Talkshow: Peer PreZzure - Giải mã áp lực đồng trang lứa dưới góc nhìn tâm lý
(Sóng trẻ) - 15h ngày 20/3, buổi trò chuyện “Peer PreZzure - Giải mã áp lực đồng trang lứa dưới góc nhìn tâm lý” do nhóm sinh viên khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên trong và ngoài Học viện.
Buổi trò chuyện có sự tham gia của chị Keira Ngo - chuyên gia Tâm lý học của công ty Minerva Education, Cử nhân Xuất sắc chuyên ngành Nghiên cứu Tâm lý học tại University of Birmingham, Vương Quốc Anh.
Buổi trò chuyện được tổ chức nhằm tìm hiểu về những khó khăn, áp lực vô hình và cả những định kiến mà Gen Z đang gặp phải hiện nay. Đồng thời, cũng mang đến những góc nhìn đa chiều xoay quanh vấn đề peer pressure ở Gen Z và chìa khóa giúp đánh tan những áp lực đó.
Chia sẻ về áp lực đồng trang lứa, chị Keira không phủ nhận những tích cực peer pressure mang lại bởi “vấn đề nào cũng có hai mặt song song”. Tuy nhiên, so với tích cực, ảnh hưởng tiêu cực lại phổ biến hơn cả, đặc biệt là việc không hài lòng về bản thân, dẫn đến chứng trầm cảm.
Theo chị, áp lực đồng trang lứa được chia thành hai loại: áp lực chủ động và áp lực thụ động, song đa phần các bạn trẻ thường chỉ nhận thức được áp lực thụ động và bỏ qua áp lực chủ động.
Giải đáp trăn trở của Gen Z về vấn đề áp lực đồng trang lứa khiến mỗi người không còn là chính mình mà trở thành bản sao của người khác, chị Keira khẳng định “sẽ trở thành bản sao của nhiều người chứ không phải một người”. Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến áp lực vô hình này, nữ khách mời chỉ ra hai nguyên nhân chính là sự tác động của xã hội và những kỳ vọng của gia đình.
Cũng theo chị Keira, việc chưa thấu hiểu bản thân là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự khác biệt trong việc mắc phải những áp lực đồng trang lứa giữa thế hệ Gen Z và các thế hệ khác.
Nữ khách mời cũng chia sẻ thêm, thế hệ Gen Z phần lớn được tiếp xúc với MXH từ nhỏ, khi các em “chưa hiểu mình là ai”. Điều này dễ dẫn đến việc lấy người khác làm hình mẫu và so sánh với bản thân, từ đó dẫn đến áp lực.
Trong khi đó, các thế hệ Gen X, Gen Y đã có quá trình tìm hiểu rõ về bản thân mình trước khi có cơ hội tiếp xúc với MXH, điều này đã giúp họ giảm thiểu đáng kể những áp lực đồng trang lứa.
Dưới góc nhìn tâm lý và những kinh nghiệm thực tế, chị Keira cho rằng áp lực đồng trang lứa ở học sinh, sinh viên châu Á lớn hơn học sinh, sinh viên châu Âu rất nhiều. Vị chuyên gia tâm lý cũng chia sẻ việc bản thân không tránh khỏi những áp lực đồng trang lứa, đặc biệt là khi mới ra trường.
Với chị, việc hiểu mình và hiểu người, “ít khi coi những điều làm được là thành công và luôn nhìn lên để hiểu người khác đang làm gì” chính là chìa khóa giúp bản thân thoát khỏi loại áp lực này.
Trước những chia sẻ từ vị khách mời nổi tiếng trong lĩnh vực tâm lý học, MC Phương Anh cho biết bản thân tự nhận thấy mình là người may mắn bởi có cơ hội được trải nghiệm từ nhỏ. Nữ MC cũng chia sẻ về những áp lực đồng trang lứa đã trải qua, nhất là khoảng thời gian năm 2 và năm 3 đại học.
Buổi trò chuyện là nơi giao lưu, chia sẻ kiến thức và mang đến những lời khuyên bổ ích giúp các bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z vượt qua nỗi sợ “áp lực đồng trang lứa” để tự tin tỏa sáng theo phong cách riêng. Đồng thời, BTC cũng mong muốn hướng công chúng đến những thông điệp nhân văn, nhằm nâng cao tầm quan trọng về thế giới tinh thần và sức khỏe tâm lý của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.