Thời đại mới - Bàn chuyện giới
(Sóng trẻ) - Đó là chủ đề của buổi hội thảo trực tuyến nhằm kết nối sinh viên, báo chí và doanh nghiệp được diễn ra vào sáng 18/1.
Sự kiện do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức, nằm trong dự án “Thanh niên và Bình đẳng giới” được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu thông qua Oxfam tại ba địa điểm là Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
Diễn đàn là nơi sẻ chia góc nhìn, kinh nghiệm của mạng lưới chủ chốt ba bên sinh viên, maketers và nhà báo. Từ đó, đề xuất những giải pháp và thúc đẩy bình đẳng giới trong ba lĩnh vực được coi là có tác động truyền thông lớn nhất đến xã hội là giáo dục, quảng cáo tiếp thị và báo chí.
Chương trình với sự góp mặt của: Lê Văn Thanh - Quản đốc chương trình Hợp tác phát triển phái đoàn Liên minh Châu Âu EU tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Anh - quản lý dự án của tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cùng với diễn giả của 3 khối đại diện sinh viên, doanh nghiệp và báo chí,...
Định kiến giới - câu chuyện muôn thuở chưa hồi kết
Qua việc khảo sát nhận thức của nhóm sinh viên, bạn Trương Mỹ Hoa (Sinh viên năm 2, trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay: “Không khó để bắt gặp những câu chuyện liên quan đến bất bình đẳng giới cùng với rất nhiều tư tưởng lệch lạc đến từ các bạn trẻ trên mạng xã hội. Thậm chí, những poster quảng cáo lấy hình ảnh phụ nữ là người nội trợ, đàn ông là trụ cột kinh tế trong gia đình được lặp đi lặp lại cho đến khi thông tin đi sâu vào nhận thức của con người”.
Dưới góc nhìn của các bạn sinh viên, giáo dục là một vấn đề cốt lõi trong việc phát triển xã hội nói chung và thúc đẩy bình đẳng giới nói riêng. Tuy nhiên, trong suốt nhiều thập kỷ qua, hệ thống sách giáo khoa đã cung cấp rất nhiều những định kiến giới thông qua các hình ảnh, các câu văn gây ra tác động không nhỏ đến cách xã hội nhìn nhận về vai trò của nam giới và nữ giới. Từ đó có thể dẫn đến các định hướng nghề nghiệp mang tính áp đặt, gò bó.
Xóa nhòa khuôn mẫu định kiến giới
Nhóm diễn giả đưa ra các đề xuất góp phần cải thiện vấn đề bình đẳng giới. Trước hết, Bộ giáo dục nên đưa những bài học về bình đẳng giới lồng ghép vào chương trình đào tạo để giải thích cho trẻ sự khác nhau giữa mặt thể chất và mặt sinh học giữa nam và nữ. Đồng thời, tài liệu truyền đạt không nên áp đặt những công việc dành riêng cho từng giới.
Bên cạnh đó, bản thân các marketers, doanh nghiệp cần có hiểu biết về bình đẳng giới và nghiên cứu sâu rộng về thị trường, đặc điểm của từng giới. Họ cần thực sự cẩn thận, thường xuyên kiểm tra nội dung để tránh rơi vào những “điểm mù” đáng tiếc.
Hơn hết, các công ty, doanh nghiệp phải đảm bảo lương thưởng trong công việc được chi trả dựa trên năng lực chứ không phải là giới tính, không được phép đuổi việc, giảm lương và ngăn chặn cơ hội thăng tiến với phụ nữ chỉ vì thiên chức làm mẹ của họ.
Tín hiệu đáng mừng trong bình đẳng giới
Trước vấn đề bình đẳng giới gây nhức nhối dư luận, Bộ giáo dục đã phối hợp với các tổ chức quốc tế và chuyên gia về giới đề một số hướng giải quyết phù hợp. Chị Phương Nhung - chuyên gia về giới chia sẻ: “Sau một loạt các động thái tích cực có tính chất thực tế, năng lực của đội ngũ giáo viên đã được nâng cao một cách đáng kể. Những tài liệu tập huấn chính thống dành cho giáo viên các cấp đã bổ sung một chương rất cụ thể về vấn đề bình đẳng giới cũng như sự đa dạng về giới”.
Trong những năm gần đây, việc áp dụng giới trong marketing trở nên phổ biến và phong phú hơn. Khác với lối mòn tư duy trước đây, hình ảnh của những người phụ nữ đã được xuất hiện qua các tấm biển quảng cáo đồ thể thao hoặc công sở. Hình ảnh nam giới thì bắt đầu góp mặt trong những TVC mĩ phẩm, làm đẹp. Đặc biệt, thế hệ gen Z (Từ năm 1995 trở về sau) có những góc nhìn rất mở và hiện đại về giới.