Ký ức về cơn bão kinh hoàng - Damrey 2005
(Sóng trẻ) - Gần 20 năm trôi qua, ký ức về siêu bão Damrey năm 2005 vẫn in sâu trong tâm trí của ngư dân vùng biển Hải Hậu (Nam Định). Trận bão không chỉ cuốn đi tài sản, thuyền bè, mà còn để lại nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa.
Cơn bão tàn phá vùng biển Hải Hậu
Rạng sáng ngày 27/9/2005, cơn bão số 7 mang tên quốc tế Damrey – nghĩa là “voi trắng” trong tiếng Campuchia – đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng. Tại Nam Định, đặc biệt là vùng biển Hải Hậu, gió lớn và triều cường gây sóng mạnh, uy hiếp các tuyến đê và khu dân cư ven biển. Người dân buộc phải sơ tán khẩn cấp ngay trong đêm.
Theo UBND tỉnh Nam Định, bão Damrey đã làm vỡ 100m đê biển tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), gây ngập sâu. Toàn tỉnh có hơn 4.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái; 121.000 người phải sơ tán; hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu và thủy sản bị thiệt hại. Riêng huyện Hải Hậu ghi nhận hơn 50 tàu cá bị chìm. Tổng thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Với sức gió cấp 11 giật cấp 12, cường độ mạnh, di chuyển nhanh và cùng triều cường đe doạ tính mạng người dân trước thiên nhiên hung dữ.
“Tôi chưa từng thấy Hải Hậu tan hoang đến thế”
Rạng sáng 27/9/2005, khi người dân vùng biển Hải Hậu (Nam Định) còn chưa kịp tỉnh giấc, những cơn gió đầu tiên đã quật mạnh vào mái nhà, sóng biển bắt đầu dâng cao, tràn qua bờ kè. Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Thành (ngư dân hơn 30 năm bám biển) đó là thời khắc định mệnh, khi cả làng chài chìm trong gió bão. Mọi thứ thân thuộc chực chờ bị cuốn đi chỉ trong vài giờ.

Hơn nửa đời người lênh đênh trên biển, ông Thành từng trải qua nhiều cơn bão, nhưng Damrey là cơn bão ông nhớ nhất. “Tôi chưa từng thấy Hải Hậu tan hoang đến thế. Gió rít như muốn xé mái nhà, nước biển tràn vào tới sân, lôi cả đồ đạc xuống bờ kè”, ông nhớ lại đêm ngày 27/9/2005.
Ở Hải Hậu, hàng loạt tàu cá bị đánh chìm, lưới ngư cụ trôi sạch, nhiều ngôi nhà sát biển bị tốc mái, đổ sập. “Chúng tôi chỉ kịp neo thuyền, thu lưới chạy vào trong làng, nhưng gió quá to, cửa nhà cũng bị hất tung. Cả đêm không ngủ nổi vì tiếng gió rít, mái tôn bay loảng xoảng”, ông Thành cho biết.
Không chỉ tài sản bị cuốn trôi, nhiều người dân còn bị thương, thậm chí thiệt mạng vì không kịp sơ tán. Đêm hôm ấy, cả làng mất điện, mất sóng liên lạc. Trong bóng tối và tiếng gió hú, tiếng kêu cứu của hàng xóm vọng từ xa đến gần, mà không ai dám bước chân ra ngoài. “Tôi ôm con vào lòng, nghe tiếng mái tôn nhà hàng xóm bị bứt bay mà rùng mình. Mỗi phút trôi qua dài như cả tiếng đồng hồ, chỉ mong trời sáng”, ông kể với đôi mắt vẫn đượm buồn.
Sáng hôm sau, khi bão tan cảnh tượng trước mắt là một vùng đổ nát. Nhiều ngôi nhà bị san phẳng, tàu thuyền hư hỏng nặng, lưới cụ mất sạch. Nhìn đâu cũng thấy hoang tàn. Những gì người dân tích góp bao năm bị cuốn trôi chỉ sau một đêm. Đặc biệt, tổ dân phố số 23, nơi có khoảng 65 hộ dân sinh sống gần như bị xóa sổ, chỉ còn chưa đầy 30 căn nhà đứng vững sau bão.

Cơn bão đi qua để lại một ký ức kinh hoàng, ánh mắt người dân vẫn còn đỏ hoe mỗi khi nhớ đến. Nhưng đó cũng là lúc những người ngư dân vùng biển gắn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người có gạo chia gạo, người còn mái tôn san sẻ mái tôn. Cả làng cùng dựng lại từng ngôi nhà, từng chiếc thuyền, từng tấm lưới. Trong hoang tàn, họ vực nhau dậy bằng tình làng nghĩa xóm.
Cơn bão Damrey đã qua gần hai thập kỷ nhưng ký ức về nó vẫn chưa bao giờ phai trong lòng người dân vùng biển Hải Hậu. Với ông Thành hay những người dân làng chài ở Hải Hậu, đó là ký ức kinh hoàng nhưng cũng là bài học để cẩn trọng và vững vàng hơn trước những "cú đánh" bất ngờ của thiên nhiên. Biển vẫn đó, bão vẫn đến và những người ngư dân đã học cách sống cùng nó. Ký ức năm nào sẽ còn được nhắc lại, như một lời nhắc nhở không quên.