Tọa đàm “Tái thiết di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị”
(Sóng trẻ) - Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, sáng ngày 23/11, tại Hội trường Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã diễn ra Tọa đàm “Tái thiết di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị”.
Tọa đàm nhằm triển khai kế hoạch thực hiện sáng kiến gia nhập mạng lưới sáng tạo Unesco, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế. Lễ hội sáng tạo Hà Nội 2023 không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, mà còn là nơi để 200 đơn vị sáng tạo, kiến trúc sư, nghệ nhân. Đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo thăng hoa trong cảm xúc, thoải mái thể hiện các ý tưởng.
Đến dự buổi lễ có sự tham gia của ông Vương Hải Long – Tiến sĩ, Kiến trúc sư, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội; Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng quản lý Sở văn hóa di sản, Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội cùng một số các đơn vị khác trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Vương Hải Long – Tiến sĩ, Kiến trúc sư, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định: “Chủ đề năm nay về Tái thiết di sản trong lòng đô thị Hà Nội, trong quá trình phát triển của cuộc thi đều có những công trình làm nên sản phẩm tốt và áp dụng được vào cuộc sống. Tuy nhiên thì nếu nó không có giá trị về mặt vật thể cũng không có nghĩa là nó không có một chút ý nghĩa nào về mặt phi vật thể. Bản thân mỗi công trình đều chứa đựng trong đó rất nhiều dòng thời gian lịch sử, văn hóa và nếu như trong quá trình phát triển mà chúng ta cân nhắc, ứng xử một cách có chọn lọc thì nó sẽ tạo ra cái bề dày của đô thị, tạo ra “dòng chảy” lịch sử xuyên suốt theo thời gian”.
Ngoài ra, buổi tọa đàm còn nhận được những chia sẻ của các diễn giả với các chủ đề: “Tái thiết Di sản công nghiệp từ đánh giá đến quản lý sáng tạo” do Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến trình bày, “Làng trong mối quan hệ với các dự án phát triển ven đô Hà Nội” của Thạc sĩ, Kiến trúc sư Phạm Thùy Linh, và “Cải tạo và bảo tồn các khu tập thể cũ ở Hà Nội dưới góc nhìn di sản đô thị” của Thạc sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Việt Ninh.
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến: “Trong bối cảnh đô thị không ngừng vận động và phát triển, các công trình công nghiệp cũ không chỉ là đối tượng của bảo tồn mà còn là điểm tựa văn hóa, động lực cho phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi thích ứng các công trình công nghiệp cũ trong cấu trúc không gian đô thị khu vực nội thành Hà Nội phải được triển khai bằng các phương thức để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trước mắt, lẫn mục tiêu lâu dài của đô thị”.
Tọa đàm “Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị” đem đến góc nhìn mới mẻ cho những nhà thiết kế, sáng tạo trẻ trong việc đưa di sản của Thủ đô đến gần hơn với các yếu tố hiện đại, góp phần phát huy các giá trị truyền thống, thể hiện được tinh thần của Lễ hội “Thiết kế sáng tạo Hà Nội” năm 2023. Cũng từ đây, việc tái thiết di sản trong lòng Thủ đô trong thời kì đô thị hoá đã được cụ thể hoá, đem lại cái nhìn khách quan hơn về cách tiếp cận và quản lý di sản văn hóa.