Thổi hồn chất liệu dân tộc vào thời trang của nhà thiết kế trẻ

(Sóng trẻ) - Đỗ Ngọc Duyên là nhà thiết kế (NTK) thời trang trẻ mang trong mình niềm đam mê cháy bỏng với hoạ tiết thổ cẩm. Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Lào Cai, nơi có sự giao thoa văn hoá của rất nhiều dân tộc anh em, chính điều này đã nuôi dưỡng trong cô một tình yêu đặc biệt với những họa tiết thổ cẩm đa dạng, rực rỡ sắc màu. 

Từ những ngày còn nhỏ, Duyên đã bị thu hút bởi những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, với những họa tiết tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa. Những hình ảnh về những người phụ nữ H'Mông thêu thùa tỉ mỉ, hình ảnh người Dao với trang phục sặc sỡ đã trở thành nguồn cảm hứng cho cô trong quá trình sáng tạo của mình.

“Từ nhỏ, tôi đã bị cuốn hút bởi những họa tiết và màu sắc trên thổ cẩm,  tôi luôn tự hỏi làm thế nào để có thể đưa những nét đẹp ấy vào cuộc sống hiện đại. Khi lớn lên và theo đuổi ngành thời trang, tôi nhận ra rằng mình không chỉ muốn tạo ra những sản phẩm đẹp mà còn muốn mang giá trị văn hóa quê hương vào từng thiết kế”, Duyên chia sẻ về nguồn cảm hứng lựa chọn chất liệu dân tộc trong các thiết kế của mình.

1b5298a84546fd18a457.jpg
Sinh ra ở nơi có sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hoá các dân tộc, Đỗ Ngọc Duyên (váy xanh) đã sớm bị thu hút bởi những họa tiết thổ cẩm sặc sỡ. (Ảnh: NVCC)

 

Theo Duyên, chất liệu dân tộc không chỉ đơn thuần là một loại vải mà còn là biểu tượng của văn hoá, bản sắc dân tộc. Mỗi tấm thổ cẩm, mỗi mảnh vải dệt tay đều chứa đựng trong đó cả một câu chuyện, một di sản được truyền qua nhiều thế hệ.  Đó là những câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu, về thiên nhiên, được người dân gửi gắm vào từng đường kim mũi chỉ.

Chia sẻ về sự đặc biệt của thổ cẩm dân tộc và lý do cô chọn đưa thổ cẩm vào các thiết kế của mình, cô cho hay: “Khác với các chất liệu công nghiệp hiện đại, thổ cẩm dân tộc được làm hoàn toàn thủ công với tình yêu và sự khéo léo của những người thợ lành nghề. Mỗi họa tiết trên vải là kết quả của hàng giờ làm việc tỉ mỉ, từ việc chọn nguyên liệu tự nhiên đến từng sợi chỉ đan dệt. Điều này không chỉ tạo nên giá trị độc nhất mà còn mang lại sức sống và cái hồn của văn hóa vào từng sản phẩm. Chất liệu dân tộc còn mang đến sự bền vững, khi nó được làm từ các nguyên liệu tự nhiên và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường”.

Việc làm thế nào để kết hợp một cách tinh tế nhất giữa chất liệu dân tộc và phong cách hiện đại đòi hỏi sự sáng tạo, đôi khi là phá vỡ những giới hạn truyền thống, việc này cũng đặt ra một số thách thức cho NTK trẻ Đỗ Ngọc Duyên:

“Chất liệu thổ cẩm dân tộc vốn có những họa tiết đặc trưng, cách dệt độc đáo và mang nét văn hóa sâu sắc. Thách thức của tôi là làm sao để giữ được hồn cốt của chất liệu này, nhưng vẫn tạo nên một diện mạo nổi bật và phá cách. Điều này đòi hỏi tôi phải khai thác những điểm độc đáo của chất liệu, chẳng hạn như phối họa tiết thổ cẩm với những chi tiết và đường cắt hiện đại hoặc thử nghiệm những kiểu dáng mới lạ và cầu kỳ. 

Tôi cũng kết hợp thổ cẩm với các chất liệu khác để tạo chiều sâu cho trang phục, khiến nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để duy trì sự cân bằng giữa sáng tạo và tính truyền thống, tôi luôn tôn trọng ý nghĩa văn hóa của từng họa tiết và màu sắc nhưng sẽ biến tấu sao cho chúng trở nên táo bạo, đầy cảm xúc. Bằng cách này, tôi hy vọng trang phục không chỉ gây ấn tượng về mặt thị giác mà còn truyền tải được tinh thần và giá trị văn hóa sâu sắc mà chất liệu dân tộc mang lại”.

Bộ sưu tập (BST) "Sèng Sờ Boàng” - câu chuyện đằng sau sự kết hợp 2 yếu tố truyền thống và hiện đại

"Sèng Sờ Boàng” trong tiếng Dao đỏ nghĩa là cô dâu mới, BST bao gồm 7 bộ trang phục ấn tượng lấy cảm hứng từ hình ảnh cô dâu Dao đỏ ở Tả Phìn, Sapa, Lào Cai. BST nói lên khát vọng về cuộc sống độc lập của những người phụ nữ nơi đây. Định kiến về vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình và xã hội vẫn còn rất mạnh mẽ, khiến cho họ thường bị hạn chế trong việc tiến xa hơn trong cuộc sống. Thậm chí, một số phụ nữ vẫn bị ép buộc phải tuân thủ các quy định về hôn nhân và gia đình một cách không tự chủ.

“Thông qua BST này, tôi mong muốn sẽ xoá bỏ định kiến về người đồng bào dân tộc thiểu số, đem đến cái nhìn tích cực cũng như công nhận sự vươn lên của họ. Họ không chỉ đóng vai trò là những người chăm sóc gia đình mà còn là những người giữ lửa cho bản sắc văn hóa của dân tộc. Điều này làm cho họ trở thành những tượng đài của sự kiên trì và sức mạnh tinh thần”.

seng-so-boang.jpg
“Sèng Sờ Boàng” trong tiếng Dao Đỏ nghĩa là cô dâu. (Ảnh: NVCC)

 

Với kỹ thuật nhuộm chàm của người dân tộc, hand stitching (nối vải hoặc da bằng tay, thường được thực hiện để tạo ra những mảnh đồ may hoặc đồ da có chi tiết tinh tế - PV), đính vải,  NTK đã khéo léo kết hợp những chất liệu mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên như vải mộc (một loại vải được dệt từ những sợi thiên nhiên nên rất thoáng mát, thấm hút tốt - PV) được nhuộm từ nguyên liệu thiên nhiên cùng những chất liệu hiện đại như da, đinh tán, oxidized silver…tạo nên những bộ trang phục vừa truyền thống vừa thời thượng. 

seng-so-boang-4.jpg
Mỗi trang phục trong BST đều được thiết kế tỉ mỉ, kết hợp hài hoà giữa chất liệu dân tộc và sự mới mẻ, hiện đại. (Ảnh: NVCC)

“Tôi đã có trải nghiệm nghiên cứu và tìm hiểu thực tế tại bản Tả Phìn cũng như tìm kiếm chất liệu cho BST. Tả Phìn nổi tiếng với những sản phẩm thêu tay thủ công tỉ mỉ, tinh xảo. Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là những tinh hoa của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc làm cho thổ cẩm của người Dao Đỏ Tả Phìn không thể hòa lẫn được với bất cứ sản phẩm thổ cẩm của vùng nào. Chính vì vậy tôi đã đặc biệt đưa thổ cẩm Dao đỏ lồng ghép vào trong những bộ trang phục”, Duyên chia sẻ về BST lần này.

NTK Đỗ Ngọc Duyên không chỉ đơn thuần sử dụng họa tiết thổ cẩm để trang trí mà còn tìm cách khai thác sâu sắc ý nghĩa của từng họa tiết, để chúng trở thành linh hồn của những thiết kế của mình. Sự kết hợp tinh tế giữa yếu tố hiện đại và nét văn hóa truyền thống đặc trưng của trang phục cưới người Dao Đỏ ngoài việc tôn vinh vẻ đẹp của dân tộc còn truyền tải thông điệp sâu sắc về sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại. Đó là hình ảnh người phụ nữ Dao Đỏ tự tin, độc lập, vừa giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, vừa sẵn sàng đón nhận những luồng gió mới.

Mong muốn quảng bá văn hoá Việt Nam qua từng thiết kế

NTK Đỗ Ngọc Duyên là 1 trong 16  NTK của  BST “Thanh âm Việt và sắc màu 5 châu” tham dự Tuần lễ thời trang Thái Lan 2022, đây cũng là BST giao thoa giữa yếu tố truyền thống dân tộc và hơi thở đương đại. Theo cô, những BST này không chỉ là tác phẩm thời trang mà còn là cây cầu kết nối văn hoá:

“Mỗi họa tiết, màu sắc và chất liệu truyền thống trong bộ sưu tập đều mang một phần của hồn dân tộc, khi chúng được giới thiệu trên sân khấu quốc tế, đó là một cách để thế giới biết đến văn hóa độc đáo của Việt Nam. Việc sử dụng chất liệu văn hóa dân tộc trong thời trang có ý nghĩa lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam. Không chỉ là những bộ trang phục đẹp mắt, mà đó còn là câu chuyện, là tinh hoa truyền thống đã được bảo tồn qua nhiều thế hệ”.

df70552aa0c4189a41d5.jpg
Nhà thiết kế Ngọc Duyên luôn trân trọng chất liệu truyền thống và đã kết hợp tinh tế chúng cùng nhiếp ảnh gia Đào Thế Vũ để tạo nên một bộ sưu tập đầy ấn tượng. (Ảnh: NVCC)

 

Có thể thấy, chất liệu truyền thống khi đưa vào thời trang không chỉ đơn giản là hoạ tiết, là một loại vải, mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hoá. Đồng thời khi “thổi” vào thời trang những yếu tố này, chúng trở thành những câu chuyện văn hoá được tái hiện, vừa tôn vinh giá trị truyền thống, vừa khơi gợi sự sáng tạo bất tận cho các nhà thiết kế.

“Khi nhìn thấy những bộ trang phục ấy, người xem không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp mà còn hiểu thêm về bề dày văn hóa, sự tinh tế trong nghệ thuật và tình yêu di sản của con người Việt Nam. Tôi tin rằng thời trang có khả năng truyền tải thông điệp mạnh mẽ, và các bộ sưu tập sử dụng chất liệu dân tộc chính là cách để chúng ta đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Đó cũng là lời khẳng định về bản sắc riêng của Việt Nam giữa dòng chảy hội nhập và phát triển của thời trang thế giới”, Duyên .

Cô cũng cho biết thêm, xu hướng sử dụng chất liệu dân tộc trong thời trang sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ vào những năm tới. Ý thức của người tiêu dùng về thời trang bền vững và giá trị văn hóa đang ngày càng được nâng cao. Họ ngày càng trân trọng những sản phẩm mang tính di sản và có tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt là những chất liệu được làm thủ công, thân thiện với môi trường. 

Chia sẻ với PV, có rất nhiều chất liệu dân tộc đặc sắc mà cô chưa có cơ hội khai thác nhưng nếu chọn một, cô mong muốn thử sức với vải lanh và kỹ thuật nhuộm chàm của người Mông. Bởi vải lanh có độ bền cao, mềm mại theo thời gian, mang lại cảm giác tự nhiên và tinh tế, khi kết hợp với màu nhuộm chàm đặc trưng sẽ mang lại màu sắc độc đáo và khả năng ứng dụng cao.

“Tôi rất kỳ vọng rằng các chất liệu dân tộc sẽ trở thành một phần không thể thiếu của thời trang Việt Nam và có chỗ đứng  trên thị trường quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới”, NTK Đỗ Ngọc Duyên cho biết.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN