Sinh viên trường Báo thưởng thức tinh hoa nghệ thuật tại Bảo tàng gốm Bát Tràng
(Sóng trẻ) - Vừa qua, đoàn sinh viên lớp Báo mạng điện tử K43 có chuyến tham quan Thực tế chính trị - xã hội tại Bảo tàng gốm Bát Tràng nhằm nâng cao kiến thức và trải nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực báo chí.
Chuyến tham quan được tổ chức dưới sự hướng dẫn của ThS. Trần Thị Phương Lan và TS. Nguyễn Thùy Vân Anh. Thông qua chuyến đi, sinh viên có cơ hội khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của làng gốm Bát Tràng. Qua đó, các bạn không chỉ được trải nghiệm trực tiếp kỹ thuật làm gốm mà còn có cơ hội vận dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn sáng tạo tác phẩm báo chí.
Thông qua chuyên thực tế, sinh viên được tham quan và tìm hiểu các khu vực trưng bày giàu tính nghệ thuật và giá trị lịch sử. Bảo tàng được chia thành các không gian chủ đề như quá trình hình thành và phát triển của làng gốm, các dòng sản phẩm đặc trưng qua từng thời kỳ và khu vực trải nghiệm quy trình làm gốm. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và những hiện vật gốm cổ tạo nên một không gian trưng bày độc đáo, mang đến cho sinh viên cái nhìn toàn diện về tinh hoa nghề gốm, từ kỹ thuật thủ công cho đến sự sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân.
Chia sẻ về sự đổi mới trong nghệ thuật gốm, chị Ngọc Tiên - thuyết minh viên tại bảo tàng cho biết: “Hiện nay, ngoài các dòng men truyền thống, làng gốm Bát Tràng phát triển thêm nhiều dòng men mới mang tính sáng tạo và độc đáo. Một số dòng men hiện đại như men suối ngọc, men Hoàng thổ liên hoa, men ánh kim… đã được nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra những sản phẩm gốm có vẻ đẹp đặc trưng và khác biệt”.
Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những sản phẩm gốm sứ có giá trị lịch sử và nghệ thuật mà còn là cầu nối đưa nghệ thuật gốm truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ. Tại đây, các sinh viên được tham gia vào hoạt động trải nghiệm thực tế như vẽ hoa văn, tạo hình sản phẩm gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề.
Chia sẻ về chuyến đi, bạn Tùng Chi (sinh viên lớp Báo mạng điện tử K43) bày tỏ: “Đến tham quan tại bảo tàng, mình thấy ấn tượng bởi không gian và cách trưng bày các tác phẩm gốm. Đặc biệt, qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên, mình đã hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề. Đây là một chuyến đi không chỉ giúp bản thân mình và tập thể lớp mở mang kiến thức mà còn mang đến những trải nghiệm quý giá và niềm tự hào về tinh hoa văn hóa dân tộc”.
Chuyến đi Thực tế chính trị - xã hội tại Bảo tàng Gốm Bát Tràng không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp sinh viên có thêm góc nhìn mới về các nội dung sáng tạo, phục vụ tốt hơn cho công việc báo chí sau này. Đây là một cơ hội quý giá để các bạn học tập và ứng dụng thực tế, đồng thời góp phần vun đắp lòng tự hào dân tộc và ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước.