(Sóng trẻ) - Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu, người dân xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã nghiên cứu, sáng tạo và biến những chiếc lá bồ đề thành các sản phẩm nghệ thuật có giá trị tâm linh và kinh tế: Tranh lá bồ đề.
Cây bồ đề được xem là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo. Ở Việt Nam, loại cây này được trồng nhiều nhất ở tỉnh Ninh Bình, nơi có nhiều khu di tích lịch sử và các điểm du lịch tâm linh. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Tận dụng thế mạnh của vùng đất cố đô Hoa Lư cùng với mong muốn tạo việc làm cho người dân nơi đây, Hợp tác xã Sinh Dược đã tìm tòi nghiên cứu, tạo ra những bức tranh lá bồ đề được tỉnh Ninh Bình đánh giá là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Để tạo ra những tác phẩm từ lá bồ đề, các công nhân của HTX Sinh Dược phải thu hoạch lá vào khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm. Đây là thời điểm có nhiều lá già với phần gân dẻo dai, đạt chất lượng tốt nhất để sơ chế. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
“Sau thu hoạch, lá được ngâm trong nước vôi từ 1-2 tháng để phần thịt phân hủy. Chúng tôi sẽ dùng bàn chải chà sạch phần thịt lá, chỉ để lại gân, sau đó phơi khô nhẹ và nhuộm màu. Chất dùng để nhuộm lá thường là màu nước pha với hợp kim, vừa giữ cho phần gân mỏng manh của lá được cứng cáp, không bị ố màu, đồng thời khi nhìn dưới ánh sáng sẽ mang lại hiệu ứng lấp lánh rất đẹp mắt”, chị Trịnh Thị Lý – Phó Giám đốc Hợp tác xã Sinh Dược cho biết. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Tiếp đến là công đoạn chế tác tranh. Những chiếc lá bồ đề đã sơ chế sẽ được đính kết để tạo thành các bức tranh tinh xảo đã được lên ý tưởng từ trước. Ngoài ra, người nghệ nhân cũng có thể vẽ hoặc viết thư pháp lên trên lá, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa hoặc những triết lý của nhà Phật. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
“Mỗi bức tranh lá bồ đề được làm từ 7 - 10 ngày hoặc có thể lâu hơn, tùy vào kích thước hay độ khó khác nhau. Đối với những bức tranh dát vàng, pha trộn thêm chất liệu khác, thời gian làm có thể mất cả tháng bởi quy trình chế tác rất khắt khe, tỉ mỉ”, chị Lý cho biết thêm. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Nghề làm tranh từ lá bồ đề đã quy tụ nhiều nghệ nhân của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Bình quân thu nhập của các công nhân từ 7-10 triệu đồng/tháng, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
“Dịp cuối năm du khách đến Ninh Bình du lịch tăng cao, các sản phẩm từ tranh lá bồ đề làm ra đến đâu khách mua hết đến đó. Gắn bó với công việc làm tranh lá bồ đề, không chỉ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, tôi còn được thỏa mãn niềm đam mê. Mỗi tác phẩm làm ra đến tay mọi người sẽ lan tỏa được ý nghĩa sâu xa của lá bồ đề”, chị Minh Phương – thợ làm tranh lá bồ đề chia sẻ. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Sản phẩm tranh lá bồ đề cũng chính là kết quả của sự sáng tạo của người dân nơi đây và dần trở thành sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của vùng đất này. Trong đó, những tác phẩm tranh có giá trị cao như: Bồ đề nghìn năm, khổng tước song toàn, hồng phúc bồ đề, đại thụ ngàn năm, phật tâm bồ đề… Những tác phẩm tranh lá bồ đề có giá trị cao này được anh Phương bán ra với giá hàng chục triệu đồng. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
“Chúng tôi còn kết hợp các vật liệu tại địa phương như tranh thêu Minh Trang, gốm Bồ Bát, cói Kim Sơn để tạo ra các tác phẩm tranh độc bản, tạo giá trị nghệ thuật và sự liên kết trong chuỗi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại địa phương”, chị Lý – Phó Giám đốc Hợp tác xã Sinh Dược chia sẻ. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)
Năm 2020, sản phẩm tranh lá bồ đề của Hợp tác xã Sinh Dược được tỉnh Ninh Bình cấp chứng nhận OCOP 4 sao. “Với định hướng phát triển các tour, tuyến du lịch tâm linh của tỉnh, sản phẩm tranh lá bồ đề của Hợp tác xã Sinh Dược đã trở thành một sản phẩm quà tặng du lịch đặc sắc. Chúng tôi cũng đã gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đối với sản phẩm này”, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết. (Ảnh: Hoàng Thu Huyền)