Thế hệ người Việt trẻ nhìn nhận về sức khỏe tinh thần như thế nào?
(Sóng trẻ) - Mỗi một thời kỳ lịch sử gắn với mỗi thế hệ người Việt lại có những suy nghĩ, quan niệm khác nhau về sức khỏe tinh thần.
Thế hệ Gen X, Gen Y ưu tiên chất lượng cuộc sống
Lối sống của người Việt thuộc thế hệ Gen X và Y thường được ví như cách mà người dân nói chung “đồng cam cộng khổ”. Họ ưu tiên cho cuộc sống, quan hệ cộng đồng một cách chất lượng nhất. Họ luôn ưu tiên việc chăm sóc cho tâm hồn của mình dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Vì thế mà việc tồn tại cảm xúc tiêu cực được coi như một vấn đề về bệnh lý.
Chính vì vậy, việc giãn cách do dịch bệnh Covid - 19, phải ở nhà gần nửa năm qua đã khiến cho những người thuộc thế hệ này cảm thấy khó chịu và tăng sự lo âu. Chị Nguyễn Chiêu Nghi, giáo viên trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Quận Tân Bình, TP HCM) chia sẻ: “Từ khi giãn cách tôi không được đến trường dạy học, cũng không có thể gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp như trước khi. Cảm giác này giống như tôi đang đánh mất một phần nào đó trong cuộc sống. Ở nhà quá nhiều khiến đôi lúc tôi rất nhớ những ngày được đứng trên bục giảng, thậm chí chán nản và căng thẳng”.
Thế nhưng, chính vì sự ưu tiên chăm sóc cho sức khỏe tinh thần nên họ không dễ dàng gì chấp nhận để cho những cảm xúc tiêu cực tồn tại lâu và phá huỷ cuộc sống. Họ sẽ tìm ra nhiều cách khác nhau để thay đổi cuộc sống của mình, thích ứng không chỉ an toàn mà còn sáng tạo, tìm ra những cơ hội mới trong đại dịch. Chị Nghi chia sẻ thêm: “Tuy nhiên giãn cách cũng giúp cho tôi có nhiều cơ hội để làm những điều mà trước đây mình chưa có thời gian để bắt đầu. Tôi chăm chỉ tập thể dục nhiều hơn, thậm chí tôi đã tìm được niềm vui trong việc dạy học online tại nhà như tổ chức các cuộc thi vừa để làm quen với các em học sinh đầu cấp, giúp cho cả học sinh và giáo viên không bị chán nản khi không được tới trường”.
Gen Z - thế hệ căng thẳng nhất
Trái ngược với hai thế hệ Gen X và Gen Y đi trước, Gen Z đang được coi là thế hệ có nhiều lo âu, chú trọng nhiều vào sức khoẻ thể chất mà quên đi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đại dịch Covid-19 xuất hiện và Gen Z chính là những người lo lắng về cuộc sống sau đại dịch hơn các thế hệ khác. Áp lực đã cao giờ ngày càng gia tăng khi họ phải tập thích nghi với làm việc online, tốt nghiệp từ xa, thiếu đi sự giao tiếp với các mối quan hệ khác.
Bạn Nguyễn Hương Giang, sinh viên năm 3 trường Đại học Hà Nội cho biết “Dịch Covid - 19 và giãn cách đang là nỗi ám ảnh đối với mình. Tất cả mọi kế hoạch, dự định của mình gần như bị đình trệ thậm chí là phải huỷ bỏ hết vì không thể thực hiện được nếu như chỉ có thể ở nhà”.
Các bạn trẻ với tâm lý muốn chứng tỏ bản thân, luôn mong muốn có thể đạt được mục tiêu của chính mình nên họ luôn "nỗ lực điên cuồng" để có thể đạt được những điều đó. Có thể nói Gen Z sẽ không cho mình dừng lại nếu như đang cảm thấy thua kém người khác. Gen Z là thế hệ cầu tiến và luôn muốn được làm mới mình để hòa nhập với xu thế mới. Thế nhưng vô hình chung họ đang tự đặt ra cho mình những mục tiêu quá sức khiến cho họ phải sống với áp lực, tự ti mà không có cách nào thoát ra được.
Bạn Lưu Tuấn Hải, sinh viên năm 3 trường Đại học Ngoại thương chia sẻ “Bản thân mình là một người hay suy nghĩ tiêu cực nên đã có khoảng thời gian mình bị mất ngủ, stress dài ngày. Cuộc sống xung quanh mình đảo lộn hoàn toàn, mình bị bó hẹp trong bốn bức tường và trong chính cảm xúc tiêu cực của mình. Trước đây khi nào cảm thấy mệt mỏi mình có thể gặp bạn bè để tâm sự nhưng giờ mình chỉ có thể làm bạn với máy tính để tạm thời quên đi những áp lực”.
Cuộc sống ngày càng hiện đại khiến cho giới trẻ luôn phải đối diện với nhiều áp lực hơn từ công việc, học tập cho đến những "deadline" đến từ cuộc sống bên ngoài. Từ đó, những căn bệnh liên quan đến tinh thần, như trầm cảm, căng thẳng..., xuất hiện ngày càng nhiều và đang có xu hướng "trẻ hóa". Do vậy, chúng ta nhất thiết cần phải khắc phục được những khó khăn này để có được những giải pháp đúng đắn, nhằm cải thiện chất lượng sống của Gen Z hiện nay.