Atlat Địa lý “vắng mặt” trong phòng thi tốt nghiệp THPT 2025: Thách thức mới cho thầy và trò
(Sóng trẻ) - Thông tin loại bỏ Atlat Địa lý Việt Nam khỏi danh mục các vật dụng được phép mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Quyết định này được đánh giá là một thay đổi lớn, tác động trực tiếp đến phương pháp ôn tập và làm bài thi môn Địa lý của thí sinh.
"Tủ sách" kiến thức thu nhỏ giờ chỉ còn trong đầu
Theo Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Atlat địa lý không còn trong danh mục các vật dụng được phép mang vào phòng thi như ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm trước. Quyết định này, chính thức có hiệu lực từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, được xem là một bước ngoặt lớn, tác động sâu sắc đến phương pháp dạy, học và ôn tập môn Địa lý.

Lê Châu Anh, học sinh lớp 12 Chuyên Trung, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), chia sẻ: “Khi biết tin Atlat không được mang vào phòng thi, em cảm thấy khá lo lắng. Suốt những năm học Địa lý, Atlat gần như là 'người bạn đồng hành' không thể thiếu. Nó không chỉ giúp em tra cứu nhanh chóng các thông tin về vị trí địa lý, mà còn hỗ trợ rất nhiều trong việc phân tích các mối liên hệ địa lý phức tạp. Giờ đây, ‘tủ sách’ kiến thức thu nhỏ đó sẽ không còn bên cạnh, mọi thứ đều phải nằm trong đầu”.
Châu Anh cho biết, trước đây, khi ôn tập, em thường xuyên sử dụng Atlat để hệ thống lại kiến thức, đối chiếu các vùng miền, so sánh các số liệu thống kê. Việc nhìn trực quan vào bản đồ giúp em ghi nhớ kiến thức một cách sâu sắc và logic hơn. “Em nhớ rất rõ, khi học về sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp, việc vừa xem bản đồ phân bố các trung tâm công nghiệp vừa đọc số liệu về cơ cấu ngành, giá trị sản xuất giúp em hiểu rõ hơn về quy luật phát triển và sự khác biệt giữa các vùng. Giờ không có Atlat, chắc chắn việc này sẽ khó khăn hơn nhiều”. - Châu Anh bày tỏ.
Cùng chung tâm trạng, Hà Minh Phương, học sinh lớp 12A15 trường THPT Đống Đa, chia sẻ: “Em cảm thấy hơi hụt hẫng. Môn Địa lý đối với em không phải là môn học quá khó, nhưng để đạt điểm cao, việc sử dụng Atlat một cách hiệu quả là rất quan trọng. Atlas giúp em tiết kiệm thời gian tra cứu, tập trung vào việc phân tích và giải thích các hiện tượng, quá trình địa lý. Giờ không có Atlat, chắc chắn tốc độ làm bài của em sẽ chậm hơn, và em sẽ phải cố gắng nhớ thật nhiều số liệu, tên các địa danh hơn”.
Minh Phương cũng bày tỏ lo ngại về việc đề thi có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào việc kiểm tra trí nhớ máy móc các số liệu, bản đồ, thay vì khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn địa lý. “Em hy vọng đề thi sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, không quá nặng về việc học thuộc lòng mà chú trọng hơn vào khả năng tư duy và liên hệ kiến thức”, Minh Phương bày tỏ.

Cả Châu Anh và Minh Phương đều cho rằng, việc Atlat không còn được phép mang vào phòng thi sẽ đòi hỏi các em phải thay đổi phương pháp ôn tập một cách căn bản. Thay vì dựa nhiều vào việc tra cứu, các em sẽ phải tập trung hơn vào việc học thuộc, ghi nhớ các kiến thức nền tảng, các mối liên hệ địa lý quan trọng và rèn luyện kỹ năng phân tích, suy luận dựa trên những kiến thức đã có.
Giáo viên trăn trở về phương pháp dạy và học
Cô giáo Hoàng Thị Mai Anh (Đà Nẵng) - Người sáng lập trung tâm “Lớp học Địa lý” bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao năng lực thực chất của học sinh, giảm thiểu tình trạng học tủ, học lệch và phụ thuộc quá nhiều vào tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, cô cũng không giấu được những trăn trở về những thách thức mà sự thay đổi này đặt ra cho cả giáo viên và học sinh.
“Việc Atlat không có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc và nội dung đề thi. Những câu hỏi đơn thuần chỉ cần tra cứu Atlat, vốn rất dễ lấy điểm, có thể sẽ được thay thế bằng các câu kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức của học sinh. Đồng thời, đề thi sẽ tập trung nhiều hơn vào các câu hỏi đòi hỏi tư duy, phân tích, liên hệ thực tế. Đặc biệt, số lượng câu hỏi yêu cầu phân tích bảng số liệu, tính toán, so sánh, nhận xét và rút ra kết luận có thể sẽ tăng lên”, cô Mai Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Mai Anh cũng đưa ra những phương pháp học tập mới để các bạn học sinh thích ứng với việc không sử dụng Atlat trong kỳ thi: “Các em học sinh nên xác định các nội dung trọng tâm, sơ đồ hóa kiến thức theo chủ đề để dễ ghi nhớ và liên kết các nội dung thành nhóm. Ngoài ra, các em học sinh cần liên hệ thực tế nhiều hơn, thay vì chỉ học lý thuyết, các em nên quan sát các hiện tượng địa lí trong đời sống, theo dõi các kênh thời sự, dự báo thời tiết… để cập nhật kiến thức mới mỗi ngày. Thêm vào đó, các em cần luyện đề thi thử theo cấu trúc mới theo hướng không sử dụng Atlat để làm quen với cách thức ra đề và có chiến lược làm bài phù hợp”.

Với 8 năm kinh nghiệm luyện thi THPT Quốc gia môn Địa lý, chia sẻ về việc Atlat Địa lý “vắng mặt” trong phòng thi tốt nghiệp THPT 2025, thầy Trần Văn Tài (Đà Nẵng) - Giáo viên địa lý tại thuộc hệ thống Qanda Study cho biết: “Mặc dù Atlat không xuất hiện trong phòng thi, nhưng trong quá trình ôn tập, Atlas vẫn là một công cụ để các bạn học sinh ôn tập, tham khảo. Vì vậy, sẽ không có tình trạng tăng áp lực phải học thuộc cho các bạn. Khi các bạn học bài, hiểu vấn đề sâu rộng, việc không có Atlas trong phòng thi sẽ không ảnh hưởng quá nhiều”.

Quyết định loại bỏ Atlat Địa lý khỏi phòng thi tốt nghiệp THPT 2025 là một thay đổi mang tính “bước ngoặt”, vừa đặt ra những thách thức không nhỏ cho cả thầy và trò, vừa mở ra cơ hội để đổi mới phương pháp dạy và học môn Địa lý theo hướng phát triển năng lực thực chất của học sinh.
Học sinh cần chủ động thay đổi phương pháp ôn tập, tăng cường học thuộc, ghi nhớ kiến thức nền tảng, rèn luyện kỹ năng phân tích và vận dụng kiến thức. Thay vì phụ thuộc vào việc tra cứu, các em sẽ phải chủ động xây dựng hệ thống kiến thức cho riêng mình, hiểu rõ bản chất của các hiện tượng và quy luật địa lý. Sự nỗ lực và thích ứng của cả thầy và trò sẽ là yếu tố then chốt để vượt qua những thách thức ban đầu và biến sự thay đổi này thành cơ hội để nâng cao chất lượng dạy và học môn Địa lý trong những năm học tới.