Sự biến mất của những hồ nước trên thế giới
(Sóng Trẻ) - Biến đổi khí hậu và những tác động của con người đang đe dọa đến sự tồn tại của các hồ nước lớn nhất trên thế giới. Những hình ảnh sau đây đã thể hiện được sự thay đổi khủng khiếp đang diễn ra tại những hồ nước ở Bolivia, Trung Đông, các nước thuộc khối Liên Xô cũ, Trung Quốc và Tây Phi.
Hồ Poopó – Bolivia
Hồ Poopó từng là hồ nước mặn lớn thứ hai của Bolivia, nằm ở bình nguyên cao Altiplano. Bức ảnh bên trái được chụp vào ngày 12 tháng 4 năm 2013, khi hồ còn đầy nước. Bức ảnh bên phải được ghi lại sau gần hai năm, là hình ảnh hồ gần như đã cạn khô. Hiện tượng băng tan và sự làm chệch hướng các nhánh cung cấp nước cho hồ chính là hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.
Hình ảnh vệ tinh của hồ Poopó trước (trái) và nay (phải) (Nguồn ảnh: Nasa/AP)
Một chiếc thuyền bị bỏ không, nằm lại trên hồ nước cạn trơ đáy (hình ảnh được chụp vào ngày 12/1/2016)
Nước trong hồ đã từng bao phủ 1000m2 diện tích mặt hồ, biến nó trở thành nơi cư trú của 4 loài cá bản địa.
Biển Chết – Jordan, Israel, Palestine
Trong 50 năm trở lại đây, mực nước Biển chết đã liên tục giảm khoảng 1m mỗi năm. Và một trong những nguyên nhân chính đằng sau sự suy giảm đáng lo ngại này là một số nguồn cung cấp nước cho hồ đã bị làm chệch hướng từ những năm 1960.
Hình ảnh vệ tinh của biển Chết thể hiện sự suy giảm mực nước (Nguồn ảnh: Landsat/Lakepedia)
Biển Aral – Kazakhstan and Uzbekistan
Kể từ những năm 1960, sau khi chính quyền Liên Xô cũ thực hiện ngăn dòng, làm chệch hướng các nhánh cung cấp nước phục vụ hoạt động tưới tiêu, mực nước biển Aral đã giảm đều qua từng năm. Trước năm 2007, hồ đã thu hẹp còn 10% so với kích thước ban đầu và chia tách thành 4 hồ nhỏ. Hiện nay, khu vực trũng phía đông của vùng nam biển Aral đã hoàn toàn cạn kiện và được gọi là sa mạc Aralkum.
Hình ảnh vệ tinh của biển Aral qua các năm (Nguồn ảnh: Times Comprehensive Atlas of the World/PA)
Sự cạn kiệt của biển Aral đã góp phần hình thành nên một vùng đất nhiễm mặn, điểm xuyết bởi những chiếc thuyền đánh cá bỏ hoang. Tình trạng này cũng gây ra những tác động xấu đến nền kinh tế địa phương. Các nhà khoa học hiện đang tích cực tìm hiểu để liệt kê và xác định trên bản đồ những hệ sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới, tương tự như danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Những chiếc thuyền bị "bỏ rơi" giữa vùng đất hoang hóa, nhiễm mặn
Hồ Bà Dương – Trung Quốc
Mực nước trong hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc đã đột ngột suy cạn từ đầu những năm 2000. Đã có thời điểm, diện tích bề mặt của hồ Bà Dương là 4500km2. Nhưng theo kết quả đo đạc mới đây, con số này đã giảm đến 22,5 lần. Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tính trạng trên là các hoạt động công nghiêp, hạn hán kéo dài và sự làm chệch dòng chảy của sông Trường Giang.
Hình ảnh vệ tinh của hồ Bà Dương (Nguồn ảnh: Landsat/Lakepedia)
Hình ảnh những đàn gia súc được chăn thả trên diện tích đáy hồ đã khô cạn được chụp vào tháng 11/2016
Hồ Bà Dương là “khu bảo tồn” tự nhiên quan trọng, cung cấp nơi trú ngụ cho nửa triệu chim di cư. Nó là điểm đến yêu thích của loài sếu Siberia, đồng thời, là nơi duy nhất người ta có thể tìm thấy quần thể cá heo không vây nước ngọt – loài vật có tên địa phương là “jjangzhu” hay “lợn sông”. Sự sụt giảm về số lượng con trong quần thể này, những năm gần đây, chính là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của họ cá heo chuột trước năm 2025.
Hồ Hulun – Đại Mông Cổ
Những hồ nước trên Đại Mông Cổ đã đột ngột cạn kiệt trong vài thập kỷ trở lại đây, mà chủ yếu là do ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu. Hulun, một trong những hồ lớn nhất ở khu vực này đã mất đi 291km2 diện tích bề mặt.
Hình ảnh vệ tinh của hồ Hulun năm 1996 (trái) và 2016 (phải)
(Xinkai – hồ có diện tích nhỏ hơn ở phía đông hồ Hulun đã cạn khô hoàn toàn từ trước năm 2010)
Hồ Chad – Chad, Niger, Nigeria, Cameroon
Đã từng là hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi, đến nay, hồ Chad chỉ còn là một phần nhỏ còn sót lại của hồ nước này trước đây. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi đại học Wisconsin – Madison, kích cỡ của hồ nước thời điểm hiện tại chỉ bằng 1/20 kích cỡ 35 năm trước đây. Kế hoạch thủy lợi, khí hậu ngày càng khô hạn và sự sụt giảm lượng mưa đã góp phần dẫn đến tình trạng trên.
Hình ảnh hồ nước lần lượt trong các năm 1963, 1973, 1987 và 1997
(Màu đỏ biểu thị thảm thực vật đáy ở những khu vực đã cạn khô) (Nguồn ảnh: NASA/AFP)
Thanh Thanh (theo The Guardian)
Cùng chuyên mục
Bình luận