Trường Sa không hề xa một tí nào!


(Sóng Trẻ) - Đó là lời nhắn gửi của Kim Nguyên Bảo –  niềm tự hào của sinh viên báo chí, một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu vừa trở về từ “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2013” với những ai từng một lần mơ ước được đặt chân tới “Trái tim của Tổ quốc”.

Chào Bảo, được biết bạn vừa trở về từ Trường Sa - ước mong của rất nhiều người, cảm xúc còn lại của bạn lúc này là gì? 

Thực sự là đến bây giờ mình và nhiều thành viên trong đoàn vẫn chưa trở lại được cuộc sống bình thường mà vẫn đang lâng lâng. Mọi thứ cứ như một cuốn phim chậm, những kỉ niệm về Trường Sa, về con tàu HQ 996 gắn bó 12 ngày đêm vẫn in sâu trong mình. Những ngày tháng quên đi âu lo, chỉ có đêm, có ngày, có biển, không biết tiêu tiền là gì… Những đảo nổi, đảo chìm, những tiếng cười của học sinh ở Trường Sa, những chiến sĩ vất vả, những ngôi mộ liệt sĩ ở Nam Yết… Cứ mỗi kỉ niệm hiện về là lại òa khóc. Tất cả như mơ nhưng là thật bạn ạ. Mình thấy tiếc nuối vì hành trình đã kết thúc nhưng mình cũng sẵn sàng để bắt đầu cho sứ mệnh hậu hành trình, đó là viết, là kể về Trường Sa cho mọi người.

Thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệt, đặc biệt là những con sóng lớn, bạn có gặp nhiều khó khăn trong hành trình đến với đảo xa không? Cảm xúc đầu tiên của bạn khi đặt chân tới hòn đảo thiêng liêng của tổ quốc thế nào?

Người ta nói “Tháng Ba ba già đi biển”. Mùa này theo lịch dương lẫn lịch âm là mùa sóng yên biển lặng vì vậy nên không chỉ có Hành trình Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương trên tàu HQ 996 mà HQ 571, HQ 561, Titan cũng đang đưa nhiều đoàn công tác khác ra thăm đảo xa. Nhờ sự phù hộ của tổ tiên của các anh linh liệt sĩ mà rất may mắn cho chúng mình là không bị say sóng, không gặp sự cố thời tiết nài một chút sóng to ở cuối hành trình. Tuy nhiên, thời tiết ở Trường Sa khắc nghiệt, nắng nóng, lại thiếu nước ngọt… khó khăn mà quân dân trên các đảo, nhất là đảo chìm đối mặt thật không gì sánh nổi.

f8e861c98_i_4346.jpg

Thời tiết ở Trường Sa mùa này sóng yên biển lặng là cơ hội thuận lợi cho chuyến hành trình 

Lúc thấy đảo Song Từ Tây từ đằng xa, ko riêng mình mà cả đoàn háo hức chạy lên dùng ống nhòm để nhìn đảo… Mình may mắn nằm trong đội Văn nghệ xung kích được đặt chân lên đảo từ chiều hôm trước, được ngủ qua đêm, cảm giác sung sướng, tự hào, cảm giác đang được nằm, được ngồi, được đi vui chơi, ca hát, thăm thú giữa đảo xa không có gì diễn tả nổi. Và đi kèm với đó là sự biết ơn, kính phục quân dân trên đảo đang ngày đêm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhiều ngày trải nghiệm ở Trường Sa, bạn đã đi tới được những đảo nào? Cảm xúc của mọi người khi nhận được những món quà của bạn được mang đến từ đất liền? 

Bọn mình được đi các đảo nổi Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, các đảo chìm Cô Lin, Đá Nam, Đá Thị, Đá Tây C, nhà giàn DK1/12, DK1/11…

Chiến sĩ thì vui sướng khi nhận được thư. Mình chưa về đến đất liền mà đã nghe tin chiến sĩ liên lạc với chủ nhân các bức thư. Học sinh và phụ huynh thì háo hức khi nhận được bút chì, bảng viết, sách báo…. những thứ đó Đảng và Nhà nước đã lo cho các em đầy đủ nhưng tình cảm của các cá nhân mang ra từ đất liền họ đều rất trân trọng. 
Cả người đưa lẫn người nhận đều xúc động.

de23c8c9d_i_4593.jpg
 
Niềm vui của các em nhỏ ở Trường Sa khi nhận được món quà từ đất liền xa xôi

Bạn đã làm được gì trong những dự định của mình trước khi tới Trường Sa? Bảo có thể chia sẻ một chút những trải nghiệm thú vị mà bạn ấn tượng về chuyến đi không? 

Thứ nhất là toàn bộ thư và quà mình đã chuyển được hết cho chiến sĩ, nhân dân ở Trường Sa. Thứ hai là các hương, vật lễ các bạn gửi mình đã dâng lên chùa Sinh Tồn, chùa Song Tử, chùa Trường Sa để các thầy cầu siêu cho chiến sĩ. Thứ ba là mình đã hoàn thành vau trò MC chính của gần như tất cả các sự kiện trên tàu và dưới đảo – đây là một trong những vinh dự và hạnh phúc lớn nhất của mình.

                     de23c8c9d_i_3958.jpg

Bảo tự nhận mình là một trong những MC hạnh phúc nhất Việt Nam khi may mắn được đứng trên "sân khấu Trường Sa

Những trải nghiệm thì nhiều lắm, sao có thể kể xiết.. Đó là những giọt nước mắt của mọi người khi đứng bên 4 ngôi bộ liệt sĩ ở đảo Nam Yết, đó là đứng ở đỉnh Cô Lin nhìn qua Gạc Ma mà đau đáu nỗi niềm ngày trở lại, đó là niềm hạnh phúc được ôm, được chạy xe đạp cùng các em thiếu nhi, đó là những buổi giao lưu văn nghệ quên giờ giấc..

Bạn có thể chia sẻ 1 chút về những “chiến sĩ đặc biệt” (gà, chó, mèo...) ở Trường Sa k? 1vài kỉ niệm và ấn tượng với chúng? 

Hầu như đảo nào cũng nuôi động vật, nhiều nhất là chó và lợn, sau đó còn có vịt và bò. Bạn sẽ chảy nước mắt khi chứng kiến cảnh bò ở Song Tử Tây phải ăn bì cát-tông vì không có cỏ. Bạn sẽ hạnh phúc khi thấy đàn chó nhiều thế hệ, cũng cha mẹ, cũng anh em ở các đảo chìm Cô Lin, Đá Thị, Đá Nam đang ngày đêm bầu bạn với chiến sĩ, đồng thời luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ cảnh giới. Bạn sẽ cười ngặt ngã khi nhìn thấy những đàn lợn thả rông trên các đảo nổi… chúng cứ chạy lăng xăng, tự kiếm ăn, tự đi ngủ… Động vật trên đảo cũng rất có kỉ luật và tổ chức!

de23c8c9d_i_4791.jpg

 Vui đùa cùng các "chiến sĩ" đặc biệt

Với trọng trách một “sứ giả” khi tới Trường Sa, có điều gì mà bạn cảm thấy nuối tiếc khi chưa thực hiện được không? 

Điều mình cảm thấy nuối tiếc là có những lúc do quá mệt mỏi mà đã không tranh thủ được hết cơ hội để thăm thú đảo, để cùng mọi người giao lưu, chụp ảnh, chia sẻ những câu chuyện trên tàu HQ 996… Thời gian tưởng dài mà ngắn… Nếu có cơ hội, mình vẫn xung phong đi Trường Sa nhiều lần nữa.

Trở về từ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, Bảo có cảm thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn sau chuyến đi? 
Mình nghĩ không nên tự áp đặt tinh thần là phải có trách nhiệm nặng nề hơn, như vậy sẽ là cường điệu hóa lòng yêu nước. Mình nghĩ ai cũng vậy, dù có đi Trường Sa hay chưa, trong khả năng của mình bằng mọi cách sẽ có những đóng góp cho Trường Sa, DK1 và cho những vùng biên giới, hải đảo khác nữa. Mình muốn nhắn lại lời của đồng chí Sửu – chiến sĩ ở nhà giàn Tư Chính DK1/12: Hãy làm tốt việc của bạn ở đất liền, ở đây chúng tôi sẽ làm tốt việc của mình. 

Đi Trường Sa bạn sẽ thấy Đảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều, từ các công trình dân sự, quân sự  đến đời sống của chiến sĩ, nhân dân ta, nhiều hơn, sâu sắc hơn mức các bạn tưởng tượng! Mình sẽ hoàn toàn đứng về Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chuyến đi này đã xác nhận lại cho mình điều đó.

Nhiều ngày ở Trường Sa, bạn có từng bắt gặp tàu cá của Trung Quốc hay các nước khác, dấu hiệu của sự tranh chấp trên địa phận nước ta không? Dự định tới đây của bạn là gì?

Tranh chấp ở biển Đông là một vấn đề nóng, dài dẳng, Việt Nam chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lí, thực tiễn để khẳng định chủ quyền và thực thi quyền chủ quyền. Trong chuyến đi này bọn mình cũng có đi qua một số đảo, bãi đá chìm, vùng nước đang tạm bị chiếm đóng như Gạc Ma, Song Tử Đông, Ba Bình…, cảm giác rất xúc động và thực sự rất đồng cảm với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước để giữ ổn định trên biển. 

23c61818e_i_4847.jpg

Bằng quá trình đấu tranh đã, đang và sẽ diễn ra, chúng ta sẽ cố gắng giành lại. Việc trước tiên là tập trung phát triển kinh tế, đoàn kết, chung sức chung lòng giữ vững ở những đảo mà ta đang thực thi kiểm soát, dù là Trung Quốc hay ai trong 5 nước 6 bên có tranh chấp thì chúng ta tuyệt đối không lùi bước. Bên cạnh đó cũng cần kịch liệt đấu tranh âm mưu thâm độc của Trung Quốc và một số thế lực khác hòng biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp.

Các bạn cứ yên tâm là không có “tàu lạ” nào có thể xuất hiện trên vùng lãnh hải của chúng ta, các chiến sĩ không quân, hải quân, thậm chí là những cảnh giới đặc biệt như các chú chó luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền. Đến đảo Sơn Ca, gần đảo Ba Bình – bạn sẽ cảm nhận rõ điều đó.

Mình đang chuẩn bị một buổi báo cáo và diễn thuyết tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, viết bài cho một số cơ quan báo chí (hi vọng được đăng) và chuẩn bị cho triển lãm ảnh mini về Trường Sa.

Bạn nghĩ thế nào khi hiện nay có rất nhiều bạn trẻ chưa thực sự quan tâm tới tình hình chính trị đất nước, chủ quyền biển đảo, cũng như có quá ít hiểu biết về “Trái tim của Tổ quốc”?

Nếu nói là nhiều bạn trẻ chưa quan tâm đến chủ quyền biển đảo là không khách quan, có thể biết ít hoặc biết nhiều, nhưng không ai là không quan tâm đến tình hình đất nước. Bằng cách này hoặc cách khác, gần như tất cả mọi người đều đang thể hệ sự quan tâm và tình yêu biển đảo thiêng liêng. Mình nghĩ trong thời gian tới cần có mấy việc sau đây phải làm ngay:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục đào tạo cần tăng cường các nội dung về biển đảo trong chương trình giáo dục chính khóa và sinh hoạt nại khóa, ngay từ thời còn tiểu học. Mình đi học 12 năm mình chỉ biết là ta có đảo này, đảo kia chứ chưa biết tình hình thực tế của các đảo. Đó một phần là lí do vì sao có nhiều bạn trẻ quá khích vì thiếu hiểu biết trong quá trình đấu tranh.

Thứ hai, Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn kết tập hợp thanh niên nên dành nhiều thời gian, các chương trình, công trình phần việc cho thanh niên trực tiếp tham gia để giới thiệu, tuyên truyền về thực trạng quản lí của chúng ta tại Trường Sa và Hoàng Sa, cung cấp chính xác các thông tin tránh hiểu nhầm không cần thiết. Mình nghĩ là thông tin chính xác, khách quan sẽ giúp mọi người hiểu nhau và đoàn kết hơn. Mình nghĩ cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” của TW Đoàn cần được tiếp tục đẩy mạnh với những giải pháp thực tiễn hơn.

Thứ ba, các bạn hãy có sự tỉnh táo khi thể hiện tình yêu nước, hãy tuyệt đối tin vào Đảng và Nhà nước. Ra Trường Sa, bạn sẽ hiểu được điều đó!

Vẫn biết, đến với Trường Sa không hề dễ, bạn có nhắn nhủ gì tới những bạn trẻ rất mong muốn nhưng chưa có cơ hội đặt chân tới Trường Sa?

Các bạn hãy cố gắng và tin tưởng, sẽ có một ngày ai cũng được đến Trường Sa. Trường Sa không hề xa một tí nào!

Suy nghĩ của bạn về những thanh niên trẻ sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ biển đảo tổ quốc?

Đối với mình, quân dân Trường Sa là những anh hùng của một dân tộc anh hùng thế kỉ XXI! Mình nói “quân dân” vì ở Trường Sa bây giờ không chỉ có chiến sĩ để bảo vệ CHỦ QUYỀN mà còn có các gia đình, ngư dân, học sinh, thầy giáo đang thực thi và bảo vệ QUYỀN CHỦ QUYỀN.

23c61818e_i_5164.jpg

"Nước biển một màu xanh nhẹ nhàng để hương hồn các anh trở lại"

Mình nghĩ là ai cũng sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc! Nhưng như các chiến sĩ ở Dk1 và Trường Sa đã nói với mình, đừng cường điệu hóa bất cứ điều gì, nhiệm vụ ở đất liền hay đảo xa đều quan trọng, nếu ở đất liền bạn làm tốt việc của mình thì sẽ giúp cho đảo xa vững tin. 

Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện. Chúc bạn tiếp tục đạt nhiều thành tích tốt trong học tập cũng như trong công việc của mình!

Hà My
Truyền hình K30A1

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN