cụ khác: ghita điện, kèn, trống…
Đi diễn ở nhiều quán cafe trên địa bàn Hà Nội, tham gia nhiều chương trình, sự kiện khác nhau, ban nhạc BHD được khá nhiều bạn trẻ yêu thích. Nhóm được thành lập cách đây 2 năm với 3 thành viên nam, sau thêm một giọng nữ chính cho ban nhạc. Tất cả các thành viên đều là sinh viên nhưng lại ở các trường đại học khác nhau.
Ban nhạc BHD say sưa biểu diễn ở một quán cafe
Trưởng nhóm Khắc Huy chia sẻ: “Do hay đi nghe nhạc, gặp gỡ nhau ở các quán cafe nhạc sống nên các thành viên quen biết nhau. Ban đầu lập nhóm chỉ là do cùng sở thích và phong cách âm nhạc. Sau được bạn bè giới thiệu thử sức đi hát ở một vài quán cafe nhỏ, càng về sau càng tích lũy thêm kinh nghiệm, kĩ năng chơi nhạc cũng khá hơn nên nhóm nhận được thêm nhiều lời mời diễn. Ban nhạc đã đi diễn khoảng hơn chục quán cafe khác nhau. Giờ không chỉ là thỏa mãn đam mê âm nhạc mà nó đã trở thành một cái “nghề” của nhóm”.
Tùy vào chất lượng chơi, độ chuyên nghiệp, độ “nổi” của từng ban nhạc… mà quán thỏa thuận trả công khác nhau. Thông thường, 1 buổi diễn tại các quán cafe diễn ra tầm 2-2,5 tiếng. Với những ban nhạc sinh viên mới chơi, chưa có nhiều kinh nghiệm được trả khoảng 150.000 đồng/người, nhóm chơi “cứng” tay, chuyên nghiệp hơn được trả từ 200.000 – 250.000 đồng/người.
Không chỉ chơi cho các quán cafe, các nhóm nhạc còn có thể tận dụng mối quan hệ qua những lần chơi nhạc để nhận được lời mời đi hát ở một số sự kiện, chương trình: khai trương công ty, doanh nghiệp, giao lưu văn nghệ giữa các trường… Các ban nhạc sinh viên tham gia vào các chương trình, sự kiện này thường được trả từ 1-1,5 triệu đồng/nhóm cho 3-5 bài hát, đối với các chương trình lớn sẽ được trả cao hơn.
Không chỉ diễn cho các quán cafe mà các ban nhạc sinh viên còn đi hát cho một số chương trình, sự kiện
Mỗi nhóm nhạc thường có lịch diễn từ 2-3 buổi/tuần ở nhiều quán khác nhau. Thêm vào đó còn có một số khoản thu nhập từ các chương trình, sự kiện. Như vậy, mỗi thành viên trong ban nhạc có thể kiếm được khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. So với các công việc làm thêm bán thời gian khác của sinh viên: bán hàng, phát tờ rơi, giao hàng… thì đây là mức thu nhập khá cao đối với lượng thời gian bỏ ra.
Do đặc trưng của công việc này thường diễn vào buổi tối nên khá phù hợp với quỹ thời gian rảnh rỗi của sinh viên. Đặc biệt là dễ dàng thống nhất thời gian khi làm việc cả nhóm, tránh được tình trạng lệch giờ lên lớp của các thành viên giữa các trường.
Không tránh khỏi chán nản
“Mọi người nhìn vào lúc nào cũng nghĩ nghề này nhàn hạ lắm, chỉ đơn giản là đánh đàn, ngồi hát 2 tiếng là được, còn đúng công việc mình yêu thích nữa. Nhưng thực sự công việc này dễ bị cảm xúc chi phối, không tránh khỏi chán nản vì nhiều khi hát mà mọi người chỉ nói chuyện, nghịch điện thoại, không ai quan tâm, hưởng ứng. Ca hát là làm nghệ thuật, cần có cảm xúc, được mọi người lắng nghe, vỗ tay thì mới có động lực được!”- Huy nói.
Công việc không chỉ dễ bị chi phối mà nhiều khi đi hát xảy ra tình huống “dở khóc dở cười” như nhiều khi đang diễn sung lại đứt dây đàn, rồi xảy ra trục trặc về âm thanh, nhạc cụ diễn ra thường xuyên khiến ban nhạc không kịp ứng phó. Bên cạnh đó là phải luôn tự làm mới ban nhạc bằng những bài hát mới, luyện tập để nâng cao kĩ thuật chơi nhạc với nhiều dòng nhạc khác nhau để có thể phục vụ được yêu cầu đa dạng của các khan giả tới nghe nhạc.
Là người yêu thích âm nhạc, hay ghé đến những quán café nhạc sống, Nguyễn Công (sinh viên trường Học viện Quân Y) chia sẻ: “Mình hay đi nghe nhạc sống ở nhiều quán cafe khác nhau. Tuy những nhóm nhạc sinh viên không thể so sánh với các ban nhạc chuyên nghiệp về kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ nhưng khi nghe họ hát thấy có nhiều cảm xúc và gần gũi hơn. Nhiều khi giống như là những người bạn hát cho nhau nghe, thực sự rất tuyệt!”.
Âm nhạc níu con người đến gần nhau hơn. Cái “nghề” để họ cùng chơi nhạc, cùng đàn hát, cùng trải nghiệm, cùng thưởng thức những nhịp điệu của cuộc sống và chia sẻ giai điệu đó cho nhiều người.
Chút năng khiếu có được cộng với niềm đam mê âm nhạc, các nhóm nhạc sinh viên đã tự tạo được cho mình một công việc ổn định và phù hợp với bản thân.
Hà Trang
Báo mạng điện tử K.30
Cùng chuyên mục
Bình luận