Sự hồi sinh của dòng phim lịch sử Việt
(Sóng Trẻ) - Chiều 18/9, tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam (TPD) đã diễn ra chương trình Bàn tròn Điện ảnh với chủ đề "Sự hồi sinh của dòng phim lịch sử Việt Nam".
Được tổ chức trong căn phòng chiếu bóng nhỏ của trung tâm TPD, chương trình là buổi giao lưu và trao đổi rất cởi mở giữa ba vị khách mời: Nhà báo - nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, đạo diễn Nguyễn Minh Trí và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Chương trình còn có sự góp mặt của nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê điện ảnh về đề tài phim lịch sử Việt Nam.
Với chủ đề xoay quanh dòng phim lịch sử Việt Nam trong thời đại mới, chương trình tập trung thảo luận về một số vấn đề: Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long có hàng loạt các dự án phim lịch sử Việt Nam được khởi động - đó có phải là sự hồi sinh của dòng phim lâu nay vắng bóng? Để có được sự hồi sinh ấy, nài kinh phí, kịch bản, trường quay, diễn viên... phải chăng điều quan trọng nhất là sự dấn thân của những người làm điện ảnh đương đại?
Ba vị khách mời trong chương trình: từ trái qua - nhà báo Minh Tuấn, đạo diễn Minh Trí, đạo diễn Thanh Vân.
Đạo diễn Thanh Vân, người vừa hoàn thành 30 tập phim "Lều chõng" (lấy đề tài sĩ tử đi thi cách đây trên 100 năm) chia sẻ, anh làm bộ phim này với mục đích chính vẫn là "để tái hiện, để làm sống lại một phần của lịch sử". Anh cũng công nhận, khi làm bộ phim này có một thuận lợi rất lớn đó là bối cảnh của bộ phim là một giai đoạn lịch sử cách đây không xa lắm.
Theo đạo diễn Thanh Vân, khó khăn chung mà anh và các nhà làm phim lịch sử Việt Nam cùng gặp phải vẫn là không có trường quay. Điều này đã làm bao thế hệ các nhà làm phim lịch sử phải trăn trở, bởi lịch sử của ta có quá nhiều biến động. Để thực hiện bộ phim "Lều chõng", đoàn làm phim đã phải tìm đến làng cổ Đường Lâm, tuy nhiên đây cũng không phải là trường quay hoàn toàn thích hợp bởi độ tuổi của khung cảnh, nhà cửa... không sát với thời gian bối cảnh của bộ phim.
Đạo diễn Minh Trí nổi tiếng với bộ phim hoạt hình 3D "Người con của rồng" nói về Hoàng đế Lý Công Uẩn thì cho biết: Kịch bản "Người con của rồng" ban đầu không dành cho phim hoạt hình, nhưng vì nhận thấy có nhiều yếu tố phù hợp với thể loại hoạt hình nên ông và đội ngũ làm phim đã mạnh dạn quay sang hướng này, và thực tế đã cho thấy đó là hướng đi đúng.
Bộ phim hoạt hình "Người con của rồng" được xuất phát thực hiện từ khá sớm (năm 2007) nên nó đã hoàn thành trước nhiều bộ phim lịch sử khác. Để không chệch ra khỏi tiêu chí của một bộ phim hoạt hình, đạo diễn Minh Trí chỉ tập trung thể hiện câu chuyện về Hoàng đế Lý Công Uẩn thời nhỏ tuổi cùng Thiền sư Vạn Hạnh. Công nghệ 3D của chúng ta còn khá non trẻ, nhưng nhờ nhiệt huyết của đoàn làm phim, bộ phim đã được hoàn thành trọn vẹn.
Nói về sự tiếp nhận của khán giả đối với thể loại phim lịch sử hiện nay, nhà báo Minh Tuấn cho rằng cả người làm phim lẫn khán giả đều phải có sự chuẩn bị để đón nhận thể loại phim lịch sử trong thời gian tới. Vì lịch sử tương đối khó nắm bắt, nên cần có kiến thức để có thể tiếp cận toàn vẹn dòng phim này. Nhà báo Thanh Vân cũng đồng quan điểm về vấn đề này, anh cho rằng chúng ta cần có một nền tảng giáo dục tốt để tạo nên một ấn tượng sâu sắc về lịch sử cho người xem phim.
Một vấn đề khác đáng được quan tâm đó là: nên lựa chọn giữa phim lịch sử cổ trang hay phim lịch sử hiện thực. Nghĩa là, làm phim đúng mọi chi tiết với lịch sử hay có cách điệu đi để phim đẹp hơn, hay hơn. Đạo diễn Minh Trí và đạo diễn Thanh Vân cùng đồng ý, nếu phải chọn giữa cái "đẹp" và cái "đúng", họ sẽ chọn cái "đẹp".
Tuy diễn ra trong khoảng thời gian không lâu, chương trình đã là một dịp tốt để những người làm điện ảnh cùng ngồi lại, chia sẻ kinh nghiệm và rút ra những bài học đáng giá.
Anh Ngọc
Báo Mạng điện tử K.28
Báo Mạng điện tử K.28
Cùng chuyên mục
Bình luận