Thảm họa Mạng xã hội: Càng “lố”, càng “nổi”…
(Sóng trẻ) - Bà Tưng khoe thân, Lệ Rơi giọng hát thảm họa, Kenny Sang phát ngôn gây sốc và gần đây Tùng Sơn “Công chúa Thủy Tề” là những cái tên “nổi như cồn” trên mạng xã hội nhờ các trò lố. Vậy tại sao những cái tên này lại dễ dàng gây được sự chú ý như vậy? Đây phải chăng là do sự dễ dãi trong cách tiếp nhận của một số bộ phận cư dân mạng?
Nổi tiếng nhờ triệu “like”…
Muốn trở nên nổi tiếng xem ra giờ không còn là điều quá xa vời. Trước đây, sự nổi tiếng được bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chủ yếu chính là nhờ tài năng và tâm huyết người nghệ sỹ, cùng với đó là sự khát khao cống hiến hết mình trên sân khấu… Vậy mà giờ đây, nổi tiếng không phải xuất phát từ tài năng mà là những trò lố kệch cỡm cùng sự hậu thuẫn của mạng xã hội. Sự dễ dãi khi bấm like, share của một bộ phận cư dân mạng đang vô tình cổ suý cho nhiều thảm hoạ “thật chẳng giống ai”, gây nên hệ lụy khôn lường… Những hành động đáng ra phải bị lên án, bác bỏ nay lại “được” tung hô hào hứng như một hiện tượng. Dù biết đây là chiêu trò PR cũ rích, mô tuýp quen thuộc: khoe thân, phát ngôn gây sốc, giọng hát thảm họa… của hàng loạt các nhân vật trước đó như Bà Tưng, Lệ Rơi, Kenny Sang, Quân Kun… nhưng một lần nữa, cái tên Tùng Sơn lại được liệt trong danh sách những người nổi tiếng một cách “không chính thống”…
Hiện tượng Tùng Sơn – Công chúa Thủy Tề, hiện tượng làm mưa làm gió trong thời gian gần đây…
Xuất phát điểm của Tùng Sơn chính là những clip được đăng tải trên facebook cá nhân cover các bài hát của các ca sĩ nổi tiếng. Tuy sở hữu giọng hát không mấy dễ nghe cùng phong cách thảm họa nhưng các clip này nhận được lượt like, share nhanh đến chóng mặt, và dần dần trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên các công cụ tìm kiếm. Sự tò mò, hiếu kỳ xen lẫn tung hô theo kiểu trào lưu của đám đông đã biến Tùng Sơn từ cái tên vô danh trở nên hot nhất hiện nay, nhất cử nhất động đều được cộng đồng mạng theo dõi bình luận.
Cũng tương tự như Tùng Sơn, cái tên Lệ Rơi cách đây vài năm cũng là một trường hợp tương tự. Từ những clip chỉ "làm chơi cho vui", Lệ Rơi bất ngờ trở nên nổi tiếng, lấn sân showbiz với mác “ca sĩ” trong khi sở hữu giọng hát không giống ai, làm hẳn các MV ca nhạc, đóng phim cùng nhiều chiêu trò PR khác. Hay như cách đây vài năm, dư luận vẫn chưa thể quên được Kenny Sang với những phát ngôn gây sốc, khoe của trên mạng xã hội. Nài ra còn có nhiều nhân vật khác như: Bà Tưng khoe thân, Quân Kun với các clip phản cảm, Ngân Võ, Mon Trần…
Trước những hiện tượng này, mặc dù sự tiếp nhận của khán giả có nhiều ý kiến trái chiều: người ủng hộ bởi nghĩ đó là sự tự tin vốn có của con người, người chê bai, dè bỉu và không thể chấp nhận được những hành động này, người giễu cợt, châm biếm... Nhưng tất cả những nút like, và share đó đều đem lại nguồn lợi khổng lồ từ tiền quảng cáo, càng tạo điều kiện cho vòng lặp này tiếp tục diễn ra ngày một nhiều.
Hệ lụy của việc cổ súy “nhầm chỗ”
Giờ đây, mạng xã hội Facebook đã dần trở thành một xã hội thu nhỏ của phần đa những người trẻ. Nhờ đó, sự nổi tiếng của những Tùng Sơn, Lệ Rơi, Bà Tưng, Kenny Sang… kia là chính nhờ sự cổ súy của những “công dân Facebook” ấy. Câu chuyện có lẽ không có gì đáng nói nếu như những hiện tượng được coi là “siêu thảm họa” trên mạng xã hội ngày càng mọc lên dày như nấm. Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn kể từ 3 năm trở lại đây, lại mọc lên nhiều thần tượng “siêu thảm họa” đến vậy? Phải chăng sự ủng hộ một cách vô tình hay dù cho là ác ý của cư dân mạng đã mang đến danh vọng phù phiếm cho những thảm họa mạng đó?
Những sự nổi tiếng này dù chỉ là nhất thời và kèm theo việc đón nhận không ít những lời chỉ trích cay độc từ cộng đồng mạng nhưng vẫn có sức quyến rũ mê hoặc đến lạ kì với nhiều người. Chúng ta có thể kể ra hàng tá các nhân vật qua các năm đã dùng chung một chiến thuật “lố lăng” để “nổi” như Kenny Sang, Bà Tưng, Quân Kun,… và bây giờ là Tùng Sơn. Công thức dành cho người muốn nổi tiếng hiện nay liệu có phải là: càng “lố” bao nhiêu, càng “nổi” bấy nhiêu. Điểm chung duy nhất dễ nhận thấy ở những nhân vật này là đều chọn mạng xã hội làm nơi tiếp cận với khán giả. Họ muốn nhờ vào sức nặng của truyền thông để tạo dựng tên tuổi. Và cứ theo một mô tuýp cố định, đến khi đạt được độ nổi tiếng như mong muốn, họ quay sang tỏ ra hối lỗi, cố gắng chứng tỏ mình đang "hoàn lương" trở thành những con người tốt.
Cư dân mạng phần lớn với tâm lý cảm tính, họ dễ dạng chuyển từ thái cực phê phán, phản đối sang thái độ tích cực. Nhanh chóng quên đi những trò lố PR trước đó, họ cho rằng sự thay đổi này rất đáng học hỏi? Thế giới mạng luôn được xem là ảo, nhưng những hệ lụy mà nó gây ra lại là thật. Từng nút like, từng nút share vô tình tạo điều kiện cho những hiện tượng tiêu cực diễn ra và chi phối quá nhiều đến cuộc sống hiện nay.
Đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm khắc hơn với những hiện tượng lập dị trong làng giải trí. Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Suy nghĩ của bạn về những hiện tượng thảm họa mạng này ra sao? Từ ngày 23/10 đến ngày 28/10, Ban biên tập Sóng trẻ xin được mở diễn đàn: “Thảm họa Mạng xã hội: Càng “lố” càng “nổi”…” nhằm thu nhận những ý kiến đóng góp của độc giả về vấn đề này. Mọi bình luận tham gia diễn đàn xin gửi về trang tin Sóng trẻ qua email: [email protected] hoặc tại đây.
Xin trân trọng cảm ơn quý độc giả!
BBT Sóng trẻ