(Sóng trẻ) - Từ ngày 26/11 đến ngày 30/11, đoàn thực tế chính trị - xã hội lớp Báo mạng điện tử K36A1 do TS. Đinh Thị Xuân Hòa làm Trưởng đoàn và Th.S Trần Thị Phương Lan làm Phó đoàn đã có chuyến đi thực tế thành công tốt đẹp tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Đoàn sinh viên lớp Báo mạng điện tử K36A1 gồm 48 sinh viên do TS. Đinh Thị Xuân Hòa làm Trưởng đoàn và Th.S Trần Thị Phương Lan làm Phó đoàn, thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đoàn sinh viên thực tế tại tỉnh Vĩnh Phúc làm việc trong 4 ngày từ ngày 26/11 đến ngày 29/11 với nhiều hoạt động lí thú, bổ ích trong tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như hoạt động báo chí tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong ngày đầu tiên làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc, đoàn làm việc với huyên Tam Dương - một huyện đi đầu trong toàn tỉnh về phát triển nông nghiệp với nhiều mô hình kinh tế đem lại giá trị kinh tế cao. Đoàn được cán bộ huyện trực tiếp dẫn đi tham quan 3 mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Đoàn đến thăm mô hình nuôi gà giống của hộ gia đình anh Phùng Văn Kỳ. Đây là một mô hình kinh tế đem lại giá trị kinh tế cao khi chuyển đổi từ việc nuôi gà thịt sang nuôi gà giống bán ra thị trường. Mô hình này đem lại giá trị kinh tế cho hộ gia đình anh Kỳ lên tới 35 triệu đồng/tháng.
Mô hình kinh tế thứ hai mà đoàn tham quan là mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc của anh Nguyễn Văn Tùng. Đây là một trong 3 mô hình nuôi trai lấy ngọc bằng nước ngọt duy nhất có ở miền Bắc. Mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế thu lãi 300.000 đồng/lứa. Mô hình cuối cùng mà đoàn tham quan là mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Kim Long thuộc huyện Tam Dương. Với việc tìm hiểu 3 mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của huyện Tam Dương đã giúp đoàn có cái nhìn khái quát nhất về tình hình phát triển nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Tam Dương nói riêng.
Đoàn tham quan mô hình nuôi gà giống của hộ gia đình anh Phùng Văn Kỳ (Ảnh: Công Bắc)
Đoàn tham quan mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc của anh Nguyễn Văn Tùng (Ảnh: Công Bắc)
Đoàn tham quan mô hình hợp tác xã rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP (Ảnh: Công Bắc)
Trong ngày thứ hai làm việc tại Vĩnh Phúc, đoàn làm việc với sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc về hoạt động quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương. Làm việc với đoàn có đồng chí Vũ Khánh – Phó Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh và đồng chí Nguyễn Tuấn Huy – trưởng phòng Tuyên truyền – Báo chí – Xuất bản thuộc sở. Tại buổi làm việc đoàn đã được lắng nghe sở báo cáo về tình hình hoạt động báo chí cũng như hoạt động quản lí nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh. Buổi làm việc cũng ghi nhận nhiều câu hỏi của sinh viên đối với lãnh đạo sở về vấn đề công tác quản lí báo chí, phương hướng quản lí, quản lí khủng hoảng truyền thông,… Buổi làm việc diễn ra trên tỉnh thần cởi mở, xây dựng.
Đoàn làm việc với lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Công Bắc)
Trong buổi chiều cùng ngày, đoàn đi thực tế tại huyện Bình Xuyên – một huyện phát triển công nghiệp, làng nghề mũi nhọn của tỉnh Vĩnh Phúc. Làm việc với đoàn tại huyện Bình Xuyên có đồng chí Nguyễn Tuấn Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy. Tại buổi làm việc, đoàn đã được nghe đồng chí Nguyễn Tuấn Hải giới thiệu tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Xuyên cũng như nghe giới thiệu về các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên. Theo đó trên địa bàn huyện Bình Xuyên có 5/6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, là yếu tố giúp kinh tế huyện phát triển nhanh chóng. Kết thúc buổi làm việc, đoàn đi thăm quan các khu công nghiệp trên địa bàn huyện.
Đoàn làm việc với lãnh đạo huyện Bình Xuyên (Ảnh: Công Bắc)
Đoàn đến thăm các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên (Ảnh: Công Bắc)
Đoàn gặp mặt nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang – người tiếp lửa sống lại làng gốm truyền thống Hương Canh. Đặc biệt trong ngày làm việc thứ hai tại huyện Bình Xuyên, đoàn đến thăm xưởng sản xuất gốm của nghệ nhân trẻ Nguyễn Hồng Quang – nghệ nhân duy nhất theo dòng gốm nghệ thuật giúp nâng tầm và gìn giữ gốm truyền thống Hương Canh đã vang bóng một thời. Gốm Hương Canh vốn là dòng gốm nổi tiếng cả nước với các sản phẩm: chum, vại, tiểu sành. Đứng trước nguy cơ mai một thì vẫn có những người như nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang tìm hướng đi mới cho gốm Hương Canh tiếp tục được tiếp lửa và đem lại giá trị kinh tế cao khi xưởng của anh Quang thu nhập trung bình một tháng là 50 triệu đồng với nhiều hợp đồng tiền tỷ.
Đoàn tặng quà cảm ơn Ban Tuyên giáo tỉnh ủy (Ảnh: Kim Dương)
Trong ngày thứ 3 làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc, đoàn làm việc với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy và Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Phúc. Làm việc với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy có đồng chí Nguyễn Khánh Lân – Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Đình Bảng – trưởng phòng Tuyên truyền – Báo chí – Xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Tại buổi làm việc, đoàn đã được lắng nghe về cơ cấu tổ chức cũng như hoạt động của Ban Tuyên giáo. Kết thúc buổi làm việc đồng chí phó đoàn Ths. Trần Thị Phương Lan tặng quà cảm ơn tới Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn thực tế chính trị - xã hội thành công.
Đoàn làm việc với lãnh đạo đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Công Bắc)
Đoàn tham quan cơ sở vật chất của đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Công Bắc)
Tiếp tục ngày làm việc, đoàn đến Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc, tiếp đoàn có đồng chí Nguyễn Thảo Nguyên – Phó Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Phúc và các lãnh đạo phòng ban thuộc đài. Tại buổi làm việc, đoàn đã được lắng nghe cơ cấu tổ chức, hoạt động của đài. Buổi làm việc diễn ra trong không khí phấn khởi, cởi mở, nhiều câu hỏi của sinh viên trong đoàn được đặt ra gắn liền với hoạt động của đài được lãnh đạo đài giải đáp một cách tận tình, chi tiết. Kết thúc buổi làm việc, đoàn tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị của đài.
Đoàn trao đổi, làm việc với cán bộ Sở Nông nghiệp huyện Lập Thạch (Ảnh: Công Bắc)
Đoàn thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch (Ảnh: Công Bắc)
Buổi chiều cùng ngày, đoàn tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch. Đây là một mô hình kinh tế trọng điểm của huyện Lập Thạch. Khi trái thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân Lập Thạch vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng.
Đoàn tham quan, dâng hương tại đền Trình – Tam Đảo (Ảnh: Công Bắc)
Đoàn chụp ảnh kỉ niệm tại thị trấn Tam Đảo (Ảnh: Công Bắc)
Đoàn thăm mô hình kinh tế trồng hoa – tạo hình – chụp ảnh tại Tam Đảo (Ảnh: Công Bắc)
Đoàn chụp hình kỉ niệm tại mô hình trồng hoa – tạo cảnh – chụp ảnh (Ảnh: Công Bắc)
Trong ngày cuối cùng làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc, đoàn làm việc với huyện Tam Đảo – huyện mũi nhọn phát triển du lịch – dịch vụ của toàn tỉnh. Đoàn được cán bộ huyện dẫn tới tham quan đền Trình, bảo tháp Mandala thuộc khu danh thắng Tây Thiên. Trong buổi chiều cùng ngày, đoàn di chuyển tới tham quan khu du lịch thị trấn Tam Đảo. Tại đây, đoàn tham quan mô hình kinh tế trồng hoa – tạo cảnh – chụp ảnh thu hút khách du lịch đến với Tam Đảo.
Cảm nhận sau chuyến thực tế tại Vĩnh Phúc, bạn Nguyễn Thị Hiền Lương (sinh viên lớp Báo mạng điện tử K36A1) chia sẻ: "Thông qua chuyển thực tế 4 ngày lần này tại tỉnh Vĩnh Phúc, bản thân mình đã học hỏi và mở rộng tầm mắt thêm nhiều kiến thức thiết thực từ thực tế về nhiều mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa tại một địa phương, cụ thể là tỉnh Vĩnh Phúc. Sau chuyến thực tế này chắc chắn mình đã tiếp thu thêm được nhiều kĩ năng từ việc tham quan, thực tế nhiều địa điểm từ đó phục vụ quá trình học tập sau này ngày một tốt hơn".
Theo nhận định ban đầu về kết quả của chuyến đi thực tế chính trị - xã hội của lớp Báo mạng điện tử K36A1 tại tỉnh Vĩnh Phúc thì chuyến đi thành công tốt đẹp. Sinh viên đã nắm được khái quát nhất về tình hình phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc trên 3 khía cạnh: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch – dịch vụ; tình hình xã hội – văn hóa, đời sống nhân dân của tỉnh cũng như hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh.
Đợt Thực tế chính trị - xã hội dành cho sinh viên của các lớp thuộc Khoa Phát thanh – Truyền hình diễn ra trong vòng 5 ngày (từ 26/11/2018 – 30/11/2018). Sau gần 20 năm, đây là năm đầu tiên thí điểm trở lại kế hoạch này với mục đích:
- Giúp sinh viên thâm nhập, nghiên cứu và nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội của địa phương trên các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng...
- Giúp sinh viên hiểu về tổ chức bộ máy hành chính của địa phương.
- Giúp sinh viên hiểu về hoạt động báo chí và quản lý báo chí tại địa phương.
- Bổ sung kinh nghiệm thực tế minh chứng cho những kiến thức đã được học, từ đó sinh viên vận dụng vào hoạt động nghề nghiệp báo chí hiệu quả.
- Bước đầu thực hành các phương pháp thu thập, xử lý thông tin cho hoạt động nghiệp vụ báo chí.
|
Đàm Công Bắc