Trẻ lang thang đường phố: Có sướng cũng không dám hưởng
(Sóng trẻ) - Cuộc sống trên đường phố đối với những đứa trẻ lang thang không chỉ là sự thiếu thốn về vật chất mà còn là chuỗi ngày phải đối mặt với cô đơn, bất an và tổn thương tâm lý. Trong một xã hội đang phát triển nhanh như Việt Nam, vấn đề trẻ lang thang đường phố vẫn còn là một thực trạng nhức nhối cần được nhìn nhận sâu sắc và giải quyết tận gốc.
Vòng luẩn quẩn giữa hy vọng và bế tắc
Theo Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, tính đến năm 2018 nước ta có khoảng 24.000 trẻ em lang thang kiếm sống, trong đó có hơn 20% trẻ hoàn toàn mù chữ. Những đứa trẻ lang thang đường phố thường đến từ các gia đình gặp biến cố: cha mẹ ly hôn, bạo hành, nghèo khó hoặc bị bỏ rơi. Khi không thể tìm được sự an toàn từ chính ngôi nhà của mình, các em đành lang thang khắp các thành phố lớn với hy vọng kiếm sống và tự mình tồn tại.
Tuy nhiên, đường phố không phải là miền đất hứa, mà là nơi đầy rẫy cạm bẫy. Không ít trẻ bị lôi kéo vào các băng nhóm trộm cắp, nghiện ma túy hoặc trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Môi trường không an toàn khiến các em dễ mắc kẹt trong vòng xoáy tệ nạn, nơi mà việc phạm tội đôi khi trở thành cách duy nhất để sống sót. Đỗ Duy Vị, Giám đốc Trung tâm Blue Dragon, từng là một trong những đứa trẻ đó. Anh chia sẻ rằng nếu không gặp được tổ chức thiện nguyện này, có lẽ anh đã phải ngồi tù hoặc mất tích ở một góc tối nào đó của xã hội.
“Cuộc sống đường phố có quá nhiều cám dỗ và bạo lực. Một đứa trẻ 14 - 15 tuổi không có gia đình sẽ rất dễ bị lừa vào con đường xấu, thậm chí trở thành nạn nhân của bạo hành, lạm dụng hoặc bị bán ra nước ngoài…” anh Vị tâm sự.
Đây là bi kịch không hiếm gặp, khi những đứa trẻ mất đi tuổi thơ và ước mơ chỉ vì chúng không có ai đứng bên cạnh lúc cần nhất.
Lo sợ khi được “sướng”
Dù nhiều tổ chức xã hội đã và đang nỗ lực giúp trẻ em lang thang tìm lại con đường hòa nhập, nhưng việc mang lại cho các em cuộc sống mới không đơn giản như chúng ta nghĩ. Trung tâm Blue Dragon là một ví dụ điển hình khi đã thành công hỗ trợ được gần 10.000 người trên khắp Việt Nam, giải cứu được hơn 1.000 người và giúp đỡ gần 700 trẻ em vô gia cư đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng sẵn lòng đón nhận cơ hội này. “Chúng tôi có một ngôi nhà đẹp, đầy đủ thức ăn và các cơ hội phát triển, nhưng đôi khi điều đó cũng không đủ. Nếu các em không sẵn sàng mở lòng, chúng tôi không thể giúp được”, anh Vị chia sẻ.
Nhiều em mang nặng mặc cảm rằng mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp. Chúng tự thuyết phục rằng: “Mình đáng phải sống dưới gầm cầu, đáng phải chịu khổ đến hết đời.” Đó là tâm lý phổ biến ở những đứa trẻ đã quen với việc bị bỏ rơi, thất vọng hoặc phản bội. Khi được đưa vào một mái ấm mới, các em thường tự hỏi: “Những người này tốt với mình để làm gì? Liệu họ có bỏ mình đi như người khác đã từng không?”
Bạn H, 14 tuổi, một trong những bạn nhỏ tiếp nhận sự giúp đỡ từ tổ chức xã hội tâm sự: “Khó khăn khi em mới đến nơi đây đó là tâm lý em còn khá nhút nhát rụt rè, vào một môi trường mà mọi người đã biết đến nhau em cảm thấy mình chưa hòa đồng được, nhiều khi em cũng bị các bạn nói những câu khiến em cảm thấy tổn thương khiến ban đầu em chưa sẵn sàng để nói chuyện với các bạn cũng như các anh chị xã hội, phải mất một thời gian để làm quen và được sự hỗ trợ tham vấn nhiệt tình của các anh chị mà em cảm thấy thoải mái hơn”.
Đường về gian nan
Các chuyên gia xã hội học nhận định rằng, để giải quyết triệt để vấn đề trẻ lang thang, không chỉ cần nỗ lực từ các tổ chức thiện nguyện mà còn phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Theo TS. Đỗ Quý Hoàng - ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Điều 14 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền được chăm sóc sức khoẻ: “Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng, khám, chữa bệnh”. Ngoài ra, Luật Trẻ em còn quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo về CSSK trẻ em tại Điều 43, theo đó, yêu cầu nhà nước cần có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khoẻ, trong đó ưu tiên các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em lang thang. Đồng thời, Nhà nước còn khuyến khích các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực để bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em, ưu tiên trẻ em lang thang.
Ngoài ra, sự thay đổi nhận thức của xã hội cũng là yếu tố quan trọng. Thay vì kỳ thị hoặc xa lánh, chúng ta cần hiểu rằng những đứa trẻ này là nạn nhân của hoàn cảnh. Chúng cần được yêu thương và trao cơ hội để làm lại cuộc đời. Điều này bao gồm việc tạo ra môi trường gia đình an toàn, chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề, cùng với các chương trình tư vấn tâm lý dài hạn cho trẻ.
“Theo tôi thấy thì quá trình làm việc với trẻ em lang thang thì vai trò nào cũng đều cần thiết và quan trọng, tuy nhiên để nói về vai trò không thể thiếu thì tôi nghĩ đó là vai trò tham vấn. Vai trò tham vấn như là một vai trò cơ bản đầu tiên trong quá trình làm việc và hỗ trợ các em, nếu vai trò này không thực hiện tốt thì các vai trò khác cũng sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn, nếu các em tâm lý vẫn còn cảm thấy bất an lo lắng thì các em sẽ không sẵn sàng để học tập hay tham gia các hoạt động khác, các em không có niềm tin về nhân viên xã hội thì các em sẽ không chia sẻ thông tin tự thu mình lại và hạn chế giao tiếp, vậy nên tham vấn tâm lý và tham vấn về các lĩnh vực khác là một vai trò quan trọng trong quá trình trợ giúp trẻ em lang thang”, Chị H. Nhân viên xã hội, Giáo viên tư vấn tâm lý tại Blue Dragon bộc bạch.
Câu chuyện về trẻ em lang thang không chỉ là câu chuyện của những đứa trẻ bị tổn thương, mà còn là bài học về lòng trắc ẩn và trách nhiệm xã hội.
Vẫn còn nhiều thách thức phía trước, nhưng nếu chúng ta không bỏ cuộc, một ngày nào đó, những đứa trẻ đường phố hôm nay sẽ trở thành những công dân tốt, biết trân trọng cuộc đời và lan tỏa lòng nhân ái cho thế hệ mai sau.