Tín chỉ và những câu chuyện dở khóc dở cười
(Sóng trẻ) - Cho phép sinh viên chủ động trong việc đăng kí môn học, thời gian thi và mở ra cơ hội ra trường sớm cho những sinh viên có năng lực,…Nhưng bên cạnh lợi ích đó là những điều bất cập khi đăng kí tín chỉ.
Thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ là một yêu cầu đối với đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước và đuổi kịp trình độ tiên tiến của thế giới.Chất lượng và tiện ích của đào tạo theo tín chỉ so với đào tạo niên chế là điều được khẳng định qua quá trình đào tạo nhiều năm ở các trường đại học uy tín trên thế giới. Nhìn lại quá trình thực hiện mấy năm qua ai cũng có thể nhận thấy ưu điểm của loại hình đào tạo này. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều bất cập trong đăng kí tín chỉ.
Học chế đăng kí tín chỉ
Tín chỉ… cái được và chưa được
Không thể phủ nhận những ưu điểm mà học tín chỉ mang lại: sinh viên tùy theo khả năng học tập của mình có có thể quyết định số tín chỉ mà mình có thể hoàn thành trong một học kì . Như vậy, sinh viên giỏi có thể rút ngắn thời gian học tập, không nhất thiết phải 4 hoặc 5 năm như đào tạo niên chế trước đây. Thời lượng lên lớp giảm, giúp cho sinh viên có nhiều thời gian tự học, tự nghiên cứu, hầu hết các môn học đều giảm khoảng trên dưới 50%, thậm chí có môn giảm 70% thời lượng; Số lượng sinh viên khá giỏi ngày càng nhiều, nhất là số lượng sinh viên đạt tốt nghiệp giỏi và xuất sắc tăng lên một cách đáng kể…
Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục thì ai cũng muốn. Tuy nhiên, không phải muốn đổi mới thế nào cũng được. Theo quy luật, muốn đạt “chất lượng” mới (từng bước nhảy) trong quá trình phát triển bất cứ một lĩnh vực nào của xã hội thì cần phải có những điều kiện nhất định về “số lượng” cũng như về tổ chức quản lý. Không có những điều kiện đảm bảo thì cái mới được tạo ra sẽ không phải là những “chất mới”, mà chỉ là những “biến dạng” theo hướng tồi tệ hơn chất cũ.
Hiện nay, việc thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ để nâng cao chất lượng ở nước ta đang tồn tại một số bất cập.Về chất lượng đầu vào của sinh viên, muốn đào tạo có chất lượng thì trước hết trình độ sinh viên đầu vào phải đảm bảo. Nhìn chung khả năng tự nghiên cứu của sinh viên các trường đại học của chúng ta hiện nay rất kém.
Vấn đề đội ngũ giảng viên và chính sách đối đối với giảng viên, ai cũng biết rằng vai trò quyết định chất lượng đào tạo là đội ngũ thầy, cô giáo. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên các trường đại học nước ta hiện nay so với thế giới còn rất yếu về khả năng nghiên cứu và trình độ nại ngữ.
Về thái độ và thói quen học tập của sinh viên, sinh viên nước ta hiện nay có tư tưởng và thói quen học tập chưa phù hợp với việc đào tạo tín chỉ. Đào tạo tín chỉ với việc giảm thời lượng lên lớp không phải là giảm yêu cầu học tập. Tuy nhiên, hiện nay một số lớn sinh viên chưa hiểu được điều này, nên không phải sinh viên nào cũng dùng thời gian dôi ra để tự nghiên cứu. Thực tế, nếu thực hiện đúng yêu cầu về chất lượng thì hàng ngàn sinh viên sau năm thứ nhất phải ra trường (trường hợp ở Đại học Bách Khoa).
Về cơ sở vật chất đảm bảo cho đào tạo, chúng ta hiện nay đang mắc một sai lầm duy ý chí. Muốn mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo nhưng không tăng kinh phí cho đào tạo. Cơ sở phòng học hiện nay không đảm bảo, lớp tín chỉ quá đông (trên 100 sinh viên), sinh viên phải ngồi chen chúc nhau, giảng viên chỉ có thể thuyết trình, không có điều kiện tổ chức trao đổi, thảo luận.
Gian nan… đăng kí tín chỉ
Nhiều năm nay đăng kí tín chỉ qua mạng luôn là nỗi ám ảnh lớn của sinh viên. Cuối học kì I cũng chính là thời điểm đăng kí lịch học mới của các trường đại học, học viện đào tạo theo hình thức tín chỉ. Chuyện mất ăn, mất ngủ, thức trắng đêm, thay nhau túc trực 24/24 giờ canh mạng hết nghẽn để đăng ký môn học đã trở thành chuyện bình thường mỗi khi “mùa” đăng kí về.
Bạn Phạm Thị Thanh Huyền, một học viên của Học viện Ngân hàng than vãn: “Đang là mùa thi hết học phần, kiểm tra liên miên, toàn các môn thi khó đỡ thế mà tớ không thể nào ôn thi được vì còn phải ngồi chờ mạng để đăng kí tín chỉ. Sáng nay đến lớp học thấy bạn bè, ai cũng uể oải, ngáp ngắn, ngáp dài vì thiếu ngủ”.
Hướng dẫn đăng kí tín chỉ
Quang cảnh một buổi đăng kí tín chỉ
Còn bạn Phạm Thị Thu Hà, sinh viên khoa Ngôn ngữ trường Đại học KHXH & NV cho biết: “Buổi sáng hôm thứ 6 vừa rồi, đến lớp bạn lớp trưởng thông báo đã có lịch đăng ký môn học kỳ II. Chúng mình đứa nào cũng kêu trời. Thế là chiến dịch mang tên “tín chỉ” bắt đầu. Ngay tức khắc, cả buổi sáng và buổi chiều, người thì ở trường, người thì ra quán internet, người thì ở nhà canh máy tính để chờ sao cho đăng kí được tín chỉ. Đăng kí tín chỉ mà vui và náo nhiệt như đi hội nhưng ai cũng có phần lo lắng vì sợ không đăng kí được”.
Đến tối ở phòng trọ hay kí túc xá, tình trạng thức đêm chờ mạng của sinh viên cũng rất phổ biến. Nghẽn mạng một hồi, đến khi chỉ cần một bạn nào đó thông báo rằng: “Tớ mới đăng kí xong rồi đó, mọi người vào lẹ đi”, nhiều bạn lại lập tức bỏ cả cơm giữa chừng để đăng nhập, nhưng rồi cũng nhiều người tỏ ra thất vọng khi màn hình hiện lên dòng chữ đỏ thông báo Runtime error mà không sinh viên nào muốn nhìn: “Hệ thống đang bận vì quá tải. Vui lòng login lại sau”.
Những hình ảnh thường thấy khi đăng kí tín chỉ
Bạn Lưu Huyền trường Đại học Quốc gia thì cho biết: “Ngồi đợi ở nhà từ sáng khi cổng đăng kí mở cho đến mãi 1-2 giờ sáng mình mới đăng kí môn học xong. Lúc nào cũng phải đăng nhập liên tục, nếu không làm như vậy thì sẽ có bạn khác nhảy vào đăng kí ngay. Trường tớ cứ quá một nghìn sinh viên là hệ thống quá tải không vào được. Nhiều lúc cảm thấy bực mình, tự nghĩ sao trường không đăng kí luôn hộ sinh viên cho nhanh. Có bạn ở lớp tớ ngồi từ sáng đến đêm, cả khi hệ thống đã ít người vào nhưng vẫn không vào được nên tớ đành đăng kí hộ cho bạn ấy.”
Trong lúc chờ đợi cho mạng hết nghẽn, hệ thống không quá tải thì các bạn sinh viên đã bày ra không ít những “đặc sản sinh viên” như: Từ “Hội những người phẫn nộ về đăng kí tín chỉ”… “Hội những người phát cuồng về đăng kí tín chỉ”, “Hội những người mất ăn, mất ngủ vì đăng kí tín chỉ”,…. Trên các trang này, hội tụ hàng ngàn thành viên. Nài những thông báo về thời gian đăng ký cho mọi người cùng biết thì chủ yếu là những lời kêu ca, phàn nàn của sinh viên…không biết gửi cho ai.
Một số thành viên có đăng các trạng thái như sau: thành viên có nickname Tra My Dinh chán nản: “Có vẻ rất nhiều người chày cối không chịu từ bỏ, đến bây giờ vẫn chưa làm được gì, cố đấm ăn xôi hỏng, đi ngủ!!!”. Bên cạnh đó các bạn sinh viên cũng thỏa sức sáng tạo với hàng loạt ảnh chế, truyện tranh, clip chế về chuyện đăng kí tín chỉ để thỏa nỗi bức xúc hay những câu nói vui “Bạn chưa đủ tài năng và bản lĩnh để đăng kí, thì mời bạn quay trở lại đăng kí sau”.
Những “sản phẩm” phát sinh khi đăng kí tín chỉ
Ảnh chụp từ clip chế “gây bão” trên cộng đồng mạng
Các trường đại học như Học viện Ngân Hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH KHXH & NV (ĐH Quốc gia HN), ĐH Bách Khoa Hà Nội,…và rất nhiều trường khác thực hiện hình thức cho sinh viên đăng ký môn học theo tín chỉ qua mạng internet.
Sinh viên mong nhà trường quan tâm tới nỗi khổ của sinh viên mỗi mùa đăng kí tín chỉ. Các bạn chỉ mong sao hệ thống đủ mạnh, hoặc phân bổ thời gian hợp lý để tình trạng khổ cực này không còn nữa.
Lê Thị Kim Hoa
Báo mạng điện tử K32
Ảnh: Nguồn Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận