Thăm làng Quan họ cổ Hoài Trung (Kỳ 1): Giữ gìn nề nếp và lễ nghĩa người Quan họ
(Sóng trẻ) - Quan họ Hoài Trung mang trong mình chiều sâu lịch sử, lưu giữ những câu chuyện xưa đậm giá trị nhân văn, cùng với đó là sự bảo tồn những phong tục truyền thống của Quan họ cổ. Người dân nơi đây nổi bật bởi sự tinh tế, nhã nhặn và đằm thắm, luôn trân quý cái nghĩa, cái tình trong từng cử chỉ, lời nói.
"Trước khi hát Quan họ, phải làm người Quan họ"
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi được liền anh Dương Đức Thắng, Phó chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Trung, gửi lời mời thân tình về thăm làng Quan họ Hoài Trung (1 trong 49 làng Quan họ gốc có bề dày lịch sử). Xuôi theo hướng Đông Bắc, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 35km, tôi tìm đến nhà văn hóa thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong không gian phòng trưng bày Quan họ xưa và nay, anh Thắng cùng nghệ nhân Dương Thị Tiếm và một số liền anh, liền chị khác đã chuẩn bị sẵn nước, trầu để đón khách, đúng với phong cách hiếu khách đặc trưng của người Quan họ.
Già Tiếm (Nghệ nhân Dương Thị Tiếm) - một trong những "báu vật sống" của làng năm nay đã 88 tuổi ân cần rót mời tôi xơi chén trà mạn. Già gọi tôi bằng "anh" và đôi lúc xưng bằng "chúng em".
Thấy tôi có vẻ bỡ ngỡ với cách xưng hô vậy, anh Thắng bảo, đó là đặc trưng trong lễ nghĩa Quan họ nói chung và người Quan họ Hoài Trung nói riêng; chất Quan họ đã thẩm thấu sâu vào máu thịt biểu hiện ngay trong đời sống hằng ngày. Bởi "người Quan họ đối với nhau tốt lắm, nói với nhau đằm thắm lắm" và bởi "hát quan họ thì thật ra là đang nói chuyện tình cảm với nhau mà".
"Hoài Trung là một làng quan họ hiếm vẫn giữ được các tục lệ cổ truyền của Quan họ. Từ mọi nghi thức, lề lối tới những giá trị về phong cách ứng xử, giao tiếp thưa gửi. Không chỉ lúc chơi quan họ mà ngay cả trong đời sống hằng ngày. Ở các làng quan họ cổ xưa, trước khi hát Quan họ, các liền anh liền chị trước tiên phải học lễ nghĩa để làm người Quan họ. Các cụ xưa kia khó tính, dạy bảo rất tỉ mỉ từng lời ăn, tiếng nói. Vì các cụ bảo, cơ bản của quan họ là trao đổi tình cảm với nhau, làm sao cho khéo léo, đằm thắm. Bảy mấy tám mươi tuổi mà các cụ gặp nhau vẫn tình cảm, tình tứ, nói chuyện, thưa gửi với nhau vẫn còn bẽn lẽn", anh Thắng chia sẻ.
Từ câu chuyện về lễ nghĩa Quan họ, anh Thắng mở lời giới thiệu và mời tôi xem những thước phim ghi lại nghi thức đón bạn Quan họ và hát ca thờ tại đình làng, được phục dựng cách đây vài năm. Trong niềm tự hào, anh chia sẻ thêm về việc Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung đã phục hồi một lối chơi Quan họ cổ truyền khác, đó là Hát chúc, Hát mừng. Đây là những hoạt động được các liền anh, liền chị gìn giữ và tái hiện dựa trên nền tảng cổ truyền mà bao thế hệ nghệ nhân làng Hoài Trung và các vùng Quan họ khác đã để lại.
Ngày nay, những dịp để trải nghiệm các nghi thức và lề lối cổ truyền này trở nên vô cùng hiếm hoi. Không chỉ bởi số làng Quan họ còn giữ được những phong tục ấy là rất ít, mà lớp nghệ nhân từng gắn bó với lối chơi Quan họ truyền thống theo "bọn" cũng ngày một thưa vắng dần.
Chỉ cần nhìn những tà áo Quan họ năm thân của các liền anh hay "mớ ba mớ bảy" duyên dáng của các liền chị, từ chiếc khăn xếp, khăn mỏ quạ cho đến nón quai thao... đã đủ để làm bừng lên không khí nô nức của cả một vùng, dù chẳng phải ngày hội. Những hình ảnh ấy như khắc sâu thêm cái trọn tình trọn nghĩa, khiến nét đẹp Quan họ càng trở nên đằm thắm, dịu dàng.
Từ phía cổng đình làng, các anh hai, anh ba, anh tư, anh năm Quan họ chủ đã xếp hàng để chờ tiếp đón các chị hai, chị ba, chị tư, chị năm Quan họ khách tới lễ. Những "nhời" chào thăm hỏi cất lên một cách khiêm cung giữa đôi bên liền anh, liền chị không khác nào một sự kính trọng tới bạn Quan họ của mình.
"Dạ, anh em chúng em có nhời chào chị hai, chị ba, chị tư, chị năm đương Quan họ đấy ạ!"
"Vâng ạ! Chị em chúng em cũng có nhời chào tới anh hai, anh ba, anh tư, anh năm đương Quan họ đấy ạ!"
"Dạ vâng! Nhất niên nhất lệ, năm mới năm xuân, hôm nay dân làng chúng em nhớ ngày lệ cũ, chúng em lại được đương Quan họ liền chị bớt chút thời gian vàng ngọc; trước là vãn cảnh thăm làng, sau là mời đương Quan họ liền chị vào thăm đình làm lễ rồi anh em chúng em thưa tiếp đấy ạ!".
"Chị em chúng em nhận được lời mời từ anh hai, anh ba, anh tư, anh năm đương Quan họ nhân ngày lệ cũ của làng, chúng em có chút lễ mọn. Trước là chúng em xin được vào lễ thánh, sau là chúng em cũng xin được vào thăm nhà thăm cửa anh hai, anh ba, anh tư, anh năm đấy ạ!".
Hay tới khi vào đình làm lễ xong, để cất câu ca sự hầu thánh, đôi bên cũng lại phải có đôi ba "nhời" thưa gửi: "Dạ, đã lâu ngày đương Quan họ liền chị không sang chơi bên chúng em. Hôm nay Tết đến, Xuân về, làng chúng em mở hội cầu vui, các liền chị sang chơi, trước là Quan họ trọng việc thờ, sau nữa là cho anh em chúng em được học đòi đôi ba lối ạ! Chúng em mời đương Quan họ liền chị ăn khẩu giầu, xơi chén nước, rồi đương Quan họ liền chị người cất câu "ca sự" trước, để chị em chúng em cất bước theo sau đấy ạ!".
Anh Thắng cùng các nghệ nhân cao niên đã tâm sự với tôi nhiều trăn trở về lễ nghĩa trong Quan họ. Theo họ, đó chính là nét tinh túy, là cái gốc rễ làm nên giá trị của Quan họ. Cốt cách người Quan họ cần giữ được sự khiêm nhường, mực thước; cách giao tiếp, ứng xử phải luôn khéo léo, mỗi lời nói đều cẩn trọng và lễ phép. Đặc biệt, các liền anh, liền chị không bao giờ tự xưng mình là anh hai, anh ba hay chị hai, chị ba. Họ chỉ gọi bản thân là "chúng em," để cách xưng hô ấy dành riêng cho bạn hát của mình.
Chính vì thế, tại CLB Quan họ Hoài Trung, các liền anh, liền chị có thể hát hay hoặc chưa thật hay, nhưng lễ nghĩa của người Quan họ luôn là điều được đặt lên hàng đầu. Tình bạn Quan họ được xây dựng trên nguyên tắc: Quan họ nam kết bạn với Quan họ nữ và ngược lại. Điều đặc biệt là, một khi đã trở thành bạn hát, trai gái không nên duyên vợ chồng, mà chỉ xem nhau như anh em ruột thịt, gắn bó, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong những sự kiện hiếu hỷ của mỗi gia đình.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính nhờ tục lệ này mà lời hát Quan họ trở nên sâu lắng, tha thiết, đầy ắp nhớ nhung. Những câu hát giã bạn dường như vì thế mà thêm phần bịn rịn, dùng dằng chẳng nỡ rời xa.
"Bịu Trung là gốc ai mà không tinh"
Làng Quan họ Hoài Trung, trước đây còn được gọi là Bịu Trung, là một trong 49 làng Quan họ gốc nổi danh với những liền anh, liền chị chuẩn mực. Nơi đây đã sản sinh ra những nghệ nhân tài hoa như cụ Dương Văn Quyến, cụ Nguyễn Thị Hạp, Dương Văn Trọng, Nguyễn Văn Chè, Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Thị Thọ và cụ Nguyễn Thị Tương (thường gọi là cụ Tư). Tiếp nối truyền thống ấy, lớp nghệ nhân sau này có cụ Nguyễn Thị Tiếp, Vũ Thị Lưu, Dương Thị Tương, Dương Thị Tiếm, cùng những người đương thời như liền anh Dương Đức Thắng, người đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và bảo tồn di sản Quan họ quý giá của dân tộc.
Qua những thăng trầm của lịch sử, Quan họ vẫn là những phần máu thịt của các liền anh, liền chị với những cách chơi độc đáo, tinh túy của riêng mình, đủ sức đủ tài trong những cuộc chơi Quan họ từ sân khấu hội làng đến các cuộc thi cấp tỉnh và được nhiều những "bọn" Quan họ trong vùng Kinh Bắc kính nể.
Tương truyền câu quan họ "Quan họ là chúa sinh ra/ Bịu Trung là gốc ai mà không tinh/Xưa nay nam nữ trẻ già/Nối dòng tiên tổ ắt là hiển vinh…".
Anh Thắng chia sẻ: "Mặc dù hiện tại chúng tôi chưa ca đủ 72 đầu câu với 36 giọng trong chặng lề lối trong hát canh như các cụ ngày xưa. Chỉ còn được 5 câu trên 5 câu dưới tổng cộng là 10 câu và đối lại là 20 câu nhưng so với các làng khác chỉ ca được 5-6 câu và đối lại là 10-12 câu thì ở Hoài Trung đó vẫn là nét độc đáo. Và quan trọng là chúng tôi vẫn đang giữ được những nét đặc trưng của vùng Quan họ từ các cụ ngày xưa truyền lại. Trong tương lai, chúng tôi cũng cố gắng để khôi phục đủ 72 câu bởi các nguồn tư liệu chúng tôi đều đã có".
Ngày nay, nếu nhắc tới những bài Quan họ cổ như: Hừ la, Khoan khoan bớ mụ chèo đò, Vào chùa Hương Tích, Ruộng năm sào... đều phải công nhận đây chính là những bài của Hoài Trung. Bên cạnh đó, CLB Quan họ Hoài Trung cũng thường xuyên tổ chức phục dựng lại các canh hát cổ như hát Thờ, hát Chúc, hát Mừng, hát Hội… nhằm gìn giữ những nét văn hóa cổ, tái hiện lại không gian quan họ cổ xưa.
Theo sử sách xưa để lại, làng Hoài Trung từng được biết đến với hệ thống kiến trúc phong phú, gồm đình, chùa, nghè và điếm trải khắp bốn xóm làng. Nhưng dòng chảy của thời gian và những biến cố lịch sử đã khiến nơi đây giờ chỉ còn lại hai công trình tiêu biểu là đình và chùa, như những chứng nhân lặng lẽ của một thời hoàng kim đã qua.
Đình làng Hoài Trung là nơi dân làng thành kính thờ phụng ba vị tướng tài, những người đã góp công lớn trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại quân xâm lược nhà Hán. Đình được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVII dưới thời Lê và phát triển quy mô lớn hơn dưới triều Nguyễn, tọa lạc trên một vùng đất cao phía tây làng. Phía trước đình, núi Vân Khám sừng sững như bức bình phong thiên nhiên vững chãi, phía sau là dòng sông Tiêu Tương hiền hòa, bên cạnh là chùa Hưng Phúc cổ kính, tất cả tạo nên một không gian vừa uy nghi vừa thiêng liêng. Nay, đình Hoài Trung được phục dựng khang trang, nhưng vẫn giữ trọn hồn cốt xưa với những giá trị lịch sử đặc biệt. Bên trong đình, bản thần tích khắc gỗ quý giá, sao y bản gốc vào tháng 5 năm Thành Thái thứ 12 (1900), cùng nhiều tài liệu và hiện vật cổ kính vẫn được lưu giữ cẩn trọng. Những báu vật này không chỉ là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu, mà còn như nhịp cầu nối liền quá khứ hào hùng với hiện tại và tương lai, để di sản văn hóa mãi được tôn vinh.
Chùa Hưng Phúc, nằm ngay cạnh đình làng và cùng hướng về phía nam, được người dân phục dựng vào năm 2000 trên nền chùa cũ đã bị tiêu thổ kháng chiến năm 1948. Ngôi chùa ngày nay nổi bật với 20 pho tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng và quả chuông đồng đúc từ thời Nguyễn, mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh.
Đình và chùa Hoài Trung không chỉ là những thiết chế văn hóa quan trọng mà còn là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội thường niên, quy tụ sinh hoạt của Quan họ Hoài Trung. Theo lệ cũ, hội làng diễn ra từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Những năm "Phong đăng hòa cốc," hội kéo dài đến ngày 18 mới giã bạn, như một mỹ tục đẹp của vùng Quan họ cổ.
Trong những ngày hội làng, không khí nô nức càng thêm sôi động khi các bọn Quan họ trong vùng cùng tụ về. Tiếng hát quan họ vang lên ở sân đình, sân chùa, hay dưới thuyền trên ao làng, tái hiện không gian văn hóa độc đáo, thấm đượm tình người.
Vào những năm 30-40 của thế kỷ XX, làng Hoài Trung nổi tiếng với bốn bọn Quan họ, gồm hai bọn nam và hai bọn nữ, được biết đến với tên gọi Quan họ đằng chùa và đằng Đương. Các bọn này kết bạn với Quan họ Diềm (Viêm Xá): hai bọn nam Hoài Trung kết bạn với hai bọn nữ Diềm, và ngược lại, hai bọn nữ Hoài Trung giao lưu với hai bọn nam Diềm, tạo nên mối giao kết chặt chẽ giữa hai làng.
Trước đó, từ đầu thế kỷ XX, Hoài Trung còn duy trì đến bảy bọn Quan họ, kết nối giao lưu rộng rãi với các bọn Quan họ ở Viêm Xá, Vân Khám, Bái Uyên và Lũng Sơn. Truyền thống kết bạn ấy được tiếp nối, khi CLB Quan họ Hoài Trung không chỉ giữ mối giao tình với Quan họ Diềm mà còn mở rộng giao lưu đến Đào Xá, Châm Khê, Lũng Giang, Đông Yên… qua đó bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của Quan họ cổ.